Không để “ôm” đất rồi bỏ hoang
342 dự án được giao đất, nhưng chậm triển khai. Hàng trăm héc ta đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích. Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã thu hồi quyền sử dụng đất đối với 67 dự án và xử phạt hành chính hàng tỷ đồng...
Nhiều sai phạm
Theo số liệu tổng hợp từ kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và UBND các quận, huyện, trên địa bàn thành phố có 342 dự án có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất được giao khoảng 2.574ha. Trong đó, 157 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, diện tích khoảng 1.421ha, nhưng chưa đưa vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao trên thực địa. 43 dự án được Nhà nước giao, cho thuê hơn 467ha đất nhưng tiến độ triển khai chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt. 35 dự án, với diện tích hơn 541ha, chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng. 107 dự án, diện tích 144ha, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Lúa, cỏ hoang trên... đất dự án. Ảnh: Bá Hoạt
|
Đối với đất nông nghiệp, Sở TN-MT và các quận, huyện đã kiểm tra 6.462ha, trong đó 831ha bị sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, đây là kết quả kiểm tra của năm trước. Năm 2015, Sở TN-MT đã thành lập 7 đoàn công tác và đang thanh tra, kết quả cụ thể sẽ được tổng hợp sau khi các đoàn hoàn tất công việc.
Việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... đang gây ra nhiều hậu quả đối với kinh tế - xã hội. Thành phố thất thu tài chính, đất bị bỏ hoang lãng phí; nhiều nơi không được quản lý chặt dẫn đến lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây mất an ninh trật tự địa phương, thậm chí chính quyền địa phương phải tốn công sức, thời gian cưỡng chế thu hồi nhiều lần. Tình trạng chậm nghĩa vụ tài chính, nhất là với những dự án nhà ở thương mại, còn dẫn đến hệ lụy đối với khách hàng mua nhà như không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí chậm bàn giao nhà, trong trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ buộc cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ.
Giải pháp đã có
Lý giải nguyên nhân, một số chủ đầu tư cho rằng, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hầu hết các dự án phải dừng triển khai để rà soát lại và có phương án xử lý cho phù hợp với quy hoạch chung. Đến khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, lại phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung quận, huyện, thị xã. Mặc dù các cấp, ngành liên quan cố gắng đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch, thậm chí chỉ cần có định hướng nghiên cứu là có thông báo gửi doanh nghiệp biết, tránh ảnh hưởng đến dự án, song số dự án có thể triển khai ngay không nhiều, phần lớn vẫn phải liên hệ với ngành chức năng để điều chỉnh. Ngoài ra, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản ế ẩm cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp tạm dừng đầu tư, nên chậm đưa đất vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo Sở TN-MT, tình trạng dự án đình trệ còn có nguyên do dự báo phát triển thiếu chính xác, nhiều ngành, lĩnh vực phát triển vượt quá nhu cầu, khả năng, không có quy hoạch, kế hoạch. Điều này thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực bất động sản, với tình trạng đầu tư theo phong trào dẫn đến tồn kho sản phẩm, đất đai, thậm chí cả biệt thự bỏ hoang không người sử dụng. Sở TN-MT cũng cho rằng, việc thẩm định dự án đầu tư hạn chế dẫn đến nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện hoặc chấp hành pháp luật đất đai, đầu tư không nghiêm. Trong khi, các ngành và chính quyền địa phương thiếu phối hợp kiểm tra, thanh tra sau khi được giao đất, phát hiện sai phạm nhưng thiếu chế tài xử lý...
Từ năm 2009 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất đã giao cho 60 tổ chức, với tổng diện tích hơn 1.785ha, trong đó 32 dự án đã thu hồi quyết định giao đất, thu hồi trên thực tế. Đối với 215 dự án phải kiểm tra theo yêu cầu của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất 17 dự án. 6 tháng đầu năm 2015, Sở TN-MT đã thanh tra 33 đơn vị được giao đất, kết quả đã xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng và làm thủ tục trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi hơn 15.300m2 đất có sai phạm.
Đại diện Sở TN-MT cho biết, cùng với việc thẩm định dự án khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm chủ đầu tư đủ năng lực, thành phố sẽ không giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư đã có dự án chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai. Thanh tra, kiểm tra cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đúng tiến độ hoặc bảo đảm hiệu quả xử lý sau kết luận thanh tra. Đặc biệt, theo quy định của Luật Đất đai 2013, các trung tâm phát triển quỹ đất sẽ phải giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, sau đó mới giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng. Các quy định mới này sẽ bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, khắc phục tình trạng "ôm" đất rồi bỏ hoang như vừa qua.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh mục 181 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư cần điều chỉnh để khớp nối đồng bộ với 30 quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được phê duyệt. Danh mục này đã được sở, UBND các quận, huyện thông báo đến nhà đầu tư. Sở cũng đã lập danh mục 67 đồ án, dự án khác đủ điều kiện nghiên cứu triển khai tiếp sau khi quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được báo cáo tập thể UBND thành phố. Danh mục này được công bố trên Cổng thông tin của sở, UBND quận, huyện để nhà đầu tư liên hệ triển khai.
|
Khánh Khoa
hà nội mới
|