Hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 99/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Thông tư này hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế cho đối tượng gồm doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh.
Trong Thông tư, Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện của trái phiếu phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
Cụ thể, khối lượng phát hành từng đợt do chủ thể phát hành quyết định nhưng tổng khối lượng lũy kế phát hành không được vượt quá hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được bảo lãnh trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành nhưng không được vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo cho từng đợt phát hành hoặc trong từng thời kỳ.
Lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường quốc tế do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành căn cứ vào Đề án phát hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Thông tư số 99 của Bộ Tài chính cũng hướng dẫn chi tiết các thủ tục, quy trình phê duyệt đề án, tổ chức phát hành; trách nhiệm sử dụng vốn trái phiếu được bảo lãnh,...
Đặc biệt, Bộ Tài chính được phép đình chỉ việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh nếu chủ thể phát hành không thực hiện phát hành theo đúng phương án phát hành trái phiếu được bảo lãnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và thông báo phát hành của Bộ Tài chính; lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo hoặc khối lượng phát hành trái phiếu được bảo lãnh vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc đình chỉ phát hành được áp dụng đối với đợt phát hành có vi phạm (nếu chưa tổ chức phát hành) và các đợt phát hành tiếp theo (nếu có) thuộc hạn mức phát hành của chủ thể phát hành đã được phê duyệt. Khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính, chủ thể phát hành phải thực hiện ngay việc đình chỉ phát hành trái phiếu được bảo lãnh.
Đối với các chủ thể phát hành không thanh toán được nợ, Bộ Tài chính yêu cầu chậm nhất 45 ngày làm việc trước ngày đến hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu mà chủ thể phát hành không có khả năng thanh toán, chủ thể phát hành phải gửi văn bản đến Bộ Tài chính đề nghị thanh toán trả nợ thay.
Văn bản của chủ thể phát hành gửi Bộ Tài chính phải giải trình rõ nguyên nhân không thanh toán được nợ và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh.
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và văn bản xác nhận không trả được nợ của chủ sở hữu (trường hợp chủ thể phát hành là doanh nghiệp), Bộ Tài chính xem xét và xử lý trường hợp chủ thể phát hành không thanh toán được nợ theo quy định.
Khi đó, chủ thể phát hành có trách nhiệm nhận nợ và thanh toán lại cho Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10-8-2015 và thay thế Thông tư số 34/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và Thông tư số 167/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 34/2012/TT-BTC.
H.Vân
Hải Quan
|