ĐHĐCĐ bất thường TAC: Tăng cổ tức 2014 lên 23%, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Sáng ngày 30/07, CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSE: TAC) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua các vấn đề mà tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 đã không đạt được sự thống nhất, trong đó vấn đề nguyên liệu tiếp tục nhận được phần lớn thắc mắc, tuy nhiên câu trả lời của HĐQT chưa thực sự thỏa đáng.
* Vì sao HĐQT Tường An liều lĩnh trả cổ tức "vượt quyền" ĐHĐCĐ?
* ĐHĐCĐ Dầu Tường An: Hàng loạt vấn đề không thông qua vì… Vocarimex!
* TAC: Quý 2 lãi hơn 17 tỷ đồng
ĐHĐCĐ bất thường 2015 của TAC diễn ra sáng ngày 30/07 với sự tham dự của 72.65% tổng số cổ phần có quyền biếu quyết
|
Cổ tức 2014 tăng từ 16% lên 23%
Đại hội thường niên 2015 hồi tháng 3 của TAC có 3 vấn đề cơ bản đã không được thông qua gồm: Kế hoạch kinh doanh và cổ tức 2015; Phân phối lợi nhuận, trích lập quỹ và cổ tức 2014; Báo cáo thù lao HĐQT, BKS 2014 và 2015.
Tại đại hội bất thường lần này, các vấn đề trên đã được thông qua với tỷ lệ đạt trên 99%. Đáng chú ý là mức cổ tức 2014, với tỷ lệ đưa ra ban đầu là 16% thì lần này đã nâng lên 23%, trong đó 16% đã được chi trả vào ngày 10/06, còn lại 7% sẽ ủy quyền cho HĐQT chốt thời gian chi trả.
Như vậy, năm 2015, TAC phấn đấu sản lượng đạt 163 ngàn tấn; doanh thu 4,320 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với thực hiện 2014; lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, giảm 5%; cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 16%. Đồng thời mức khen thưởng chi HĐQT, BKS và Ban điều hành sẽ gần 1.2 tỷ đồng, trường hợp lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch thì sẽ trích 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch để thưởng thêm. Còn mức thù lao HĐQT và BKS lần lượt là 444 triệu đồng và 96 triệu đồng.
Về báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, TAC đạt doanh thu 1,745 tỷ đồng, lãi ròng 36.5 tỷ đồng. Như vậy kết quả này đạt lần lượt 73% và 61% kế hoạch năm. Tại đại hội, cổ đông thắc mắc vì sao trong báo cáo tài chính quý 2/2015 về mục chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố có khoản chi phí khác bằng tiền hơn 49 tỷ đồng, cùng kỳ là gần 42 tỷ đồng. Tuy nhiên HĐQT đã không đưa ra được câu trả lời đây là khoản chi phí gì và đề nghị cổ đông có thể xem trên báo cáo tài chính.
Trên BCTC quý 2/2015 của TAC, khoản mục “Chi phí khác bằng tiền” 49 tỷ đồng đã không có thuyết minh cụ thể là khoản mục gì mà chỉ ghi nhận chung chung với tên “Chi phí khác bằng tiền”.
|
Bỏ ngỏ câu hỏi nguyên liệu từ Vocarimex
Mặc dù các chỉ tiêu đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao nhưng không ít thắc mắc của cổ đông xoay quanh vấn đề nguyên liệu.
Cổ đông cho rằng TAC nên tự chủ trồng nguyên liệu sản xuất ra thành phẩm thay vì mua từ Vocarimex, vốn dĩ là nguyên liệu nhập khẩu từ một công ty ở Malaysia. Công ty này trên thực tế là tự trồng nguyên liệu cung cấp cho các công ty con để sản xuất dầu ăn, việc xuất khẩu nguyên liệu mang lại lợi nhuận rất tốt.
Trả lời ý kiến này, Thành viên HĐQT Hà Bình Sơn cho biết, hiện nay các công ty dầu ăn trong nước phần lớn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, với gần 90% nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Bởi Việt Nam không có được khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng nguyên liệu, đơn cử như sản phẩm dầu cọ, điều kiện trồng cây công nghiệp này không thích hợp trồng tại Việt Nam. Trước đây Vocarimex có trồng thử nghiệm cây dầu mè nhưng không thu được hiệu quả. Trường hợp nếu TAC mua nguyên liệu từ nông dân trong nước, theo ông Sơn thì đặc thù của nông dân là họ chỉ bán khi có lời, nếu không thì sẽ không bán, qua đó, về lâu dài nguyên liệu vẫn chưa thể tự chủ bằng cách trồng và khai thác chế biến.
Trước thắc mắc ”dai dẳng” của cổ đông về việc mua nguyên liệu từ Vocarimex chiếm tỷ lệ, giá mua bao nhiêu và mua vào thời điểm nào, HĐQT chỉ chia sẻ chung chung rằng giá mua nguyên liệu hiện tại vẫn theo cơ chế cạnh tranh từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, thời điểm mua theo chiến lược kinh doanh khi TAC nhận thấy thích hợp.
Hiện tại, mặc dù có một nhà máy sản xuất tại Nghệ An (mua lại từ Công ty Dầu thực vật Nghệ An với công suất 60 tấn/ngày vào năm 2002) nhưng TAC chưa có kế hoạch mở rộng quy mô và chỉ tập trung khai thác nhà máy Phú Mỹ ở Vũng Tàu .
Bên cạnh đó, TAC có một nhà máy nằm tại đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ông Sơn cho biết đây là khu đất mà TAC thuê Nhà nước trong dài hạn, tuy nhiên công ty sử dụng để sản xuất và dùng làm kho chứa, còn kế hoạch hoạch sử dụng trong tương lai như thế nào là trách nhiệm của HĐQT.
Thị trường dầu ăn cạnh tranh khốc liệt
Liên quan đến việc cạnh tranh với Kinh Đô (KDC), theo Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường hiện nay thị trường dầu ăn cạnh tranh khá khốc liệt. KDC đang nắm 24% vốn của Vocarimex chứ không phải 50% như một số cổ đông lầm tưởng.
Ông Cường cho biết, KDC có đến hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, sau đó tung ra dòng mì ăn liền thương hiệu Đại gia đình, gần đây là sản phẩm dầu ăn cũng với thương hiệu trên. Trong số đó, có những sản phẩm thành công và một số thì thất bại. Để cạnh tranh với KDC cùng một số hãng dầu ăn khác như Nhà Bè (dầu ăn Marvela) hay Thái Long, TAC sẽ sử dụng dòng sản phẩm đặc trưng riêng, giảm chi phí kinh doanh nhằm có mức giá bán rẻ hơn. “TAC làm ăn được như hiện nay là nhờ thương hiệu”, ông Cường khẳng định. Ông cũng cho hay, TAC có hàng trăm sản phẩm khác nhau, sẽ có những sản phẩm có lời, những sản phẩm gặp khó khăn nhưng nhìn chung tất cả vẫn mang lại hiệu quả.
Trần Hạnh
|