Euro: Từ công cụ hợp nhất trở thành... “vũ khí” bắt nạt!
Trong khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp còn đang chưa có hồi kết thì đồng tiền chung châu Âu này có khả năng không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ.
“Các bạn là Euro, và chúng ta sẽ xây dựng châu Âu của chúng ta dựa trên đồng tiền này”, đó là lời một nhà lãnh đạo châu Âu đầy nhiệt huyết cách đây hai thập kỷ. Nhưng khi mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ đổ vỡ hồi tháng trước, đồng tiền này đã không còn là sức mạnh cho sự thống nhất, mà lại là một “vũ khí” cho mỗi bên giành quyền “bắt nạt” theo nhiều cách khác nhau.
Các chủ nợ của Hy Lạp, phần lớn là các quốc gia châu Âu, dường như có lợi thế nhất từ chiến thuật này. Biết rằng người dân Hy Lạp thích ở Eurozone hơn nên các nhà lãnh đạo châu Âu đã đem viễn cảnh một châu Âu không có Hy Lạp ra “hù”, nhằm buộc chính phủ quốc gia này phải ngồi vào bàn đàm phán.
“Chúng tôi đã chuẩn bị chi tiết cho một kịch bản Grexit, ”Jean-Claude Juncker, Chủ tịch của EC tuyên bố.
Chẳng vừa, các nhà lãnh đạo Hy Lạp ngay lập tức đã có những bình luận tương tự như... “tống tiền”. Họ cố gắng làm tăng nỗi sợ về một Eurozone không có họ, một sự ra đi mà có thể khiến đồng tiền hợp nhất và thậm chí là cả nền kinh tế của châu lục này chịu tổn thất.
Các nhà phân tích đang đánh giá mức độ thiệt hại với Eurozone cũng như khả năng tạo ra một cú sốc với kinh tế trên toàn châu lục này nếu Hy Lạp ra đi. Tuy nhiên, cũng có thể rằng Eurozone sẽ trở nên mạnh hơn khi không có Hy Lạp vì quốc gia này thực sự chỉ chiếm có 2% GDP trên cả khu vực này. Họ cũng thừa nhận rằng sự hợp tác và mong muốn hợp nhất cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. “Thật lòng mà nói, giấc mơ đó đã chết, cho dù có chuyện gì xảy ra với Hy Lạp đi nữa vì giấc mơ đó chỉ là ảo tưởng,” Jens J. Nordvig, một nhà phân tích của Nomura Securities và là tác giả của “The Fall of the Euro” (Sự sụp đổ của Euro), phát biểu.
Ai cũng thấy rằng dù Hy Lạp có xin gia hạn nợ, dù thủ tướng Alexis Tsipras có hùng hồn tuyên bố rằng quyết định nói “không” với chính sách thắt lưng buộc bụng trong cuộc trưng cầu dân ý của người dân Hy Lạp là “một quyết định dũng cảm” thì trường hợp của Hy Lạp cũng có thể tạo ra một tiền lệ không thể nào quên được cho lần tiếp theo như lời của ông Nordvig: “Các bạn đang có một khu vực đồng tiền chung không hoàn hảo. Điều đó không có nghĩa rằng nó sẽ hoàn toàn tan rã, nhưng nó sẽ rất tổn thương”.
Các vấn đề của Hy Lạp cũng cho thấy rằng đồng Euro khác biệt với đồng USD như thế nào. Ở Mỹ, nếu một khu vực nào đó sụp đổ, nó sẽ không phải đối mặt với sự “vứt bỏ” từ những khu vực khác. Chính quyền liên bang thường cung cấp hỗ trợ tài chính cho vùng đó mà không hề tạo ra sự chống đối ở những vùng khác, và Cục dự trữ liên bang có thể cho các ngân hàng trong vùng đó vay khẩn cấp để ngăn ngừa sự sụp đổ của hệ thống tài chính ở đó. Trong khi đó ở châu Âu, quy trình giúp đỡ các quốc gia gặp rắc rối lại khó khăn và nhỏ lẻ hơn nhiều.
Cụ thể là, Hy Lạp đã nhận được một số trợ giúp từ các quốc gia còn lại ở châu Âu, thông qua các gói cứu trợ trong năm 2010 và 2012, và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cung cấp những gói vay khẩn cấp đáng kể dành cho các ngân hàng Hy Lạp. Hy Lạp thậm chí cũng đã làm theo các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ yêu cầu. Nhưng sau vài năm khó khăn, thất nghiệp vẫn cao, nợ vẫn “ngập đầu”, người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu ủng hộ Chính phủ cánh tả, mà Chính phủ này thì lại không muốn thắt lưng buộc bụng hơn nữa để nhận được trợ giúp mới, vì rốt cuộc thì những thắt lưng buộc bụng của họ cũng chỉ để trả các món nợ sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới thôi.
Sự so sánh trên có thể là hơi khập khiễng nhưng nếu Hy Lạp là một thành phố nợ “ngập đầu” ở Mỹ thì mọi chuyện có thể đã khác. Hy Lạp có thể đã nộp đơn phá sản, và trong suốt thời khắc khó khăn ấy, không thể nào có chuyện thành phố đó và tất cả các ngân hàng trong đó lại phải đối mặt với chuyện không có đồng USD đề xài.
Tuy nhiên, Hy Lạp giờ đây lại đang thiếu hụt đồng Euro. Điều này khiến cho các ngân hàng chỉ cho phép người dân rút những món tiền nhỏ, và đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể sẽ phải sớm phát hành một loại tiền mới với giá trị thấp hơn nhiều so với đồng Euro. Chuyện này chẳng hề dễ dàng nên có lẽ chính quyền Hy Lạp sẽ phải nhượng bộ trước thời hạn cuối cùng mà châu Âu đặt ra cho họ.
Thủ tướng Alexis Tsipras nói với Nghị viện châu Âu rằng người dân Hy Lạp đã nỗ lực hết sức để điều chỉnh lối sống theo những điều kiện khắt khe trong suốt 5 năm qua. Charles Wyplosz, giáo sư về kinh tế quốc tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển quốc tế ở Geneva cũng cho biết quan điểm của mình. Họ cơ bản nói rằng: ‘Hãy tìm cách giữ chúng tôi lại khu vực đồng tiền chung Euro nhưng không áp dụng các chính sách điên khùng như thế. Tôi thấy điều đó rất có lý”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã không để tâm lắm đến thông điệp đó, và trong những ngày tới họ có thể sẽ sử dụng đồng Euro để tạo thêm áp lực đối với Hy Lạp.
Trong tình hình như thế, những hành động của Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ rất quan trọng. nguồn cung Euro dành cho Hy Lạp đã ngưng lại sau khi ngân hàng này chốt giới hạn vốn vay dành cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp ở con số 89 tỷ Euro.
Các nhà bình luận của ngân hàng trung ương này phát biểu rằng họ đã làm việc với các lãnh đạo châu Âu để gia tăng áp lực lên các quốc gia “khó trị” và giờ đây họ có thể cho Hy Lạp vay thêm nếu như họ muốn. Vừa qua, Christian Noyer, giám đốc ngân hàng trung ương Pháp nói rằng nếu Hy Lạp không đạt được thỏa thuận thì ông sợ rằng sẽ có bạo loạn và nền kinh tế quốc gia này sẽ sụp đổ.
Những người ủng hộ ECB lại cho rằng ngân hàng này đã rộng rãi lắm rồi và hành động như thế là rất cẩn thận, vì khi cho vay khẩn cấp, ECB phải chịu những rủi ro có thể xảy ra với hệ thống tiền tệ châu Âu và tài sản thế chấp cho các món vay ấy.
Dẫu vậy, Hy Lạp và các chủ nợ có thể vẫn chưa cứu quốc gia này thoát được nguy cơ về một sự ra đi khỏi Eurozone.
“Tôi không nghĩ rằng người Hy Lạp muốn điều đó và tôi cũng không nghĩ rằng người châu Âu muốn điều đó. Quan trọng nhất là, viết một tấm séc khác thì dễ dàng hơn nhiều,” David R. Cameron, giáo sư về khoa học chính trị tại đại học Yale bày tỏ quan điểm.
Nhã Thanh (Theo New York Times)
|