Cảnh giác với nguy cơ khủng hoảng tiền tệ do đồng USD mạnh
Hiện đồng USD đang quá mạnh đối với một số quốc gia trên thế giới. Các tín hiệu cảnh báo ban đầu cho thấy một cuộc khủng hoảng tiền tệ nữa có thể xảy ra tại các thị trường mới nổi.
* Dòng vốn tiếp tục “cao chạy xa bay” khỏi các thị trường mới nổi
* Tiền tệ các nước mới nổi chạm đáy 15 năm khi CK Trung Quốc rơi tự do
Đồng real của Brazil đã chạm mức thấp nhất trong 12 năm vào đầu tuần trước. Hiện các đồng tiền của Đông Nam Á cũng đang đứng tại các mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực này vào cuối thập kỷ 1990. Theo Capital Economics, tỷ giá của Mexico và Nam Phi đang đứng ở các mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD.
Đà tăng của đồng bạc xanh đã khiến những người nghiên cứu về lịch sử của đồng tiền này run sợ. Còn nhớ, đà leo thang của đồng USD vào đầu thập niên 1980 đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ Latinh. 15 năm sau, tiền này một lần nữa tăng giá chóng mặt, khiến các nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan sụp đổ do làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng.
Một cuộc khủng hoảng tiền tệ trên quy mô lớn có thể là một cú đấm thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu, kể cả Mỹ. Thế giới hiện đang hội nhập hơn nhiều so với thập nhiên 1980 và 1990.
Hay nói cách khác, đà lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chỉ là khởi đầu của các khó khăn đối với các thị trường mới nổi.
“Điều đó sẽ gây thêm sức ép cho rất nhiều thị trường mới nổi trong tương lai gần”, nhận định của Andrew Karolyi, Giáo sư tại Johnson Graduate School of Management.
Sự hội đủ của 3 yếu tố sau có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, đó là: đồng USD đang tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất trong tháng 9 và động lực cho các thị trường mới nổi – hàng hóa – đang rớt giá nhanh và mạnh.
Các chuyên gia cho biết, trong khi nhiều nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi đang rất lo lắng về Fed thì đà tăng của đồng USD cũng có tầm quan trọng tương đương như vậy.
Đồng bạc xanh đã nhảy vọt trong tháng 3 năm nay và chạm mức cao nhất trong 40 năm. Số liệu của Ngân hàng Dự trữ Khu vực St. Louis cho thấy đồng tiền này đang leo dốc trở lại và đã tăng tổng cộng 20% so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới trong một năm qua.
Bên cạnh đà tăng của đồng USD, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến nhu cầu hàng hóa suy giảm và gia tăng lo ngại về các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu khi thiếu vắng lực mua từ một khách hàng quan trọng.
Đó là chưa kể đến việc một số quốc gia trong số này đang phải đối mặt với những khó khăn riêng của mình. Kinh tế Brazil đang suy thoái, tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm tốc và một số người cho rằng cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã đẩy nước này xuống vị thế thị trường mới nổi.
Theo nhận định của các chuyên gia, các quốc gia đang phát triển đã và đang tiến hành các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng, chẳng hạn như Ấn Độ và Mexico sẽ an toàn trước đà tăng của đồng USD. Tuy nhiên, đối với các quốc gia chậm cải cách, đồng USD mạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế vốn đã yếu ớt này.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|