BIDV tăng vốn điều lệ sau sáp nhập lên hơn 31,4 nghìn tỷ đồng
Ngày 1-7, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) họp báo công bố việc chính thức tăng vốn điều lệ thêm hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, lên mức hơn 31,4 nghìn tỷ đồng.
* 9 ngân hàng Việt Nam nhận được xếp hạng tín nhiệm mới từ Moody's
* Ngân hàng Việt Nam sẽ ra sao nếu stress test?
* Xóa tên MHB, ngân hàng sau sáp nhập tăng vốn lên hơn 31,480 tỷ đồng
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Phương cho biết: Ngày 25-4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-NHNN về việc sáp nhập ngân hàng TMCP phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào BIDV. Thực hiện Quyết định này, BIDV có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của MHB và BIDV đã triển khai các thủ tục sáp nhập, trong đó có thực hiện thủ tăng vốn Điều lệ của BIDV.
Ngày 22-5, BIDV đã hoàn thành phát hành cổ phiếu hoán đổi, đưa số vốn điều lệ BIDV tăng thêm 3.369 tỷ đồng, giá trị vốn điều lệ BIDV sau khi hoàn thành sáp nhập MHB là 31.481 tỷ đồng. Đến ngày 29-6, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 1246/QĐ-NHNN sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của BIDV, sửa đổi nội dung Vốn điều lệ.
Như vậy, hiện nay vốn điều lệ của BIDV sau sáp nhập MHB tăng từ 28.112 tỷ đồng lên hơn 31.481 tỷ đồng.
* Cùng ngày, BIDV cũng chính thức triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay vốn đối ứng đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà khẳng định: Với vai trò là Ngân hàng tiên phong trong việc chấp hành triển khai Nghị định 67, BIDV đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định. Qua hai phiên họp với Chính phủ, nhiều khó khăn vướng mắc đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo tháo gỡ. Những nội dung có thể triển khai được ngay như thuê công ty thẩm định giá tàu, tăng thời hạn cho vay đối với tàu vỏ thép, các NHTM tham gia vào Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn cần phải tiếp tục chờ các Bộ, ngành có hướng dẫn tháo gỡ như phê duyệt thiết kế tàu; xác định giá dự toán, hoàn thuế GTGT của tàu đóng mới, nâng cấp; sử dụng máy cũ.
Cũng theo đại diện lãnh đạo BIDV, trong quá trình triển khai thực tế, nút thắt lớn nhất liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các Ngân hàng thương mại là việc bà con ngư dân thiếu hụt hoặc không chứng minh được phần vốn đối ứng phải tham gia theo phương án vay đóng mới tàu. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân và đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định 67 một cách hiệu quả, BIDV triển khai “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67" với lãi suất 6%/năm. Thời hạn triển khai từ nay đến 31-12-2016. Số tiền cho vay tối đa 500 triệu đồng/ khách hàng; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Với quy mô gói tín dụng là 1.000 tỷ đồng, BIDV dự kiến sẽ đáp ứng được hầu hết các nhu cầu vốn đối ứng của khách hàng trên số lượng tàu đóng mới được Bộ NN&PTNT phân bổ cho từng địa phương. Bên cạnh đó, để chia sẻ và hỗ trợ một phần chi phí cho bà con ngư dân, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay là 6%/năm trong toàn bộ thời gian vay.
Hồng Anh
nhân dân
|