Nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc “rơi tự do”
Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã không ngăn được đà “rơi tự do” của thị trường chứng khoán Thượng Hải, khi sàn giao dịch này giảm tới hơn 8% trong ngày 8/7.
* Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 8 năm
Các nhà đầu tư Trung Quốc tại sàn giao dịch ở Vũ Hán, Hồ Bắc. (Nguồn: Getty images)
|
Theo thông báo, ít nhất 1.249 công ty, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết, đã ngừng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã mất tới 1/3 giá trị kể từ tháng Sáu vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố một số biện pháp mới để hỗ trợ thị trường, trong đó cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư thêm tài sản trong các thị trường chứng khoán và triển khai chương trình mua cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Bank of America Merrill Lynch ( BofA-ML) khuyến cáo tình trạng “rơi tự do” trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp trong tương lai. Các nhà phân tích của BofA-ML cho biết, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6/2015 đến nay.
Một số nhà đầu tư toàn cầu lo ngại sự rối loạn thị trường của Trung Quốc làm bất ổn định nền kinh tế, đang trở thành một nguy cơ nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng của Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone).
Theo phân tích của tờ the Economic Times của Ấn Độ, có năm nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị sức ép mạnh như vậy trong ngày 8/7.
Thứ nhất, do BofA-ML đưa ra khuyến cáo về nguy cơ xuất hiện cuộc “khủng hoảng tài chính” tại Trung Quốc nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Phân tích của BofA-ML cho rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm hơn, thu nhập của các công ty thấp hơn và nguy cơ về cuộc khủng hoảng tài chính sẽ cao hơn.
Thứ hai, đòi hỏi về tỷ suất lợi nhuận cao hơn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Thứ ba, sự hoang mang của giới đầu tư bất chấp các biện pháp hỗ trợ thị trường từ Chính phủ Trung Quốc.
Thứ tư là sự sụt giảm của thị trường hàng hóa, trong đó giá đồng, than, dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt đang xuống dốc. Thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa phụ thuộc lẫn nhau, do đó thị trường này yếu sẽ tác động xấu đến thị trường kia.
Và thứ năm là mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố số liệu về GDP quý 2 vào ngày 15/7 và nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của quý này chỉ dưới 7%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Minh Lý
Vietnam+
|