Vietnam Airlines tăng tốc thoái vốn ngoài ngành
Với việc thoái vốn thành công toàn bộ số cổ phần tại Công ty CP Bảo hiểm hàng không vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines đã tiến thêm một bước đáng kể trong tiến trình cổ phần hóa của mình.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu hoàn tất việc thoái vốn tại 8 doanh nghiệp còn lại vào cuối năm 2015
|
Thu hàng trăm tỷ đồng thặng dư từ thoái vốn
Tin từ Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), doanh nghiệp này vừa hoàn tất việc thoái vốn tại Công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI). Đây là đơn vị thứ hai mà Vietnam Airlines thoái xong vốn trong năm nay và là đơn vị thứ 7 trong tổng số 15 đơn vị mà Tổng công ty lớn này cần thoái vốn.
Trong phiên đấu giá toàn bộ lô cổ phiếu thuộc sở hữu của Hãng hàng không quốc gia tại VNI được tổ chức vào ngày 7/7, Vietnam Airlines đã thu về 109,55 tỷ đồng/100 tỷ đồng mệnh giá.
Sau khi hoàn thành kế hoạch thoái vốn, Vietnam Airlines sẽ giảm bớt 15 doanh nghiệp có vốn góp trong số 33 đầu mối trước tái cơ cấu để còn 18 doanh nghiệp có vốn góp, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vận tải hàng không và các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến dây chuyền vận tải hàng không.
|
Kết quả đấu giá theo nhiều chuyên gia kinh tế là “thành công ngoài mong đợi” này đã nâng tổng số tiền thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp hàng đầu ngành hàng không này lên gần 610 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho biết: “Tính về danh mục, Tổng công ty đã thoái được 7/15 đơn vị với giá trị vốn đầu tư đã thoái tính theo mệnh giá là 505,64 tỷ đồng, chiếm 85,5% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái”. Được biết, tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái của cả 15 danh mục đầu tư của Vietnam Airlines tính theo mệnh giá là 594,53 tỷ đồng.
Cũng theo ông Đức, tổng số tiền thu được từ việc thoái vốn tại 7 đơn vị đầu tiên là 609,5 tỷ đồng. “Ngoài cổ tức hàng năm mà Tổng công ty nhận được từ các doanh nghiệp này, khoản chênh lệch tăng giữa tổng giá trị bán thu được so với tổng giá trị vốn đầu tư thực tế tại 7 doanh nghiệp này là 282,88 tỷ đồng”, ông Đức nói.
Một điểm đáng lưu ý là những cái tên trong danh sách đã hoàn tất thoái vốn của Vietnam Airlines đều thuộc về các lĩnh vực nhạy cảm ngoài ngành như: Chứng khoán, bất động sản, tài chính ngân hàng… Cụ thể, có thể kể đến Bảo hiểm hàng không, Bảo hiểm Bảo Minh, Chứng khoán Hòa Bình, Ngân hàng Kỹ Thương, Công ty CP Đầu tư Hàng không (chuyên về bất động sản)...
Còn nhiều “ca khó” trong nửa cuối năm
Theo kế hoạch đặt ra, trong 6 tháng cuối năm, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn tất việc thoái vốn tại 8 doanh nghiệp còn lại, trong đó sẽ phải thoái xong vốn tại 5 doanh nghiệp gồm: Khách sạn Hàng không, In Hàng không, Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Hàng không, Công ty CP Vận tải ô tô Hàng không, Công ty CP Công trình Hàng không ngay trong quý III.
Ba đầu mối được chốt hoàn tất thoái vốn trong quý IV gồm Công ty CP Nhựa cao cấp Hàng không, Công ty CP Đầu tư Hàng không và Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn.
Một điểm lưu ý là trong danh sách 8 đầu mối còn lại cần phải thoái vốn có hai đầu mối mới, theo đánh giá của Vietnam Airlines là “có thể gặp khó khăn khi thoái vốn”.
“Với Công ty CP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), giá trị đầu tư thực tế ban đầu (21,47 tỷ đồng) lớn hơn nhiều so với giá trị tính theo mệnh giá (4,31 tỷ đồng), không đủ điều kiện trích lập đủ dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán theo quy định do SPT chưa niêm yết. Với Nhựa hàng không, các vướng mắc lại liên quan đến việc bàn giao vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa”, Phó Tổng giám đốc Phan Xuân Đức chia sẻ.
Ngoài hai trường hợp trên, Công ty CP Khách sạn Hàng không (AH JSC) cũng từng được cho là “bài toán nan giải nhất” của Vietnam Airlines trong lộ trình thoái vốn. Được thành lập năm 2006 với mục tiêu ban đầu là tiếp tục triển khai Dự án khách sạn tại lô đất 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, nhưng trong suốt 9 năm hoạt động, AH JSC có kết quả kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Tại doanh nghiệp này, Vietnam Airlines góp 57,6 tỷ đồng (tương đương 3,6 triệu USD) bằng một phần giá trị đầu tư dở dang tại lô đất này. Phần còn lại trong giá trị tòa nhà đã được xây dựng dở dang (tương đương 5,341 triệu USD) được Vietnam Airlines cho AH JSC nợ.
Tin vui với Vietnam Airlines là Chính phủ đã đồng ý với phương án toàn bộ số cổ phần của Vietnam Airlines tại AH JSC sẽ được thoái theo phương thức bán trọn lô cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kèm theo điều kiện nhận và thanh toán toàn bộ công nợ cho Vietnam Airlines.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Vũ Anh Minh cũng nhận định đây là phương án tối ưu nhất, đảm bảo thoái vốn và thu hồi đủ số nợ phải thu, tránh được rủi ro.
Thanh Bình
giao thông
|