Cảnh báo "cuộc chiến tiền tệ" sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá
Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) liên tục điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xảy ra một "cuộc chiến tiền tệ".
Mặc dù PBoC giảm giá đồng nhân dân tệ trong biên độ 2% xung quanh tỷ giá chính thức theo quy định nhưng mức giảm này cũng đủ khiến các thị trường toàn cầu chấn động. Một số chuyên gia cho rằng đây đơn thuần chỉ là một quyết định giải phóng chính sách tỷ giá hối đoái cần thiết - điều mà Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn kêu gọi từ lâu.
Tuy nhiên, ông Stephen Roach - Cựu Chủ tịch Tập đoàn Morgan Stanley ở khu vực châu Á, cảnh báo về "nguy cơ ngày càng rõ ràng của một cuộc cạnh tranh hạ giá tiền tệ nghiêm trọng và khó lường hơn bao giờ hết."
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích của Tập đoàn HSBC tỏ ra thực tế hơn khi nhận định: "Áp lực giảm giá đối với tiền tệ châu Á phát sinh từ hành động của Trung Quốc sẽ nhanh chóng phai nhạt bởi Trung Quốc sẽ không tiếp tục giảm sâu tỷ giá đồng nhân dân tệ, vì nếu làm như vậy Trung Quốc sẽ tự mình đi ngược lại mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ."
Báo The Australian Financial Review ngày 13/8 đã đăng bài viết nhận định về nguy cơ "cuộc chiến tiền tệ" bước sang một giai đoạn mới, theo đó, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho phần tiếp theo trong cuộc chiến là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ hạ giá đồng yen.
Bài báo dẫn lời Vimal Gor, chuyên gia tập đoàn quản lý đầu tư TB, cho rằng động thái vừa qua của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là một “lực giảm phát lớn cho thế giới”, trong đó hàm ý rằng các nhà đầu tư nên mua trái phiếu khi đồng nhân dân tệ giảm. Điều này cũng tốt cho đồng USD, nhưng lại rất xấu đối với đồng euro và tất cả đồng tiền châu Á khác.
Ông nhấn mạnh: “Sẽ không có gì ngạc nhiên khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sớm phản ứng với động thái này do cuộc chiến tiền tệ vẫn tiếp tục.”
Trong một tuyên bố, PoBC khẳng định sẽ cho phép các thị trường can thiệp sâu hơn vào việc xác định tỷ giá hối đoái. Và quan trọng hơn, PoBC cho biết việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ không xuất phát từ những áp lực kinh tế mà do lợi thế về thặng dư tài khoản tiền gửi và nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ.
Theo giới chức Trung Quốc, việc gắn tỷ giá đồng nội tệ với đồng USD đã cản trở tính cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này với các đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), và đã đến lúc cần phải thay đổi.
Vietnam+
|