Thứ Sáu, 17/07/2015 14:23

Chính sách điều hành tỷ giá tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

Có thể thấy, một trong những công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh là chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thời gian gần đây, những chính sách này đã tạo được niềm tin cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp. Những ý kiến trao đổi dưới đây của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với phóng viên TTXVN sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

- Thưa Phó Thống đốc, xin bà cho biết những điểm nổi bật của việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Lãi suất hiện nay đã giảm nhiều và đang ở mức lý tưởng của những năm 2005-2006. Về tổng thể, từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm so với cuối năm 2014. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,2-0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay cũng giảm khoảng 0,2-0,3%/năm, hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

- Có thể thấy những kết quả trên đã hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp. Để đạt được kết quả đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện những giải pháp nào, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết linh hoạt làm sao cho lãi suất phù hợp với nhu cầu thị trường và tỷ giá. Thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm xuống rất thấp, ví như gần đây lãi suất liên ngân hàng một tháng chỉ khoảng 3-3,5%, tương đối thấp và ổn định. Đây cũng là lãi suất thích hợp để Ngân hàng Nhà nước điều hành phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá.

Ngoài ra, trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến vốn khá dụng của các ngân hàng. Nếu có tình trạng dư thừa gây áp lực cho tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện hút tiền về, làm sao đạt được mục tiêu điều hành lãi suất đầu năm đề ra.

- Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt mục tiêu trong năm 2015 giảm từ 1-1,5% lãi suất cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Vậy câu chuyện điều hành lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Ngay từ đầu năm, Thống đốc đã ban hành Chỉ thị 01 với mục tiêu điều hành lãi suất ổn định. Đến nay chúng tôi đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực với tăng trưởng GDP 6,3%. Đây là mức phấn khởi và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia cũng có đánh giá về tăng trưởng GDP 2015, thì lạm phát dự kiến hơn 3-3,5%. Như vậy cơ bản lãi suất chỉ dự kiến như hiện nay.

Với tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm hút tiền linh hoạt để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất ổn định như hiện nay, theo dõi sát diễn biến khả dụng của các ngân hàng thương mại, nếu có bất thường thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm hút tiền linh hoạt và thông qua tái cấp vốn hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo mục tiêu điều hành từ đầu năm.

- Cùng với lãi suất, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tạo được niềm tin cho thị trường. Phó Thống đốc đánh giá như thế nào về tác động của chính sách điều hành tỷ giá đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Trong quá khứ, tỷ giá và thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, không chỉ gây khó khăn cho điều hành tỷ giá mà còn làm cho chính sách tiền tệ ở nhiều thời điểm bị động và hệ lụy là có thời điểm nền kinh tế có dư cung ngoại tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bán ngoại tệ để can thiệp, dẫn đến dự trữ ngoại hối Nhà nước bị suy giảm nghiêm trọng, gây bất ổn đến kinh tế vĩ mô.

Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn cách thức điều hành theo hướng định hướng trước biên độ biến động của tỷ giá trong năm. Trên cơ sở đó, phối kết hợp đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ để điều hành ổn định tỷ giá trong phạm vi biên độ đề ra. Kết quả cho thấy hàng năm tỷ giá đều được kiểm soát trong biên độ đề ra.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ không quá 2% cho cả năm và Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tỷ giá, sử dụng hết 2% này. Lần thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh 1% vào ngày 7/1/2015 ngay sau khi Nghị quyết chính phủ được ban hành để chủ động dẫn dắt thị trường, đồng thời, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Từ tháng 3/2015, trước diễn biến của đồng USD tăng trên thị trường thế giới, thị trường phản ứng khá mạnh theo xu hướng đi lên theo hướng của đồng USD trên thị trường thế giới. Có nhiều ý kiến phân tích, nhận định nhưng cũng có những luồng ý kiến khác nhau.

Có luồng ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nới “room” tỷ giá cho năm 2015 để khuyến khích xuất khẩu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải nới rộng biên độ điều chỉnh. Thị trường tiền tệ quốc tế biến động hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến của thị trường để có những đánh giá, nhận định trước khi quyết định chính sách.

Và ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng nốt 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế.

Quyết định điều chỉnh tăng vào thời gian đồng USD quay đầu giảm giá sau khi FED công bố thông tin về phiên họp chính sách tiền tệ ngày 18/3 và ngày 27/4 nhằm chủ động, dẫn dắt thị trường, giúp các doanh nghiệp yên tâm khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình đến cuối năm 2015.

- Như vậy, chúng ta đã sử dụng hết biên độ tỷ giá 2% trong năm 2015, trong khi đó còn nửa năm nữa mới hết năm. Nhiều ý kiến cho rằng, nên tiếp tục phá giá tiền đồng Việt Nam (VND) để hỗ trợ cho doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước nên chọn cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn. Phó Thống đốc có ý kiến gì về vấn đề này?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc phá giá VND ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu, nhưng đối với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ chịu tác động bất lợi khi giá nhập khẩu đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng.

Ví dụ, đối với ngành dệt may, tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%; đối với sản phẩm gỗ là 70%; đối với sản phẩm may mặc là 65% và từ 50-60% đối với sản phẩm da giày. Trường hợp phá giá để có lợi ích cho nhóm nông dân khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhưng lại làm cho đông đảo bà con phải chịu giá cao khi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp...

Chưa kể đến một thực tế là hàng xuất khẩu của Việt Nam thường bán ở mức giá thấp hơn nhưng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện ở mức thấp do giá trị sử dụng không vượt trội, chất lượng hàng hóa thấp, ít có cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã, chất lượng...

Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng không dễ cải thiện được nhiều.

Bên cạnh đó, với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay lên tới trên 80% GDP, phản ánh sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thì rõ ràng việc phá giá tiền đồng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng.

Qua phân tích, đánh giá nhiều khía cạnh tác động của tỷ giá và đứng trên quan điểm tổng thể lợi ích của quốc gia, không hướng đến mục tiêu duy nhất nào cả, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng cả năm 2015 sẽ điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ 2% như đã đề ra từ đầu năm./.

- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

Đỗ Huyền

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tín dụng được “cởi trói” (17/07/2015)

>   Lãi suất và giao dịch thị trường liên ngân hàng đều giảm (17/07/2015)

>   Cấm thu thêm các khoản phí dịch vụ ATM (17/07/2015)

>   BIDV báo lãi 3.016 tỷ, nợ xấu khoảng 10.000 tỷ đồng (16/07/2015)

>   MB đặt mục tiêu giảm nợ xấu về dưới 2% (16/07/2015)

>   Tăng lãi suất huy động hạn ngắn: Có ảnh hưởng tới mục tiêu chung (15/07/2015)

>   VietinBank đeo đuổi kế hoạch đổi nợ của Vinalines thành vốn góp (15/07/2015)

>   Bãi bỏ Thông tư hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền (15/07/2015)

>   NH thu lãi suất sử dụng thẻ tín dụng lên đến 31,2%/năm (15/07/2015)

>   Phí ATM “móc túi” khách hàng (15/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật