Thế giới ngày càng thừa dầu
Các nhà sản xuất dầu vẫn đang bơm dầu như thể không có ngày mai
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu từ các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt 31.3 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2012.
* OPEC từ chối cắt giảm sản lượng ảnh hưởng thế nào đến giá dầu?
Điều đó đồng nghĩa với việc OPEC đang sản xuất nhiều hơn 1 triệu thùng so với mục tiêu chính thức 30 triệu thùng/ngày mà các bộ trưởng tổ chức này nhất trí trong tuần trước.
Trong khi đó, nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC - bao gồm Mỹ - nhìn chung vẫn không thay đổi trong tháng trước.
IEA cho biết sản lượng dầu toàn cầu tiếp tục cao hơn nhu cầu bình quân hơn 2 triệu thùng/ngày bất chấp đà tăng trưởng mạnh mẽ đầy bất ngờ của hoạt động tiêu thụ.
Theo đó, lượng dầu dư thừa đã khiến dự trữ dầu tăng vọt.
Sản lượng kỷ lục của OPEC là kết quả của nỗ lực duy trì sản lượng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Mỹ cũng như các quốc gia khác. A-rập Xê-út đã sản xuất 10.3 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao kỷ lục đối với một thành viên trụ cột của OPEC.
Được biết, giá dầu thế giới đã phục hồi 40% so với mức đáy xác lập trong tháng 1 dưới 45 USD/thùng dù IEA cho rằng tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn đang kéo dài.
Cơ quan có trụ sở tại Paris này kỳ vọng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay khi các quốc gia ngoài OPEC cố gắng chống lại áp lực giá và nâng cao sản lượng.
Tuy nhiên, IEA – tổ chức theo dõi xu hướng thị trường năng lượng của các quốc gia giàu có nhất thế giới cho biết – đã có một số tín hiệu cho thấy giá dầu thấp và động thái cắt giảm mạnh đầu tư có thể tác động nặng nề đến nguồn cung của các nước ngoài OPEC.
Theo tổ chức này, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 26 tuần liên tiếp. Dù vậy, nguồn cung toàn cầu hiện vẫn cao hơn 3 triệu thùng thùng/ngày so với cách đây một năm.
Trong ngày thứ Năm (11/06), giá dầu giảm 1% xuống 60.8 USD/thùng.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|