> >
Thứ Sáu, 17/07/2015 16:47

[Bài cập nhật]

Lướt sóng cp CII, Tuấn Lộc lãi hơn 70 tỷ sau 1 tháng

Sau khoảng 1 tháng xuất hiện đình đám với việc liên tục mua và nâng sở hữu tại CII lên 12.5% và trở thành cổ đông lớn nhất, chiều ngày 17/07, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc bất ngờ công bố đã bán gần hết, chỉ còn nắm 0.8%.

Với việc lướt sóng cổ phiếu CII trong hơn 1 tháng qua, ước tính Tuấn Lộc đã kiếm được lợi nhuận khoảng hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền Tuấn Lộc chi ra là gần 550 tỷ đồng, ước tính theo giá đóng cửa của cp CII tại các phiên mua vào ngày 19/06, 22/06, 23/06, 30/06, 06/07 và 08/07; còn số thu về ước tính 620 tỷ đồng, là giá đóng cửa các phiên bán ra ngày 14/07, 15/07 và 16/07.

Bảng thống kê giao dịch của Tuấn Lộc với cp CII

Ước tính tương đối dựa trên giá kết phiên làm thay đổi tỷ lệ sở hữu

Câu chuyện về Tuấn Lộc và CII bắt đầu từ ngày 19/06, Tuấn Lộc công bố chính thức trở thành cổ đông lớn của CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) khi mua 11.5 triệu cp, ứng với tỷ lệ 5.89%. Sau đó, trong vòng nửa tháng với 5 lần mua vào hàng triệu cp, Tuấn Lộc nâng tỷ lệ sở hữu tại CII lên 12.5% và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây khiến thị trường rộ lên nghi ngờ về ý định thâu tóm CII từ đơn vị này.

Chưa kể, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình cũng liên tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu càng củng cố cho giả định về cuộc tranh đua vị trí giữa các bên.

Sức nóng lan tỏa, giá cổ phiếu CII những tháng gần đây liên tục leo thang, thanh khoản nhảy vọt. Từ mức giá 18,200 đồng vào đầu tháng 4 lên 26,600 đồng, ứng với mức tăng 46%, khối lượng giao dịch bình quân lên đến 5.8 triệu đơn vị mỗi phiên.

Giao dịch cổ phiếu CII trong 1 năm qua

Thông tin Tuấn Lộc đã bán ra gần hết lượng cp CII quả thật rất bất ngờ với không ít nhà đầu tư. Đơn vị này đã bán ra nhanh chóng trong 3 ngày liên tiếp, từ 14 đến 16/07, tương ứng lần lượt bán 8.1 triệu, 3.7 triệu và 10.9 triệu cp CII, qua đó tỷ lệ sở hữu giảm từ 12.5% xuống 0.8%. Vừa vặn với giới hạn chậm nhất 7 ngày sau giao dịch phải công bố thông tin.

Không chỉ “hứng thú” với CII, Tuấn Lộc cũng từng có kịch bản gom mua tương tự đối với thành viên khác thuộc CII. Cuối năm 2014, sau khi CII hoàn thành kế hoạch thâu tóm Cơ khí – Điện tử Lữ Gia để tái cơ cấu thành Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC), Tuấn Lộc bắt đầu nhảy vào và làm mưa làm gió, giá cổ phiếu LGC khi đó tăng trưởng đến 36% trong thời gian ngắn. Cụ thể, ngày 27/11, Tuấn Lộc trở thành cổ đông lớn của LGC khi mua vào 1.2 triệu cp, ứng với tỷ lệ sở hữu 5.43%. Cũng chỉ trong thời gian vỏn vẹn nửa tháng, Tuấn Lộc liên tục mua vào để nâng nắm giữ lên hơn 2 triệu cp, chiếm tỷ lệ 9.29% và sau đó thì… biến mất hút.

Nguyên nhân có thể là bởi kế hoạch tăng vốn mạnh từ 220 tỷ lên 720 tỷ đồng của LGC. Trong phương án này, LGC phát hành cho cổ đông hiện hữu chỉ 14.7 triệu cp và chào bán riêng cho công ty mẹ CII đến 35.7 triệu cp, điều này làm Tuấn Lộc dần mất vị thế cổ đông lớn. Và theo thông báo vào ngày 26/01, trong đợt tăng vốn của LGC, Tuấn Lộc chỉ mua vào 39,180 cp, theo đó số lượng cổ phiếu sở hữu nâng lên 2.09 triệu đơn vị nhưng tỷ lệ sở hữu chỉ còn 2.9% (tính trên vốn điều lệ mới).

Có thể thấy, trên thị trường chứng khoán niêm yết, cái tên Tuấn Lộc hầu như không xuất hiện trong các giao dịch lớn về cổ phiếu, từ đầu tư đến "lướt sóng"... Nhưng Tuấn Lộc dường như lại rất "hứng thú" với cổ phiếu thuộc CII Holdings!

Tuấn Lộc là ai?

CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc chính thức đi vào hoạt động từ năm 2005 trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng công nghiệp, xây dựng cầu đường, hệ thống cung cấp nước sạch, Beton cốt thép và đầu tư cảng biển. Theo thông tin từ báo chí, Tuấn Lộc cũng là “đại gia” trong lĩnh vực này khi vốn điều lệ lên đến 1,600 tỷ đồng, tuy nhiên đây cũng là một đại gia kín tiếng trước truyền thông.

Sự “nổi tiếng” của Tuấn Lộc nhen nhóm khi thâu tóm Công ty TNHH MTV Tổng công ty XH Công trình Giao thông 4 (Cienco4) và tham gia vào làn sóng tư nhân hóa cảng biển, hàng không với việc xem xét mua cổ phần chi phối cảng Cửa Lò, Nghệ An.

Theo thông tin trên website của Tuấn Lộc, bắt đầu từ năm 2010, Tuấn Lộc đã triển khai những hợp đồng công trình thi công cầu đường, hệ thống thoát nước, cấp nước sạch, thi công cầu, cảng, cọc khoan nhồi… với các dự án đầu tư của CII. Đồng thời, trong danh mục dự án gần đây của Tuấn Lộc có 3/5 dự án là liên quan đến CII. Đó là dự án Cầu Sài Gòn 2 và dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, do CII làm chủ đầu tư theo hình thức BOT và Tuấn Lộc là đơn vị trúng thầu ở một vài hạng mục. Riêng dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 do CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận làm chủ đầu tư thì Tuấn Lộc và CII Bridge & Road (HOSE: LGC) tham gia với tư cách nhà đầu tư liên doanh. Được biết dự án này LGC sở hữu 10% vốn điều lệ.

Tài liệu đính kèm:
20150717_20150717 - CII - Bao cao ve so huu cdl CTCP dau tu xay dung Tuan Loc.pdf

Trần Việt


>   SKG: Anh trai Tổng Giám đốc Puan Kwong Siing đã bán 50,000 cp (17/07/2015)

>   VSC: Báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn Forum One - VCG Partners Vietnam Fund (17/07/2015)

>   PIT: Thông báo giao dịch cổ phiếu của CĐNB Trần Ngọc Châu (17/07/2015)

>   HPG: Forum One - VCG Partners Vietnam Fund đã mua gần 5.5 triệu cp (17/07/2015)

>   PHR: Vietnam Infrastructure Holding Ltd đã bán hết 1.6 triệu cp (21/07/2015)

>   BCI: Vietnam Infrastructure Strategic Limited đã bán gần 2 triệu cp (17/07/2015)

>   BCI đang bị "thâu tóm"? (17/07/2015)

>   SJD: Vietnam Infrastructure Holding Limited đã bán 3.7 triệu cp (17/07/2015)

>   HAH: An Phúc Thịnh đã thoái 17,640 cp  (18/07/2015)

>   Hủy đấu giá Tin học Viễn thông Hàng không (17/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật