Thứ Tư, 01/07/2015 14:28

Châu Âu thiệt hại ra sao khi Hi Lạp rời khối đồng euro?

Việc Hi Lạp rời khối đồng tiền chung châu Âu euro có thể để lại nhiều hậu quả tai hại, cả trực tiếp và gián tiếp, cho nền kinh tế còn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng của cả khu vực.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định hôm nay Hi Lạp đã không thể trả khoản vay 1,5 tỉ euro đúng hạn và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras - Ảnh: bwbx.io

Trước hết, thiệt hại với các chủ nợ thuộc Liên minh châu Âu (EU) hiện giờ là rất lớn. Hai gói cứu trợ cho Hi Lạp gần đây giá trị tổng cộng 215,8 tỉ euro, bao gồm 183,8 tỉ euro từ các nước EU, phần còn lại là từ IMF.

Phần lớn nhất trong các gói cứu trợ là từ Cơ quan ổn định tài chính châu Âu, với Đức và Pháp là những cổ đông chính. Đó là chưa kể các chi phí hỗ trợ hệ thống ngân hàng Hi Lạp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đưa tổng nợ của Athens với nước ngoài lên mức 316 tỉ euro.

Hi Lạp còn nợ các ngân hàng tư nhân ở Đức, Pháp và Anh khoảng 30 tỉ euro nữa.

Nếu Athens tuyên bố vỡ nợ và rời khối đồng euro, ban hành một đồng tiền mới, những khoản nợ đó coi như mất trắng.

Về những tác động gián tiếp, với GDP 242 tỉ euro, Hi Lạp chỉ là một nền kinh tế nhỏ trong khối EU (chẳng hạn so với Đức là 3.900 tỉ USD), nhưng những tác động domino của việc nước này vỡ nợ vẫn là rất khó lường.

“Việc Hi Lạp vỡ nợ có thể tạo ra cả một làn sóng sốc ở khối đồng euro” - Guy Verhofstadt, chủ tịch nhóm nghị sĩ tự do ở Nghị viện châu Âu, cảnh báo.

Nỗi lo giẫm đạp tài chính

Theo tính toán của Eric Dor, giám đốc nghiên cứu kinh tế học tại Trường quản trị IESEG, Pháp, việc Hi Lạp tuyên bố không trả được nợ và rời khối đồng euro sẽ khiến mỗi người dân Đức mất 699 euro, tương đương 56,5 tỉ euro cho cả nền kinh tế, còn với Pháp là 644 euro, tức 42,4 tỉ euro.

Các nước EU khác như Ý sẽ tổn thất 37,3 tỉ euro, Tây Ban Nha 24,8 tỉ euro, Hà Lan 11,9 tỉ euro, Bỉ 7,2 tỉ euro, Áo 5,8 tỉ euro, Bồ Đào Nha 1,1 tỉ euro và Ireland 300 triệu euro.

Nhưng những con số chóng mặt đó vẫn chưa phải là nỗi lo lớn nhất.“Nỗi lo lớn nhất là một cuộc chen lấn giẫm đạp tài chính” trước mối đe dọa các nền kinh tế mắc nợ và khủng hoảng bị loại khỏi đồng euro - theo lời Thomas Grjebine, kinh tế gia ở Viện kinh tế quốc tế CEPII, Pháp.

“Nếu các nhà đầu tư không còn thấy an tâm về việc bỏ tiền cho một quốc gia thuộc khối đồng euro, lãi suất sẽ tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng và kinh tế đã chậm chạp lại càng đình đốn”, Grjebine nói.

Tuy nhiên, cũng có những nhà kinh tế tin rằng việc Hi Lạp rời khối euro có thể là điều tốt. Holger Schmieding, kinh tế gia ở Ngân hàng Berenberg, nói ông tin rằng “ảnh hưởng chung của việc Hi Lạp rời khối euro lên các nước châu Âu sẽ là hạn chế”.

“Chúng ta có Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (ESM), có nguồn lực dồi dào từ ECB, châu Âu đủ sức đối phó với sự cố Hi Lạp”, ông nói.

Tuy nhiên, Christopher Dembik ở Ngân hàng Saxo cảnh báo rằng “các tiền lệ lịch sử cho thấy khó duy trì một khối tiền tệ chung gắn kết một khi quá trình phân rã đã bắt đầu”. Ông lấy ví dụ là sự sụp đổ của đế quốc Áo - Hung.

Chiêu Văn

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Trung Quốc thông qua thỏa thuận lập ngân hàng khối BRICS (01/07/2015)

>   "Bóng ma" khủng hoảng nợ Hy Lạp không đủ sức ám ảnh Fed (01/07/2015)

>   Hàng chục nghìn người góp tiền trả nợ cho Hy Lạp (01/07/2015)

>   Nhà đầu tư Bitcoin thấy cơ hội từ khủng hoảng Hy Lạp (01/07/2015)

>   Người Hi Lạp rầu rĩ về tương lai đất nước (01/07/2015)

>   Úc trở thành cổ đông lớn trong Ngân hàng AIIB (01/07/2015)

>   Hy Lạp vỡ nợ, EU từ chối cứu trợ (01/07/2015)

>   “Bệnh dịch” nợ nần ám ảnh kinh tế toàn cầu (01/07/2015)

>   Hy Lạp thêm một lần đề xuất vay nợ vào phút chót (01/07/2015)

>   Tỉ phú thế giới mất 70 tỉ USD một ngày vì Hy Lạp (30/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật