[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ OGC: Cổ đông còn "vương vấn" ông Hà Văn Thắm
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 3 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) sáng ngày 28/07, cổ đông đã không thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định và điều lệ của công ty thì ông Thắm cũng không đủ điều kiện để đảm nhận vị trí thành viên HĐQT và đương nhiên bị miễn nhiệm.
13h30: Đại hội kết thúc
Không thông qua việc chọn đơn vị kiểm toán
13h: Đại hội biểu quyết các tờ trình
Theo kết quả biểu quyết, báo cáo hoạt động kinh doanh, báo cáo kiểm toán, báo cáo HĐQT và báo cáo của Ban Kiểm soát được thông qua.
Riêng 3 báo cáo về thù lao HĐQT, lựa chọn đơn vị kiểm toán và sửa đổi điều lệ công ty đã không được thông qua do nhóm cổ đông liên quan đến HSBC đã phủ quyết toàn bộ nội dung này.
Ông Thụ cho biết, việc lựa chọn đơn vị kiểm toán là điều kiện cần thiết để thực hiện BCTC soát xét bán niên (hạn cuối vào 31/08). Và nếu không thực hiện báo cáo này thì OGC sẽ phải hủy niêm yết vì đã có cam kết với Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về việc công bố đầy đủ và đúng hạn thông tin trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, thay mặt HĐQT, ông Thụ cho biết, HĐQT đã quyết định chọn Deloitte là đơn vị thực hiện kiểm toán và soát xét 6 tháng và xin ý kiến cổ đông để đưa vấn đề này vào Biên bản họp. Tuy nhiên, do ĐHĐCĐ đã không thông qua tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán trước đó nên OGC sẽ tổ chức một phiên họp khác để thông qua các vấn đề bị phủ quyết tại Đại hội.
12h10: ĐHĐCĐ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT
Theo đó, sau khi bầu cử, bà Lan và bà Hương đều trúng cử vào thành viên HĐQT OGC.
11h30: Đại hội thảo luận
Thực trạng thực hiện các dự án BOT hiện tại của OGC?
Về việc tham gia dự án BOT, trong năm 2014, OGC có định hướng mới tham gia xã hội hóa giao thông thông qua việc tham qua 1 dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang, số vốn hiện OGC tham gia là 21%, tổng số vốn pháp định là 496 tỷ đồng.
Tại thời điểm quan trọng nhất của dự án thì ông Hà Văn Thắm bị bắt, nên trước đó dù OGC nắm tỷ lệ rất cao tới 41% nhưng các ngân hàng đã siết chặt việc tham gia. Tuy nhiên, với việc OGC đã đóng 100% phần vốn phải góp nên OGC vẫn giữ lại được 21% tại dự án, trong khi các công ty khác chỉ đóng với một tỷ lệ rất thấp, thường là 1/3 vốn góp.
Thời gian hoàn vốn của dự án là 15 năm, giá trị xây lắp toàn dự án là 4,200 tỷ đồng. Bắt đầu thu phí từ tháng 03 – 06/2016, điều này sẽ giúp mang lại cho OGC dòng tiền ổn định.
Cổ đông mong HĐQT chi trả cổ tức dù chỉ 1-2% để an ủi phần nào và củng cố tâm lý cổ đông nắm giữ. Liên quan đến dự án 25 Trần Khánh Dư, nếu OGC cảm thấy không theo được thì nên nhanh chóng chuyển nhượng?
Ông Dương Trọng Nghĩa cho biết, hiện tại công ty vẫn đang lỗ nên không chia cổ tức, thay vào đó OGC tập trung nguồn lực thực hiện một số dự án có triển vọng. Khi OGC hoạt động hiệu quả, việc chia cổ tức sẽ được tính đến.
Liên quan đến dự án 25 Trần Khánh Dư, bà Dung cho biết, đến tháng 03/2015 vừa rồi, OGC đã xin được phê duyệt của Thành phố về chỉ tiêu quy hoạch, với quy mô 21 tầng. Hiện OGC vẫn đang tiến hành các hoạt động liên quan để có thể thực hiện dự án. Mặc dù có sự chậm trễ nhưng OGC tin rằng sẽ sớm thu xếp được giấy phép xây dựng dự án.
BCTC kiểm toán năm 2014 của OGC được công bố rất muộn, nguyên nhân tại sao?
Do 2 phần đóng vai quan trọng đến việc hợp nhất kết quả kinh doanh của OGC là Oceanbank và OCH. Trong đó, Oceanbank thì NHNN mua lại giá 0 đồng, còn OCH mới công bố BCTC kiểm toán vào đầu tháng 07/2015.
Tháng 11/2014 khi ông Hà Văn Thắm bị bắt nhưng tại sao HĐQT không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường?
HĐQT nhận thấy việc đầu tiên cần làm là ổn định công ty, xử lý các tình huống liên quan đến công ty, khách hàng và cổ đông. Đồng thời, việc này cũng sát với thời gian diễn ra ĐHĐCĐ thường niên của OGC nên HĐQT quyết định không cần thiết phải tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường.
Việc công bố thông tin vẫn được OGC tiến hành đầy đủ và kịp thời.
Liên quan đến dự án HH, tại sao OGC đưa ra giá chuyển nhượng 18,000 đồng/cp và phần lợi nhuận dự tính 1,000 tỷ đồng?
Bà Dung cho biết, việc thẩm định dự án đã được OGC thuê một công ty thẩm định giá thuộc bộ Tài chính, tuy nhiên OGC đã tính tới mức giá khả thi nhất và sẽ đem lại lợi ích nhiều nhất cho cổ đông. Việc so sánh với các dự án khác là điều khập khiễng.
Liên quan đến các khoản hỗ trợ đầu tư của Vincom, OTL sẽ phải hoàn trả các khoản ứng trước đó.
* OGC: “Dứt áo ra đi” tại dự án đất vàng StarCity?
* OGC: Dự án StarCity nào sẽ “nối gót” ra đi?
Những thông tin chính thống liên quan đến việc OGC tách và bán cổ phần tại OTL?
Bà Nguyễn Thị Dung – Thành viên HĐQT OGC cho biết, định hướng của OGC là tái cơ cấu sở hữu của OGC tại OTL để có nguồn vốn để tập trung vào các dự án khác.
Hiện tại OGC đang sở hữu 76.9% tại OTL, trong khi OTL đang nắm giữ 80% tại dự án HH và Vinaconex nắm giữ 20%. Theo quyết định tái cơ cấu, OTL sẽ được tách làm 2 pháp nhân và đều chịu trách nhiệm về dự án. Giá chuyển nhượng cổ phần tại OTL không thấp hơn 18,000 đồng/cp và lợi nhuận dự tính sẽ không thấp hơn 1,000 tỷ đồng.
Ông Thụ cho biết thêm là hiện OGC vẫn đang tiếp tục thương thảo để mang lại giá trị cao nhất cho cổ đông.
Bà Hoàng Thị Phương Lan và bà Nguyễn Thị Lan Hương được đề cử vào HĐQT
11h20: Đại hội đề cử 2 thành viên HĐQT mới tại chỗ
Ngày 23/07, HĐQT đã nhận được hồ sơ đề cử ông Ngô Chí Vinh sở hữu 9,410 cp, tuy nhiên hồ sơ này không đủ điều kiện tối thiểu do cổ đông/nhóm cổ đông không sở hữu trên 5% số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử.
Như vậy, đến 16h ngày 24/07, HĐQT OGC đã không nhận được hồ sơ đề cử ứng viên đạt đủ điều kiện theo quy định.
Theo đó, HĐQT đã đề cử tại chỗ 2 ứng viên để ĐHĐCĐ thông qua là bà Hoàng Thị Phương Lan (sinh năm 1981, kể từ năm 2009 – nay, bà Lan là Trưởng ban Kiểm soát nội bộ của Công ty Robot Tosy) và bà Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1984, hiện là TGĐ và người đại diện theo pháp luật của OCH).
Được biết trước đó, bà Lan Hương là Chủ tịch Công ty TNHH VNT.
Ông Hà Văn Thắm vẫn bị miễn nhiệm dù cổ đông không thông qua
10h50: Đại hội không thông qua Tờ trình phê duyệt tư cách thành viên HĐQT đối với bà Dương Thị Cẩm Thủy và miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Hà Văn Thắm.
Số phiếu đồng ý miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Hà Văn Thắm đại diện cho 52% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội. Trong khi đó, việc phê duyệt tư cách thành viên HĐQT đối với bà Dương Thị Cẩm Thủy chỉ có 40.8% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội bỏ phiếu đồng ý.
Riêng ông Hà Văn Thắm dù không được miễn nhiệm tại Đại hội nhưng cũng không đủ điều kiện để đảm nhận vị trí thành viên HĐQT và đương nhiên bị miễn nhiệm theo quy định, điều lệ của Công ty.
Ông Thụ cho biết, như vậy với quyết định không thông qua tư cách thành viên HĐQT của bà Dương Thị Cẩm Thủy và ông Hà Văn Thắm hiện không còn đủ điều kiện đảm nhận thành viên HĐQT thì HĐQT OGC hiện đang thiếu 2 thành viên.
Theo đó, Đại hội sẽ tiến hành bầu dồn phiếu trực tiếp 2 thành viên HĐQT bổ sung để đảm bảo hoạt động của HĐQT OGC theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
10h00: Ông Lê Quang trình bày trước Đại hội Tờ trình phê duyệt tư cách thành viên HĐQT đối với bà Dương Thị Cẩm Thủy và miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Hà Văn Thắm.
Được biết, bà Thủy đã có một thời gian dài làm việc tại các vị trí tại Oceanbank kể từ tháng 03/2007. Kể từ tháng 03/2014 đến nay, bà Thủy là Phó Giám đốc phụ trách khối Đầu tư tại Oceanbank.
Biến cố 2 tháng cuối năm 2014 đã đưa OGC vào tình trạng đặc biệt khó khăn
09h45: Ông Lê Quang Thụ - Phó Chủ tịch HĐQT trình bày báo cáo của HĐQT .
Năm 2014 là một năm đầy biến động trong suốt thời gian hoạt động của OGC. Các hoạt động của OGC trong năm có thể chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2014 và giai đoạn 2 từ tháng 10/2014 đến hết năm.
Theo đó, giai đoạn 1 khá thuận lợi cho OGC khi các hoạt động đều được duy trì ổn định, một số hoạt động M&A đã thu được kết quả tốt, đặc biệt là việc cơ cấu thoái vốn tại Ocean Retail (ORC) đã thu được kết quả ấn tượng.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2, với việc xảy ra biến cố lớn đối với lãnh đạo chủ chốt của OGC là ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Oceanbank – đơn vị thành viên đồng thời là chủ tịch HĐQT OGC vướng vòng lao lý do vi phạm các quy định của Pháp luật tại Oceanbank.
Cuối năm 2014, OGC và một số đơn vị thành viên đã bị phong tỏa tài khoản tại ngân hàng. Do phục vụ công tác điều tra mà nhiều hoạt động của OGC và một số đơn vị thành viên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh và hợp tác bị đình trệ. Đặc biệt là sự suy giảm lòng tin của khách hàng, đối tác đã dẫn tới một số hoạt động bất thường, khiến OGC rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn, trong giai đoạn cuối năm 2014 đầu năm 2015.
Việc Oceanbank - đơn vị liên kết bị kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mua lại giá 0 đồng vào tháng 4/2015 đã chấm dứt mọi quyền và lợi ích của các cổ đông dẫn tới toàn bộ giá trị đầu tư của OGC tại Oceanbank bị mất hoàn toàn.
09h05: ĐHĐCĐ thường niên lần 3 của OGC bắt đầu với sự tham gia của các 77 cổ đông đại diện cho 10.78% số cố phần có quyền biểu quyết.
Ban chủ tọa của Đại hội bao gồm ông Lê Quang Thụ - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Dương Trọng Nghĩa – Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Dung – Thành viên HĐQT.
ĐHĐCĐ thường niên OGC lần 3 diễn ra sáng ngày 28/07.
|
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Kế hoạch kinh doanh “khó hiểu”
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2015 mà OGC đề ra, cơ cấu doanh thu, lợi nhuận mà các ngành đóng góp sẽ có sự xoay chuyển đáng kể so với kết quả lỗ ghi nhận năm 2014. Cụ thể, OGC lên kế hoạch thu về 2,301 tỷ đồng doanh thu và 569.5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu năm 2015 là lĩnh vực khách sạn mà OGC đầu tư thông qua công ty con là CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) với 1,139 tỷ đồng doanh thu. Tuy dự kiến đóng góp gần một nửa doanh thu cho OGC nhưng lợi nhuận từ mảng này chỉ khoảng 96 tỷ đồng. Phần lớn kế hoạch lợi nhuận của OGC lại được "đặt trên vai" hoạt động tài chính.
Theo kế hoạch được đề ra, OGC dự kiến thu về 625 tỷ đồng doanh thu và 376 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động tài chính. Được biết, Công ty đã có chủ trương thực hiện tái cơ cấu CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) thông qua tách doanh nghiệp và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần với giá 18,000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy, nếu tính bằng số lượng cổ phần đang có của OGC tại OTL nhân với giá 18,000 đồng/cp thì dự tính con số OGC có thể thu được đạt tới 1,600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, OGC dự kiến sẽ chỉ thu về 44 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án. Và theo kế hoạch này, Công ty dự kiến sẽ chuyển nhượng hòa vốn, tức là lợi nhuận theo kế hoạch bằng…0.
Trước đó, OGC cũng từng cho biết chủ trương chuyển nhượng dự án Lega Fashion House tại quận 10, TPHCM và dự án 25 Trần Khánh Dư, Hà Nội. Theo báo cáo của công ty, dự án Lega Fashion House đã hoàn thành thi công cọc thí nghiệm. Còn dự án 25 Trần Khánh Dư, OGC đang tiến hành thủ tục giao nhận mặt bằng.
Xem thêm:
*OGC: Lãi sau thuế hợp nhất quý 1/2015 gần 7 tỷ đồng
*Sau kiểm toán, OGC lỗ đến 2,548 tỷ đồng
*Kiểm toán nói gì về BCTC 2014 của OGC?
*Chuyển nhượng OTL giá 18,000 đồng/cp, OGC sẽ còn hưởng lợi?
*OGC: Tách OTL và bán giá tối thiểu 18,000 đồng/cp
*OGC: Dự án StarCity nào sẽ “nối gót” ra đi?
Đăng Tùng
|