Bức tranh tín dụng, lãi suất cuối năm
Theo TS. Cấn Văn Lực, về trung dài hạn, lãi suất chỉ có thể giảm được nếu có thêm gói hỗ trợ, thông qua các hình thức như tái cấp vốn hay các gói tín dụng liên quan đến DNNVV, BĐS hay dành cho nông nghiệp công nghệ cao...
* NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng
* Ký kết 4 hiệp định tín dụng với WB ở Mỹ
* Việt Nam có thêm nhiều ưu đãi khi tham gia Ngân hàng AIIB
Với mức tăng trưởng GDP 6,28% trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã cho thấy sự hồi phục khá rõ nét. Song hành với đó, con số tăng trưởng tín dụng (TTTD) trên 6% tính đến cuối tháng 6 vừa qua, trong so sánh với cuối năm ngoái, cũng biểu hiện cộng đồng DN đã phần nào yên tâm hơn trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Vậy, bức tranh tín dụng, lãi suất 6 tháng cuối năm sẽ như thế nào? Thời báo Ngân hàng ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
NHNN vẫn gắn rất chặt cung tín dụng với ổn định kinh tế vĩ mô
|
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Vẫn phải kiên định với ổn định vĩ mô
Đà hồi phục kinh tế trong 6 tháng qua có thể thấy một phần ở tốc độ TTTD. Mức tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước như vậy phản ánh nhu cầu tín dụng tăng, mặc dù phía NH còn nhiều vấn đề phải giải quyết, không ít DN cũng còn rất nhiều khó khăn. Tín dụng đã đến đúng địa chỉ và đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong khi đó, các chương trình gắn kết NH - DN tạo giá trị gia tăng tốt hơn. Nhưng tín hiệu tích cực nhất là trong khi tín dụng tăng thì NHNN vẫn gắn rất chặt cung tín dụng với ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sự kiên định này đã giúp lãi suất trong 2-3 năm trở lại đây giảm rất đáng kể.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề chúng ta cần lưu ý. Đơn cử như những tháng gần đây, chúng ta bắt đầu thấy tốc độ tăng tín dụng đang nhanh hơn huy động vốn. Nhìn tổng thể thì điều này chưa tạo thành một áp lực lớn, ví dụ đối với vấn đề thanh khoản. Nhưng nhìn sâu hơn thì một số NH bắt đầu lo, phải tính đến câu chuyện này trong bối cảnh họ vẫn phải nỗ lực cho vay. Điều này có thể dần tạo áp lực chung cho hệ thống.
Vấn đề lớn hơn của câu chuyện tín dụng là trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn mà nhu cầu đầu tư phát triển, đặc biệt cho kết cấu hạ tầng còn rất lớn, nên vẫn còn nhu cầu về phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Hiện các NHTM vẫn chiếm tới 85-90% lượng mua TPCP. Câu chuyện này dẫn đến một số vấn đề.
Thứ nhất là tín dụng dành cho DN, nhất là DNNVV sẽ bị hạn chế đi. Thứ hai là muốn phát hành thì lãi suất trái phiếu phải tăng mới đủ hấp dẫn. TPCP hiện nay lại chủ yếu là trung và dài hạn, mà như thế thì đường cong lãi suất sẽ bị đẩy lên. Như vậy, ý nghĩa tích cực của tín dụng là cho vay đầu tư đổi mới công nghệ, tức là cho vay trung dài hạn, sẽ rất khó có lãi suất thấp hơn được.
Về lãi suất, hiện lạm phát rất thấp, cả năm theo nhiều dự báo chỉ xung quanh 3% và nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ngắn hạn có thể giảm. Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất không giảm, thậm chí ở một số NH còn tăng nhẹ. Lý do ngoài việc để đáp ứng và cân đối giữa huy động và cho vay thì còn liên quan đến nắm giữ tiền đồng hay USD. Việc hạ được lãi suất ngắn hạn của tiền đồng là rất khó. Bởi nếu người ta đang kỳ vọng USD tiếp tục tăng giá so với VND, mà lãi suất tiền đồng lại giảm thì càng làm tăng nguy cơ dịch chuyển sang USD.
Hơn nữa, lãi suất ở Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào lạm phát mà còn phụ thuộc vào những lợi ích mà người ta có thể thu được nếu đầu tư vào các tài sản tài chính khác như chứng khoán, BĐS… Trong khi đó, các thị trường này đang có những dấu hiệu khởi sắc nhất định.
Trong năm nay và những năm tới, mức tăng tín dụng kể cả có nới một chút cũng rất khó có thể vượt quá 15-16%/năm, trong bối cảnh lạm phát mục tiêu đặt ra trong trung hạn chỉ xung quanh mức 5%. Hàm ý ở đây là chúng ta vẫn phải kiên định với ổn định kinh tế vĩ mô. Xét trong bối cảnh hiện nay thì cá nhân tôi cho rằng, TTTD khoảng 15%/năm là vừa. Như vậy, chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng GDP khoảng 6,2%/năm, tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo ra kỳ vọng về sự ổn định tốt hơn, chắc chắn hơn trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV, hàm Phó tổng giám đốc BIDV:
Đến cuối năm, lãi suất khó giảm thêm
TTTD cao trong 6 tháng vừa qua chưa cho thấy có dấu hiệu gì đáng ngại, bởi dòng vốn phần lớn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên. Phần tăng đối với lĩnh vực BĐS thì chủ yếu đi vào những phân khúc không mang tính đầu cơ như trước đây. Theo dự báo của chúng tôi, TTTD năm nay hoàn toàn có thể đạt mức 15-16%.
Trong khi đó, lãi suất thời gian qua có nhích lên ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Nguyên nhân cơ bản là vì các NH đẩy mạnh tín dụng ra dưới nhiều hình thức, nhiều gói sản phẩm, trong khi các NH cũng phải đảm bảo tỷ lệ về thanh khoản, tức là cùng với đó phải tăng cường huy động. Ngoài ra, điều này giúp đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực về việc đảm bảo huy động và cho vay chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên theo tôi, lãi suất cho vay trong thời gian tới khó tăng vì một mặt lạm phát hiện ở mức thấp, Chính phủ và NHNN cũng đang kêu gọi các NH giảm lãi suất cho vay trung dài hạn, thêm nữa là vì yếu tố cạnh tranh tín dụng.
Nhưng lãi suất cho vay cũng rất khó giảm, vì thực tế lãi suất huy động tăng thêm, trong khi đầu ra lại khó tăng thì NIM (tỷ lệ lãi cận biên) ròng sẽ hẹp lại, hiện chỉ còn khoảng 2,5 - 2,7%. Tức là, lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng của các NH về cơ bản năm nay không cao hơn so với năm ngoái được, mặc dù TTTD năm nay có thể cao hơn. Bên cạnh đó, theo Thông tư 02, Thông tư 09 thì nợ xấu ở các NH năm nay sẽ bị “dềnh” lên. Các NH sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.
Còn về trung dài hạn, lãi suất chỉ có thể giảm được nếu có thêm gói hỗ trợ, thông qua các hình thức như tái cấp vốn hay các gói tín dụng liên quan đến DNNVV, BĐS hay dành cho nông nghiệp công nghệ cao...
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế:
Cần chú ý xử lý bài toán kỳ hạn
Có thể nói kể từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ TTTD tốt như năm nay. Tín dụng tăng đều qua các tháng với tốc độ khá cao, báo trước khả năng TTTD cả năm sẽ đạt và vượt mục tiêu NHNN đề ra từ đầu năm. Cơ cấu tín dụng cũng cho thấy đã hướng vào những lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, nhìn tổng thể chúng ta thấy cả số lượng và chất lượng tín dụng đều đang có những cải thiện tích cực. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy tín dụng đã được khơi thông, qua đó giúp xóa đi mối lo về nguy cơ tắc tín dụng.
Từ nay tới cuối năm, tôi cho rằng khó có khả năng giảm lãi suất hơn nữa bởi mặc dù năm nay lạm phát dự báo chỉ xoay quanh 3%, nhưng rõ ràng để giảm lãi suất thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa, đặc biệt là về vấn đề kỳ hạn. Bởi khi các dự báo và kỳ vọng đều cho rằng lạm phát trong năm 2016 sẽ cao hơn, khoảng 5-6%, thì các kỳ hạn vay và cho vay trung dài hạn cũng sẽ phải ở mức cao hơn. Thực tế thời gian vừa qua, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm trở lên ở các NH không giảm mà có dấu hiệu tăng lên đã cho thấy điều này. Và theo tôi được biết, các hợp đồng vay vốn của các NH thời gian qua chủ yếu rơi vào các kỳ hạn này.
Như vậy, khả năng lạm phát thấp trong năm nay chỉ có thể tác động đến các kỳ hạn ngắn. Nhưng ở góc độ này, chúng ta lại phải lưu ý đến khả năng dịch chuyển từ tiền đồng sang USD. Động thái các NH tăng lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn ngắn vừa qua, ngoài việc phản ánh nhu cầu tín dụng ngắn hạn tăng thì cũng chính là để ngăn khả năng chuyển dịch này.
Bởi cho đến nay, chúng ta vẫn huy động và cho vay cả tiền đồng và ngoại tệ. Nếu điều chỉnh không tốt thì yếu tố “cánh kéo lãi suất” (tương quan giữa lãi suất huy động VND và USD - PV) sẽ khiến người gửi tiền chuyển dịch từ nội tệ sang ngoại tệ, làm cho vấn đề đô la hóa nóng trở lại. Do đó trong vấn đề lãi suất, cần chú ý xử lý bài toán kỳ hạn để cân đối nguồn vốn, tránh các rủi ro kỳ hạn và rủi ro tỷ giá, “cánh kéo lãi suất”.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|