Khối lượng đi xuống có phải là tín hiệu đáng lo ngại?
Phân tích khối lượng giao dịch cho thấy lực cầu trên thị trường đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, không phải khi nào khối lượng xuống thấp cũng kéo theo một đợt điều chỉnh mạnh và kéo dài.
Tầm quan trọng của phân tích khối lượng
Mặc dù phân tích kỹ thuật hiện đại chú trọng phát triển và nghiên cứu các lý thuyết về tài chính hành vi (Behavioral Finance) và quản trị rủi ro (Risk Management) nhưng khối lượng giao dịch vẫn luôn được đánh giá cao.
Khối lượng chính là động lực tạo ra sự dịch chuyển của giá và thường thay đổi trước khi có sự thay đổi đáng kể của giá. Điều này là do sự thay đổi trong tương quan cung và cầu thường xuất hiện ở khối lượng trước khi có thay đổi về giá. Tham khảo thêm trong sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z do Vietstock biên dịch và xuất bản.
Khối lượng giao dịch xuống thấp có rủi ro?
Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, nếu khối lượng gia tăng một cách từ từ cùng với giá thì sẽ là sự hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu khối lượng duy trì ở mức thấp thì có phải lúc nào cũng xấu hay không?
Nếu xu hướng tăng ngắn hạn cũng như dài hạn vẫn được duy trì thì khối lượng thấp có thể đánh dấu một giai đoạn tích lũy và đi ngang (sideways) tạm thời của thị trường cho một giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Nếu giá vừa trải qua một đợt sụt giảm bất ngờ (thrust down) ngắn hạn thì việc khối lượng liên tục duy trì ở mức dưới trung bình lại được coi là tích cực nếu khối ngoại mua ròng mạnh.
Tình hình hiện nay
Xu hướng giảm dài hạn đã bị đảo ngược. Trong đợt tăng trưởng mạnh vào tháng 06/2015, VN-Index đã vượt lên trên và phá vỡ nhóm MA dài hạn (SMA 100, SMA 200). Điều này đã làm đảo ngược đà giảm dài hạn và rủi ro giảm sâu được hạn chế.
Đường SMA100 cũng vừa cắt lên trên SMA 200 vào cuối tháng 07/2015. Một tín hiệu tương tự đã xuất hiện vào tháng 02/2013 và đà tăng kéo dài khá lâu sau đó.
Chú ý sự tương quan giữa khối lượng giao dịch và động thái của khối ngoại. Có một đặc điểm khá thú vị là những giai đoạn thanh khoản thấp đi kèm với khối ngoại liên tục mua mạnh thì sau đó thị trường thường tăng mạnh.
Trong 5 lần gần nhất thì chỉ có giai đoạn 18/10-05/11/2010 là thị trường giảm trong 6 tháng sau đó. Các giai đoạn còn lại thì đều tăng trưởng tốt và mức tăng khá cao, dao động từ 17.27%-41.79%.
Vì vậy, nếu khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng mạnh trong thời gian tới thì khối lượng thấp có thể là tín hiệu tốt và báo hiệu đà tăng mạnh cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nếu khối ngoại chuyển sang bán ròng thì khối lượng thấp lại có thể dẫn đến sự lao dốc mạnh trong ngắn hạn.
Kết luận
Tình trạng thị trường hiện tại là không quá bi quan khi mà các ngưỡng hỗ trợ mạnh dài hạn vẫn đang trụ vững. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú trọng theo sát động thái của khối ngoại để phòng ngừa rủi ro giảm điểm bất ngờ (thrust down).
Nguyễn Quang Minh, Phòng Tư vấn Vietstock
|