Thứ Bảy, 25/07/2015 09:36

Điều gì đang đứng sau đà rớt giá “thê thảm” của dầu, vàng và các kim loại khác?

Các nguyên vật liệu thô như đồng, nhôm, vàng và dầu đang bị “bán đổ bán tháo”, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

* Vàng giảm một mạch 5 tuần, xuống sát đáy 5.5 năm

* Dầu WTI chạm mặt “thị trường con gấu” sau tuần bốc hơi hơn 5%

Chỉ số giá thị trường của các nguyên vật liệu CRB hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Chỉ số Hàng hóa của Bloomberg (Bloomberg Commodities Index) cũng đã chạm những ngưỡng “chưa từng thấy” kể từ tháng 6/2002.

Chỉ trong tuần này, giá dầu thô còn chưa tới 50 USD/thùng, trong khi vàng đã giảm xuống dưới 1,100 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ như Newmont Mining, Barrick Gold và Coeur Mining cũng đã sụt mất từ 20% đến 25% chỉ riêng trong tháng này.

Điều gì đang xảy ra?

"Đó là một tín hiệu cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu. Tôi nghĩ rằng đó không phải là thông tin cho biết chúng ta sắp gặp thảm họa, nhưng tôi nghĩ nó cho chúng ta biết điều gì đó,” David Kelly, trưởng chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds phát biểu.

Vì sao những hàng hóa này lại chìm nghỉm?

Trước hết, đơn giản là vì không có đủ cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đối với những kim loại dùng trong công nghiệp như đồng và quặng sắt, cũng như dầu.

Mặc dù Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều quốc gia khác nhưng tốc độ đó đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Đó là yếu tố chính, vì nhu cầu “vô tận” trước đây của Trung Quốc đối với các tài nguyên đã biến quốc gia này thành “người tiêu dùng có khả năng làm thay đổi hướng đi” của thế giới.

Đà giảm tốc của Trung Quốc đang đóng một vai trò to lớn trong bức tranh nhu cầu. Tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015 của quốc gia này đã suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 – và hiện đang có những bất bình trong giới đầu tư khi cho rằng Bắc Kinh đang làm giả số liệu.

Nhiều thị trường mới nổi khác như Brazil và Nga cũng đang tăng trưởng với tốc độ chậm. Các nền kinh tế phát triển như châu Âu và ngay cả Mỹ, dù ở mức độ thấp hơn, cũng như thế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3.3%, mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

"Chúng ta sẽ không bị suy thoái toàn cầu, nhưng cũng sẽ không có nhiều tăng trưởng," Michael Block, chiến lược gia trưởng tại Rhino Trading Partners, bày tỏ quan điểm.

Nguồn cung dư thừa, đồng USD mạnh

Nhu cầu nghèo nàn đang được “bồi” thêm bởi nguồn cung quá dồi dào. Sự bùng nổ của thị trường hàng hóa bắt nguồn từ đà tăng trưởng mạnh của Trung Quốc trong những năm trước, đã khiến các công ty kim loại và năng lượng tăng sản xuất đến mức mà thị trường không thể tiêu thụ hết như ngày nay. Hãy nhìn các nhà sản xuất dầu Bắc Mỹ mà xem - họ đã tạo ra quá nhiều dầu đến nỗi bây giờ nguồn cung trở nên thừa mứa.

Và rồi đến lượt đồng USD. Vì bức tranh kinh tế Mỹ trông có vẻ khả quan hơn các nền kinh tế khác và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ngưng chương trình kích thích nên đồng bạc xanh đã tăng mạnh so với các “đối thủ” khác như Euro và Yên Nhật.

Đó là tin buồn cho các loại hàng hóa vì hầu hết chúng đều được định giá bằng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn sẽ làm cho nhu cầu giảm vì dầu và những tài nguyên thiên nhiên khác trở nên đắt hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.

Cổ phiếu khai mỏ rớt thảm

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty về nguyên liệu và năng lượng trong chỉ số S&P 500 lần lượt giảm 10% và 3% trong năm nay, thậm chí các cổ phiếu như Newmont Mining, Barrick Gold và Coeur Mining sụt tới 20%-25% trong tháng này.

Tình trạng “thê thảm” của các loại hàng hóa cũng đang khiến các quốc gia ở Mỹ Latinh như Brazil đau đầu vì nền kinh tế của họ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Úc cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ khi nước này cố gắng đẩy lùi nguy cơ suy thoái lần đầu trong 24 năm.

Khi nào hàng hóa sẽ chạm đáy?

Đến một lúc nào đó, thảm cảnh rớt giá này chắc chắn sẽ dừng lại, giá cả sẽ trở nên ổn định khi sản xuất tăng và cân bằng được sự thiếu hụt nguồn cầu.

Dù không ai biết chính xác khi nào điều đó sẽ xảy ra nhưng Peter Boockvar, nhà phân tích thị trường tại tập đoàn Lindsey, nghĩ rằng điều đó sẽ sớm đến thôi. “Đây là cơn ‘quằn quại’ cuối cùng của đợt giảm giá hàng hóa này”.

Liệu Chủ tịch Janet Yellen sẽ hoãn tăng lãi suất?

Cho đến khi điều đó xảy ra, làn sóng bán tháo hàng hóa này có thể khiến cho công việc của bà Janet Yellen trở nên khó khăn hơn. Người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay, nhưng giá hàng hóa thấp hơn sẽ chỉ khiến lạm phát cách xa các mục tiêu của họ hơn.

“Nếu giá cả hàng hóa càng chìm sâu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Làm sao mà Fed tăng lãi suất?” Block đặt câu hỏi.

Kelly đồng ý với quan điểm này. Ông chỉ ra rằng các chỉ báo lạm phát của Mỹ đang tốt hơn và tăng trưởng việc làm vẫn ở mức ổn định. "Tôi nghĩ điều đó sẽ làm cho mọi chuyện phức tạp hơn, nhưng nó không nên làm thay đổi quyết định của Fed – nếu họ suy nghĩ rõ ràng,” Kelly nói.

Nhã Thanh (Theo CNNMoney)

Các tin tức khác

>   Vàng giảm một mạch 5 tuần, xuống sát đáy 5.5 năm (25/07/2015)

>   Đầu tư vàng: Không còn là cơ hội vàng (24/07/2015)

>   Giá vàng SJC tiếp đà đi xuống theo thế giới (24/07/2015)

>   Vàng ngừng rơi nhưng vẫn dưới 1,100 USD/oz (24/07/2015)

>   Vì sao giá vàng trượt dốc? (23/07/2015)

>   Giá vàng trong nước đi ngang dù giá vàng thế giới tăng nhẹ (23/07/2015)

>   Vàng rớt mốc 1,100 USD/oz sau 10 phiên bán tháo liên tiếp (23/07/2015)

>   Giá vàng SJC tiếp tục giảm nhẹ (22/07/2015)

>   Vàng giảm 9 phiên liên tiếp và có thể tiếp tục rớt giá (22/07/2015)

>   Giá vàng giảm nhưng chênh lệch với thế giới ở mức trên 4 triệu đồng (21/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật