Thứ Sáu, 17/07/2015 11:51

Người mua nhà lo trắng tay vì chủ dự án nợ thuế

Với những doanh nghiệp chây ì quá lâu, ngành thuế sẽ kiến nghị thu hồi dự án...

* Hà Nội: Ngành thuế công bố thêm 50 doanh nghiệp nợ thuế “khủng”

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố hàng chục doanh nghiệp nợ thuế, trong đó có khá nhiều là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Giới đầu tư bất động sản và người mua nhà mấy ngày gần đây dường như mất ăn mất ngủ với thông tin hàng loạt doanh nghiệp địa ốc nợ thuế với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhưng điều khiến khách hàng của các dự án trên quan tâm chính là những hệ luỵ của việc nợ thuế khi mà đầu tuần nay, đại diện lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội khẳng định “sẽ kiến nghị thành phố tiến hành thu hồi dự án với những doanh nghiệp chây ì”.

Nợ thuế lên tới 23.000 tỷ

Theo số liệu từ Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến, tổng số tiền nợ thuế của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến thời điểm này lên tới 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ thuế phí 9.600 tỷ đồng, nợ thuế đất 7.400 tỷ đồng và nợ thuế chậm nộp 5.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp nợ đến hơn 320 tỷ đồng. Có 66 dự án nợ lớn nhất chiếm tới 4.600 tỷ đồng. Trong tổng số nợ tiền sử dụng đất, có 3.200 tỷ đồng thuộc các dự án không hề có “vướng mắc gì”.

Trước sự chây ì mang tính “hệ thống”, mới đây cơ quan thuế đã buộc phải công khai danh tính hàng chục doanh nghiệp và dự án đi kèm, coi như là một trong những giải pháp bất đắc dĩ để “hù doạ” doanh nghiệp phải chấp hành nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm, bằng các biện pháp từ tuyên truyền, động viên đến các biện pháp hành chính cứng rắn nhất, Cục Thuế Hà Nội cũng đã thu nợ được hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó nợ thuế phí hơn 4.600 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng còn lại là các khoản nợ liên quan đến đất.

Sau khi công bố danh tính các doanh nghiệp nợ thuế hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong số các doanh nghiệp được nêu tên, đã có 22 doanh nghiệp nộp vào ngân sách hơn 360 tỷ đồng, trong đó có 5 doanh nghiệp nộp xong toàn bộ số tiền còn nợ.

Tuy nhiên, theo đại diện ngành thuế Hà Nội, con số nợ thuế hiện nay vẫn quá lớn. Do đó, tới đây Cục Thuế thành phố sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn như đề xuất phong tỏa tài khoản, đình chỉ hóa đơn sử dụng, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Với những doanh nghiệp vi phạm Luật Đất đai và chây ì quá lâu, ngành thuế sẽ kiến nghị với UBND thành phố ra quyết định thu hồi dự án.

“Khi phát hiện dấu hiệu không bình thường, chúng tôi sẽ xuống xác minh ngay xem trụ sở của doanh nghiệp đó thế nào, làm ăn cái gì? Từ đó đưa ra cảnh báo tới tất cả các doanh nghiệp. Đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác định rõ hành vi, thậm chí bắt giữ người chủ mưu, đưa ra khởi tố để làm gương”, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho hay.

“Tội gì không nợ”

Theo tìm hiểu của VnEconomy, thực trạng doanh nghiệp “hò nhau” nợ thuế có ngọn nguồn từ chủ trương của Chính phủ và UBND thành phố từ đầu năm 2013.

Bằng liên tiếp các nghị quyết của Chính phủ và quyết định của các địa phương yêu cầu các bộ, sở, ngành phải tạo điều kiện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp địa ốc.

Trên thực tế, các doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua, do tác động của suy giảm kinh tế, phần lớn gặp khó khăn thực sự. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng khá nhiều ưu đãi của nhà nước từ miễn, giảm, giãn thuế đến nhiều hỗ trợ khác trong việc đầu tư kinh doanh, triển khai các dự án.

Đặc biệt, trong một văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường hồi 2012 gửi UBND thành phố Hà Nội và Tp.HCM, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng vẫn phải cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà đối với các dự án có chủ đầu tư vi phạm.

Theo tiết lộ của một doanh nghiệp đang nợ thuế, vài năm nay, thị trường bất động sản đã và đang trên đà khởi sắc, dòng tiền vào đã tăng đáng kể, và họ cũng “khờ khạo” đến mức không biết việc nợ thuế là bị tính thêm tiền phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, bằng một phép cộng trừ đơn giản, họ đã biết được sẽ có lợi rất nhiều nếu đem khoản tiền phải đóng thuế đó gửi vào ngân hàng lấy lãi, sau đó trích một phần lãi đóng tiền phạt nộp thuế chậm cho cơ quan thuế. Vì thế, theo lãnh đạo doanh nghiệp này “lợi thế, dễ thế thì không tội gì không nợ thuế”.

Vị này cho hay, chiêu bài này không mới và đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhưng nó vẫn là chiêu “hiệu quả” nhất trong mọi giai đoạn, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước đang “thông cảm” với doanh nghiệp.

Nhưng,với sự quyết liệt của ngành thuế gần đây, không phải là doanh nghiệp nào cũng áp dụng được chiêu này, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản khi mà họ “hợp tác chặt chẽ” với các sở, ngành khác đồng thời bêu tên, không cấp sổ đỏ cho khách hàng…thì chủ đầu tư cũng đành ngậm ngùi nộp thuế.

Tuy nhiên, theo một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc doanh nghiệp chây ì nộp thuế cũng có trách nhiệm một phần từ chính các cơ quan quản lý. Hầu hết các dự án bất động sản hiện nay đã và đang triển khai, thậm chí đã hoàn thành, thì tại thời điểm khởi công nhiều năm trước, thành phố đều cho phép áp dụng “thu tiền sử dụng đất tạm tính”.

Do đó, hiện nay, nhiều dự án có nghĩa vụ tài chính với nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền họ phải tạm nộp ban đầu chỉ là vài ba chục tỷ.

Lo trắng tay

Câu chuyện về nợ thuế tưởng chừng như chỉ là quan hệ giữa ngành thuế với doanh nghiệp, nhưng giờ đây, nó đang là đề tài bàn thảo sôi nổi nhất trong giới đầu tư bất động sản khi mà số phận căn nhà, mảnh đất của không ít người đã trót bỏ tiền ra mua vẫn chưa biết có được một tấm giấy chứng thực đi kèm hay không.

Thậm chí, theo như lời ông Cục phó Cục thuế Hà Nội thì với những dự án chây ì lâu năm, cố tình vi phạm, cơ quan này sẽ kiến nghị thành phố thu hồi. Khi đó, dù quyền lợi người dân, khách hàng có được đảm bảo hay không thì những rắc rối trong quan hệ lợi ích giữa chủ đầu tư và khách hàng chắc chắn không tránh khỏi rắc rối.

“Tôi trót mua một căn chung cư trên đường Nguyễn Trãi của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội. Mới đây đọc báo thấy doanh nghiệp này nợ thuế tới hàng trăm tỷ đồng mà cả nhà mất ăn mất ngủ. Không biết hồ sơ pháp lý của căn hộ chúng tôi và cả dự án này tới đây có được giải quyết hay không. Đúng là vẫn bị tình trạng nhắm mắt mua nhà”, một khách hàng cho biết.

Cùng cảnh ngộ trên, khách hàng Nguyễn Ánh Hồng, người mua căn hộ của Công ty Đầu tư xây dựng Trung Việt tại Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông), cũng tỏ ra lo lắng khi doanh nghiệp này vừa được bêu tên nợ thuế tới 193 tỷ đồng.

Người thân của chị thì góp tiền mua nhà tại dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An của Tổng công ty Thành An cũng rối bời không kém khi chủ đầu tư được “lên báo” với số nợ trên 142 tỷ đồng.

“Nói thật, giờ bắt buộc phải theo và chờ đợi sự nghiêm túc của chủ đầu tư, chứ có muốn bán lại những căn hộ này cũng chả ai mua, ngay cả khi bán cắt lỗ. Chúng tôi thậm chí có thể rơi vào trắng tay nếu dự án bị thu hồi”, chị Hồng nói.

Nói về quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là người mua nhà của các doanh nghiệp địa ốc nợ thuế, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo: “Người dân không nên mua hàng hóa của doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, vì sẽ rất khó khăn khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ông Tiến cũng cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp với các sở, ngành của thành phố tiến hành phân loại các doanh nghiệp, những đối tượng được nhà nước ưu đãi nhưng lại không nộp hoặc đã triển khai dự án rồi, đã huy động tiền và có dòng tiền luân chuyển nhưng lại nợ tiền sử dụng đất.

Bảo Anh

vneconomy

Các tin tức khác

>   BĐS Phát Đạt: Ký bảo bão lãnh cho 2 dự án The EverRich (17/07/2015)

>   Dự án tháp đôi 265 Cầu Giấy về tay FLC (17/07/2015)

>   TPHCM: Tuyến metro số 2 "đội" vốn 800 triệu USD (16/07/2015)

>   ĐHĐCĐ Cotecland: Quý 1/2016 sẽ phát hành cổ phần tăng vốn (16/07/2015)

>   Hà Nội có hơn 200 nhà, đất công sử dụng sai mục đích (16/07/2015)

>   OGC: Dự án StarCity nào sẽ “nối gót” ra đi? (16/07/2015)

>   Thị trường bất động sản 2015: Cân bằng cung - cầu? (16/07/2015)

>   TP.HCM đề xuất vay gần 3 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng (16/07/2015)

>   Sang tên, đổi chủ tại dự án tháp đôi 265 Cầu Giấy? (16/07/2015)

>   Thuê nhà tại Myanmar đắt gấp 3 lần TPHCM (15/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật