Chứng khoán Tuần 10 – 14/08: Dồn dập tin xấu, thị trường đỏ lửa!
Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, NHNN tăng biên độ tỷ giá và giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh đã tác động tiêu cực lên giao dịch thị trường chứng khoán tuần qua. Mặc dù vậy, dòng tiền bắt đáy đã bắt đầu hoạt động tích cực hơn trong các phiên giảm điểm.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10 – 14.08.2015
Giao dịch: Bán tháo ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Ảnh hưởng từ những thông tin tiêu cực trong tuần qua khiến làn sóng bán tháo ồ ạt và các chỉ số liên tục lao dốc. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 2.44%, còn 589.03 điểm; HNX-Index cũng giảm 3.58%, còn 80.88 điểm. Trong khi đó, chỉ số VS100 giảm 3.4%, còn 161.95 điểm; VN30 cũng giảm 3.05%, còn 618.94 điểm.
Tất cả các nhóm Market Cap đều đồng loạt giảm điểm tiêu cực trong tuần qua, với VS-Small Cap là nhóm có mức giảm mạnh nhất với 2.56%, trong khi đó VS-Large Cap, VS-Mid Cap và VS-Micro Cap cũng giảm lần lượt với 2.14%, 1.88% và 1.43%.
Thanh khoản thị trường được cải thiện đôi chút khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đã tăng 5.6%, lên 501.3 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng tăng 3.7%, lên 199.1 triệu cổ phiếu.
Giao dịch phiên đầu tuần diễn ra khá tích cực khi câu chuyện nới room lại tiếp tục trở thành đề tài hỗ trợ tâm lý thị trường. Điều này khiến hàng loạt các cổ phiếu kín room tăng điểm mạnh cùng sự trở lại của nhóm Bảo hiểm. Tuy vậy, giới đầu tư vẫn khá e dè khiến cho thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sắc đỏ trở lại ngay trong phiên tiếp theo, dù giao dịch thị trường chủ yếu diễn ra ở thế giằng co trong biên độ hẹp.
Thị trường chỉ chính thức lao dốc trong những phiên cuối tuần khi thông tin về việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần như ngay lập tức sau đó đã nới rộng biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ 1% lên 2% để hỗ trợ xuất khẩu. Mặc dù phản ứng này là phù hợp nhưng giới đầu tư chứng khoán đã lo ngại về hiệu ứng tiêu cực trong ngắn hạn và đẩy mạnh thoát hàng. Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột đều lao dốc mạnh khiến VN-Index mất mốc hỗ trợ 600 điểm.
Diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu Dầu khí do tác động từ giá dầu thế giới suy giảm càng khiến cho đà giảm của thị trường nới rộng. Ngay cả khi những thông tin tích cực về văn bản hướng dẫn Nghị định 60 về nới room có thể xuất hiện cũng không đủ lực để vực lại thị trường. Tuy vậy, thanh khoản có dấu hiệu tăng cao trong những phiên giảm điểm này cho thấy dòng tiền bắt đáy đang hoạt động tích cực trở lại.
Phiên giao dịch cuối tuần, diễn biến có phần lạc quan hơn khi một số cổ phiếu dẫn dắt bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn đeo bám thị trường khi số lượng cổ phiếu giảm đểm vẫn chiếm ưu thế. Đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu Dầu khí đã tác động khá mạnh lên chỉ số khi GAS bị bán mạnh ở mức giá sàn. Một số động thái mới của NHNN trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng 253.7 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại đã hỗ trợ khá mạnh thị trường trong những phiên đầu tuần. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã quay ra bán ròng trong những phiên cuối tuần và tạo tác động tiêu cực lên chỉ số thị trường
Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 246.1 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần qua. SSI là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 94.1 tỷ đồng. NT2, DPM, VIC là những cổ phiếu tiếp theo được khối ngoại mua ròng mạnh tương ứng với 62.6 tỷ, 45.1 tỷ và 39.9 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VCB, NSC, KDC là những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng với giá trị lần lượt là 47.3 tỷ, 40.7 tỷ và 30.4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng đã mua ròng 7.7 tỷ đồng. VND và PVB là hai cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất tưởng ứng với 7.5 tỷ và 7.2 tỷ đồng. Trong khi đó, PVC là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất ở chiều ngược lại với 4.9 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Một tuần sụt giảm mạnh của thị trường khiến 19/23 ngành chìm trong sắc đỏ. DV Lưu trú và Giải trí là ngành có mức giảm điểm mạnh nhất với 8.23%, bỏ xa ngành giảm điểm theo sau là Khai khoáng với mức giảm 5.96%. Các ngành Ngân hàng, Xây dựng, Bất động sản cũng lần lượt giảm 4.27%, 3.96% và 3.47%. Trong khi đó, Bảo hiểm và Chứng khoán lại có mức tăng trong tuần qua tương ứng với 3.16% và 0.36%.
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là BGM với 9.38%, TTF với 8.5%; trên sàn HNX là FID với 16.42%.
BGM tăng 9.38%; TTF tăng 8.5%; FID tăng 16.42%. Không có thông tin gì đáng chú ý liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này trong tuần qua. Việc các cổ phiếu này tăng mạnh có thể xuất phát từ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào trong tuần qua.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là HAI với 13.75%, JVC với 12.66%, LSS với 10.62%, KDC với 10.62%; trên HNX là SHN với 21.93%, KVC với 15.61%.
HAI giảm 13.75%. Cổ phiếu này giảm điểm mạnh trở lại trong tuần qua sau khi đã phát hành thành công hơn 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Đà giảm vẫn diễn ra bất chấp doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 3 (niên độ 01/10/2014-30/09/2015) tiếp tục khởi sắc với mức tăng lần lượt là 115% và 37.5% đạt 427 tỷ đồng doanh thu và 7.7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
JVC giảm 12.66%. Việc tiếp tục tạm hoãn công bố BCTC quý 1 cùng gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 gây tâm lý lo ngại cho giới đầu tư về triển vọng công ty và khiến cổ phiếu này bị bán mạnh trong tuần.
LSS giảm 10.62%, SHN giảm 21.93%; KVC giảm 15.61%. Không có thông tin nào đáng chú ý của cổ phiếu này trong tuần qua. Nhiều khả năng dòng tiền rút ra khỏi các cổ phiếu này do ảnh hưởng chung từ thông tin tiêu cực trong tuần.
KDC giảm 10.62%. Việc chi trả cổ tức đặc biệt 200% đã qua đi khiến cổ phiếu này trở nên bớt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Điều này có thể đã khiến cổ phiếu này bị giảm điểm mạnh trong tuần qua.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Tư vấn Vietstock
|