Mục sở thị nhóm cổ phiếu dậy sóng sàn UPCoM
Với những chính sách từ Nhà nước như Quyết định 51/2014 bắt buộc đưa cổ phiếu lên giao dịch sau 90 ngày cổ phần hay gần đây nhất là việc nới rộng biên độ giao dịch từ 10% lên 15% được đánh giá đã và đang giúp thị trường UPCoM ít nhiều sôi động hơn thời gian trước.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến thời điểm 21/07/2015 trên thị trường UPCoM đã có 206 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với tổng giá trị vốn hóa hơn 38,262 tỷ đồng (theo số liệu từ Sở GDCK Hà Nội). Tuy nhiên giao dịch trên UPCoM có sự phân hóa rõ nét khi chỉ ”ưu ái” một số nhóm cổ phiếu, trong khi phần còn lại thì giao dịch rất hạn chế.
Bảng phân hóa giao dịch của các cổ phiếu trên UPCoM
|
Trong bài viết này, người viết đề cập đến top 10 cổ phiếu đang được nhà đầu tư quan tâm giao dịch nhiều nhất trên UPCoM và những câu chuyện thú vị đằng sau nhóm cổ phiếu này.
“Rớt hạng” nhưng vẫn còn nóng
Điểm nhấn đầu tiên là nhóm cổ phiếu bị “rớt hạng” từ sàn niêm yết xuống. Với tính chất nóng và đầu cơ trên các sàn niêm yết, các cổ phiếu này tiếp tục trở thành tâm điểm trên thị trường UPCoM. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể thấy ở cổ phiếu AVF của CTCP Việt An.
AVF chính thức bị hủy giao dịch trên sàn niêm yết từ 10/06/2015 và chuyển xuống giao dịch tại UPCoM từ 18/06 nhưng vẫn giữ được sức nóng khi khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 850 ngàn đơn vị - trở thành “ông vua” về thanh khoản của sàn này.
Theo thông tin ghi nhận, năm 2014 AVF lỗ ròng lên đến 893 tỷ, kéo vốn chủ sở hữu âm gần 370 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi đơn vị này đi vào hoạt động, song phía AVF hiện vẫn chưa đưa ra những giải trình xác đáng cho khoản lỗ lớn trên.
Ngày 08/08 tới đây AVF sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015. Và với nhiều ẩn số như đã đề cập ở trên, đại hội lần này của AVF khả năng cũng sẽ nóng như mức độ thanh khoản của cổ phiếu này.
Một số trường hợp điển hình khác là cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô, HLA của CTCP Hữu Liên Á Châu hay VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải cũng được nhà đầu tư quan tâm giao dịch đưa khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt lần lượt từ 50 – 300 ngàn đơn vị mỗi phiên.
“Tân binh” cũng có nét riêng
Bên cạnh nhóm cổ phiếu hủy niêm yết, các ”tân binh” cũng được quan tâm mạnh. Tiêu biểu cho trường hợp này trên UPCoM là ở hai cổ phiếu DDV của CTCP DAP – Vinachem và TVB của CTCP Chứng khoán Trí Việt.
Trường hợp của DDV, cổ phiếu này chính thức giao dịch trên UPCoM mới gần đây (10/06) , sau 30 phiên giao dịch, thanh khoản bình quân mỗi phiên của DDV đã cán mốc gần 359 ngàn đơn vị, chỉ đứng sau hai cổ phiếu AVF và SBS.
Hiện công ty chỉ mới công bố KQKD quý 2/2014 nhưng cũng chưa cho tín hiệu khả quan khi ghi nhận mức lỗ hơn 38.4 tỷ đồng. Theo đánh giá của CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS), DDV là đơn vị trực thuộc của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và được đầu tư từ năm 2009 với những dự án như đầu tư máy móc, thị trường,... Dự án đầu tư này trong 6 năm đầu không có lãi nhưng từ năm thứ 7 trở đi mới xuất hiện hòa vốn và có lãi. Theo đó, DDV đã đưa ra kế hoạch hoạt động rất khả quan với mục tiêu tới năm 2017 sẽ đạt mức lợi nhuận 123.5 tỷ đồng.
Ngoài ra, DDV không có những khoản nợ lớn, đồng thời nợ được cơ cấu từ ngắn hạn qua dài hạn nên sẽ không ảnh hưởng nhiều. Với những nguyên nhân và kế hoạch “hoành tráng” khả năng đây là lý do cổ phiếu DDV thu hút được lượng đáng kể sự quan tâm của nhà đầu tư.
Tương tự ở TVB, kể từ khi lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 18/06. Giá cổ phiếu của TVB đã có lúc tăng 85% lên mức 15,700 đồng/cp. Tuy nhiên, dưới áp lực bán 51% vốn của cổ đông lớn CTCP Quản lý đầu tư Trí Việt, giá cổ phiếu này có phần đi xuống nhiều phiên sau khi đạt đỉnh.
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2014 tình hình kinh doanh của TVB ổn định với mức lãi thu đều hàng quý dao động từ 1.2-2.1 tỷ đồng giúp năm 2014 đạt mức lãi ròng 8.3 tỷ đồng, cao hơn 10 lần năm 2013.
Kỳ vọng gì ở “ông lớn” sàn UPCoM?
Hai đại diện tiêu biểu trong nhóm vốn điều lệ ngàn tỷ trên UPCoM là SBS của CTCP Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và SDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng.
SBS là công ty có vị thế khá lớn trong ngành chứng khoán với số vốn điều lệ gần 1,300 tỷ đồng, chính vì vậy khi chuyển về giao dịch ở UPCoM, SBS nằm trong số những đơn vị top đầu về vốn hóa trên thị trường này.
Về hoạt động kinh doanh, sau quá trình tái cấu trúc mang lại mức lãi đột biến 443 tỷ đồng trong năm 2013 (chủ yếu nhờ cắt giảm mạnh chi phí hoạt động kinh doanh và tiền thu từ xử lý các trái phiếu chuyển đổi), năm 2014 SBS chỉ lãi hơn 15 tỷ đồng. Quý 1/2015, hoạt động kinh doanh của SBS không thật sự khả quan khi chỉ lãi ròng 622 triệu đồng.
Ngoài những điểm trên, SBS hiện vẫn còn rất nặng gánh bởi áp lực của Thông tư 210 đang buộc công ty phải tìm mọi cách để kéo lỗ lũy kế xuống dưới 50% vốn điều lệ để không phải ngừng hoạt động.
Còn ở SDI, đây là đơn vị giao dịch trên UPCoM từ giữa năm 2011 với số vốn điều lệ gần 1,200 tỷ đồng. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, SDI luôn hoạt động có lãi, đặc biệt trong hai năm 2013 và 2014 SDI đều đạt mức lãi ròng trên 1,000 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của SDI, các cổ đông cũng đã thông qua mức cổ tức khủng lên đến 83.33%, tương ứng số tiền chi trả gần 1,000 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2015, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, SDI sẽ đẩy mạnh tiến độ và triển khai phát triển 2 dự án mới là “Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh tại Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội” và “Khu công viên và Hồ điều hòa khi phía Bắc và phần mở rộng phía Nam Nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội”.
10 cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất trên UPCoM
(Xét trong giai đoạn từ 01/01-21/07/2015)
|
Triệu Linh
|