[Bài cập nhật]
Bán tháo dữ dội trên toàn cầu khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc tiếp hơn 8%
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục rơi tự do trong ngày thứ Hai do lo ngại về đà tăng trưởng ngày càng suy yếu của nước này và tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi thị trường biến động.
* Trung Quốc dùng quỹ hưu trí cứu chứng khoán
* Lại thêm một cuộc khủng hoảng tiền tệ nữa ở Đông Nam Á
Theo đó, sau khi bốc hơi 8.4% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, Shanghai Composite, hạ thả phanh 6.6% xuống 3,277.03 điểm, nối tiếp đà lao dốc hơn 11% trong tuần trước.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết tại Thượng Hải, bao gồm một số doanh nghiệp quốc doanh, giảm sàn 10% trong giờ giao dịch đầu tiên. Chỉ số Shenzhen Composite cũng giảm sâu hơn 7.5%.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc vẫn tiếp diễn bất chấp các nỗ lực mới nhất của nước này nhằm trấn an nhà đầu tư. Cuối tuần qua, Trung Quốc cho biết nước này dự định cho phép quỹ hưu trí nhà nước chính lần đầu tiên được đầu tư vào thị trường chứng khoán. Theo đó, các quỹ sẽ được phép đầu tư tới 30% tài sản ròng vào các cổ phiếu niêm yết trong nước.
Trong số các thị trường còn lại của châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt mạnh 3.7% xuống 21,588.56 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và ASX All Ordinaries của Australia cùng sụt 2.7%. Chỉ số Kospi Composite của Hàn Quốc mất 0.9%. Các đồng tiền châu Á cũng giảm giá so với đồng USD.
Diễn biến các TTCK châu Á tại thời điểm 11h11 ngày 24/08
Nguồn: YahooFinance
|
Trên thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán tương lai cũng giảm mạnh vào cuối ngày Chủ Nhật sau tuần lao dốc tồi tệ nhất trong 4 năm. Chỉ số Dow Jones tương lai rớt 457 điểm (tương ứng 2.78%) xuống 16,010 trong khi chỉ số S&P 500 tương lai mất 54 điểm (tương ứng 2.74%) còn 1,917 điểm với khối lượng giao dịch thưa thớt. Chỉ số Nasdaq tương lai cũng đánh mất 162.25 điểm (tương ứng 3.86%) xuống 4,038.50 điểm. Tuần trước, Dow Jones bốc hơi hơn 1,000 điểm, đánh dấu tuần điều chỉnh tồi tệ nhất kể từ năm 2011.
Các thị trường toàn cầu hiện đang chịu sức ép bởi 3 yếu tố, đó là: mối lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh hơn dự tính của các nhà phân tích, tâm lý lo lắng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất cơ bản, và hiệu ứng từ giá dầu cực kỳ rẻ khi nhiên liệu này đang giao dịch sát 40 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 6 năm.
Nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, trong biên bản họp được Fed công bố tuần trước, các thành viên ủy ban lại gửi đến thị trường các tín hiệu trái chiều.
Việc nâng lãi suất sẽ gia tăng chi phí vay mượn đối với các doanh nghiệp thị trường mới nổi. Đồng thời, điều đó cũng sẽ khiến trái phiếu của Mỹ hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc họ có thể bán tháo trái phiếu thị trường mới nổi.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu WTI tại Mỹ và chuẩn mực dầu toàn cầu Brent cùng chạm mức thấp nhất trong 6 năm vào sáng ngày thứ Hai và hiện đang giao dịch tại các mức thấp chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tiền tệ 2008-2009.
Tuần trước, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 trên sàn Nymex (WTI) lao dốc tổng cộng 6.2% xuống 40.45 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 02/03/2009, đánh dấu tuần giảm giá thứ 8 liên tiếp. Theo số liệu của FactSet, đây là chuỗi giảm giá dài nhất của hợp đồng dầu WTI kể từ đợt lao dốc 10 tuần liên tiếp kết thúc ngày 07/03/1986. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc Đại suy thoái, giá dầu WTI đóng cửa dưới 41 USD/thùng.
Tương tự, hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 10 trên sàn ICE Futures cũng bốc hơi hơn 7%/tuần xuống 45.46 USD/thùng, đánh dấu tuần giảm giá thứ 7 trong 8 tuần vừa qua. Được biết, dầu là một yếu tố sống còn đối với đà tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển trong bối cảnh đồng tiền của các nước này đang mất giá do mối liên hệ về mặt kinh tế với Trung Quốc.
Phước Phạm (Theo CNBC, BBC)
|