Đẩy nhanh cổ phần hóa các Tổng Công ty nông nghiệp
Ngày 30/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Đến nay, Bộ này đã hoàn thành cổ phần hóa được 9 Tổng Công ty, Công ty như Tổng Công ty mía đường I và II; Tổng Công ty chăn nuôi; Tổng Công ty Dâu tằm tơ và Tổng Công ty thủy sản Việt Nam...
Riêng trong 6 tháng đầu năm, Bộ đang tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa đối với các DN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án là: Tổng Công ty Rau quả-nông sản và Tổng Công ty chè Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, một trong những khó khăn khiến cho tiến độ cổ phần hóa DN thuộc Bộ diễn ra chậm là do còn vướng mắc trong việc xác định giá trị DN. Vì vậy, Bộ đang cùng các DN tích cực đẩy nhanh tiến độ này, nhất là tại Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp. Dự kiến đến cuối quý III/2015 sẽ công bố giá trị DN và đến quý IV sẽ phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Đối với các DN chưa phê duyệt phương án, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể, trong đó có Tổng Công ty lương thực miền Bắc; Tổng Công ty cà phê và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Trong công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng theo Bộ NN&PTNT, đến nay kết quả vẫn còn hạn chế. Tính đến hết ngày 30/6, các DN đã thực hiện thoái vốn theo sổ sách được 1.718 tỉ đồng, chỉ đạt 52% so với kế hoạch đề ra, giá trị thu về đạt 1.825 tỉ đồng và số vốn còn tiếp tục phải thoái là 3.308 tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT), để đẩy nhanh quá trình thoái vốn phải gắn với thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng để tham gia quản trị, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả của DN. Bên cạnh đó cần có giải pháp đồng bộ thực hiện thoái vốn tại những DN làm ăn thua lỗ, sắp phá sản nhằm bảo đảm an toàn vốn đã đầu tư.
Ông Nam cho biết trong tháng 6 vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP cho phép về nguyên tắc bán thoái vốn theo lô và bán cho người lao động. Theo đó, sẽ bán đấu giá công khai theo lô, áp dụng cho các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối. Ngoài ra, phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) sẽ được dành để bán thỏa thuận cho người lao động có cam kết lâu dài tại DN.
Ông Nam đánh giá đây là điểm rất mới, giúp cho DN tháo gỡ khó khăn trong việc thoái vốn, bảo đảm tiến độ tái cơ cấu DN Nhà nước. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi thông tư hướng dẫn việc xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng tham gia quản trị DN, nâng cao hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và tiến tới thoái vốn hoàn toàn đối với các lĩnh vực ngoài ngành.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Đổi mới DN Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của ngành. Các đơn vị trong ngành nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới DN Nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh. Trong quá trình triển khai phải thực hiện quyết liệt và bảo toàn vốn của Nhà nước”.
Đỗ Hương
chính phủ
|