Chứng khoán Tuần 03 – 07/08: Tâm lý thận trọng gia tăng!
Thông tin tiêu cực từ tiến trình đàm phán Hiệp định TPP đã khiến thị trường giảm điểm trong tuần qua. Tâm lý thận trọng gia tăng đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, lực cầu khiêm tốn từ khối ngoại cũng khiến giới đầu tư thêm phần e ngại.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 03 – 07.08.2015
Giao dịch: Thận trọng với thanh khoản thấp. Không có sự dẫn dắt của các cổ phiếu Large-Cap khiến các chỉ số thị trường đều giảm điểm mạnh. Cụ thể, VN-Index giảm 2.8%, còn 603.76 điểm; HNX-Index cũng giảm 1.47%, còn 83.88 điểm. Trong khi đó chỉ số VS100 cũng giảm 3.16%, còn 167.65 điểm; VN30 giảm 1.38%, còn 638.4 điểm.
Các nhóm Market Cap biến động có phần tiêu cực trong tuần qua với duy nhất chỉ có VS-Micro Cap không biến động. Trong khi đó, VS-Large Cap có mức giảm mạnh nhất với 2.25%, bỏ xa mức giảm của VS-Mid Cap và VS-Small Cap với mức giảm tương ứng là 1.12% và 0.21%.
Thanh khoản thị trường diễn biến có phần tiêu cực trong tuần qua khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đã giảm 17.6%, còn 474.7 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 7.1%, còn 192.1 triệu cổ phiếu.
Đón nhận thông tin tiêu cực từ tiến trình đàm phán TPP khiến cho thị trường lao dốc ngay sau phiên mở cửa đầu tuần. Niềm kỳ vọng mang tên TPP biến thành nỗi thất vọng lớn khiến các cổ phiếu được cho sẽ hưởng lợi nhất từ Hiệp định này như Thủy sản, May mặc… đều đồng loạt giảm mạnh. Thông tin tiêu cực đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thị trường khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn đều bị sụt giảm mạnh khiến các chỉ số có phiên giảm mạnh nhất trong tuần.
Áp lực bán ra tiếp tục duy trì mạnh trong phiên các phiên tiếp theo. Dẫu vậy, việc chạm phải mốc tâm lý 600 điểm của VN-Index đã hỗ trợ thị trường không lao dốc quá mạnh. Thông tin tích cực từ quá trình đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam – EU đã được hoàn tất cũng đã hỗ trợ tâm lý thị trường phần nào và giúp thị trường có phiên xanh điểm vào giữa tuần.
Tuy nhiên, việc thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý giới đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường nhanh chóng quay đầu lao dốc trong phiên tiếp theo.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần với thông tin hướng dẫn Nghị định 60 về việc nới room sẽ xuất hiện trong tháng 8 này được kỳ vọng sẽ kéo tâm lý thị trường tích cực hơn. Dẫu vậy, dường như thông tin này không đủ tâm lý tác động mạnh lên thị trường khi đà tăng không quá mạnh và giao dịch thị trường vẫn khá yếu.
Khác với những tuần giao dịch trước đây, giao dịch ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã sôi động hơn trong các phiên đầu tuần qua bất chấp sự suy yếu của nhóm dẫn dắt. Tuy nhiên sự hưng phấn này cũng nhanh chóng biến mất trong các phiên cuối tuần khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt không thể lấy lại sự tích cực.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng 270.4 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại đã bắt đầu quay lại mua ròng trên cả hai sàn trong tuần qua. Dù vậy, việc khối ngoại không mua ròng ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt (ngoại trừ duy nhất SSI) cộng với giá trị mua ròng mỗi phiên lại không đáng kể (trừ phiên thứ 5) đã khiến ảnh hưởng của khối ngoại khá mờ nhạt trên thị trường.
Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 239.4 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần qua. Hai cổ phiếu NT2 và SSI được khối ngoại mua ròng với giá trị lớn nhất tương ứng với 116.3 tỷ và 107.8 tỷ đồng. Trong khi đó, VCB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với 85.4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng 31 tỷ đồng bất chấp phiên bán ròng mạnh vào đầu tuần. Nếu như PVS là cổ phiếu nổi bật đáng chú ý nhất ở chiều bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng 10.5 tỷ đồng thì ở chiều mua ròng, giá trị mua ròng phân tán ở khá nhiều cổ phiếu. Cụ thể, PVB là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với 9.8 tỷ; trong khi đó, VND, TNG, PLC là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng khoảng 5-6 tỷ đồng ở mỗi cổ phiếu.
Cổ phiếu đáng chú ý: Một tuần biến động tiêu cực khiến các nhóm ngành chịu giảm điểm chiếm phần ưu thế với 15/23 ngành. Bảo hiểm là ngành có mức giảm điểm mạnh nhất với 9.33%, bỏ xa ngành giảm điểm tiếp theo là Ngân hàng với mức giảm 4.63%. Bất động sản, Xây dựng, Chứng khoán cũng có mức giảm lần lượt là 1.56%, 0.19% và 0.16%. Trong khi đó, SX Tôn thép là ngành có mức tăng điểm mạnh nhất trong số 8 ngành có được sắc xanh với mức tăng 4.5%.
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là ASM với 14.77%, LSS với 13%, DAG với 11.48%; trên sàn HNX là SLS với 32.03%, VE9 với 23.35%.
ASM tăng 14.77%. Không có thông tin đáng chú ý về hoạt động SXKD liên quan tới cổ phiếu này trong tuần qua. Đáng chú ý nhất là thông tin về các dự án đầu tư bổ sung thêm năm 2015 sẽ được trình lại tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất khi chưa được thông qua trước đó.
LSS tăng 13%. Dòng tiền đầu cơ đã chảy mạnh vào cổ phiếu này trong tuần qua bấp chấp thông tin về việc mua bất thành 1 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 7 vừa qua của LSS.
DAG tăng 11.48%. Không có thông tin chính thức nào liên quan đến hoạt động kinh doanh của DAG trong tuần qua. Nhiều khả năng cổ phiếu này đã được dòng tiền đầu cơ chảy mạnh trong tuần qua.
SLS tăng 32.03%. Việc kết quả kinh doanh thuận lợi khi lãi quý 2/2015 gấp 4 lần cùng kỳ; cùng với đó là thông tin về ngày 14/08 sẽ là ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2015 với tỷ lệ 10% đã giúp cổ phiếu này có nhiều phiên tăng điểm tích cực.
VE9 tăng 23.35%. Không có thông tin liên quan về hoạt động kinh doanh của VE9 trong tuần qua. Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu này bất chấp thông tin về việc ngày 17/08 sẽ ngày ngày GDKHQ phát hành gần 16 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là BVH với 10.29%, HVG với 10.05%, VCB với 10.02%, KMR với 9.52%; trên sàn HNX là KVC với 33.2%.
BVH giảm 10.29%. VCB giảm 10.02%. Làn sóng chốt lời ở nhóm cổ phiếu Bảo hiểm và Ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng khiến các cổ phiếu vẫn tiếp tục bị giảm điểm mạnh trong tuần qua.
HVG giảm 10.05%. KMR giảm 9.52%. Thông tin tiêu cực về Hiệp định TPP đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhóm cổ phiếu ngành Thủy sản và Dệt may. Nhóm cổ phiếu này đã bị bán tháo sau thời gian tăng mạnh trước đó.
KVC giảm 33.2%. Sau một tuần bán tháo trước đó thì cổ phiếu này tiếp tục bị bán mạnh trong tuần này. Trước đó với kết quả kinh doanh lũy kế 6 tháng đạt 223 tỷ đồng, tăng 42.9% đã giúp cổ phiếu này có một giai đoạn tăng rất mạnh. Diễn biến chốt lời ở cổ phiếu này đã xảy ra trong khoảng 2 tuần nay.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Tư vấn Vietstock
|