Thấy gì từ “nồi cơm” Khách sạn Phương Đông đại gia Mường Thanh nhắm đến
Sự suy yếu của nhóm cổ đông OCH và Oceanbank bởi nhiều hệ lụy sau vụ việc Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt đã thay đổi “số phận” của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (HNX: PDC). Công ty sở hữu Khách sạn Phương Đông tại thành phố Vinh đã chính thức về tay "đại gia Mường Thanh” khét tiếng trong giới kinh doanh bất động sản.
* Ông Lê Thanh Thản gom gần 43% vốn Du lịch Dầu khí Phương Đông
* Kiểm tra dự án 48 tầng của Mường Thanh gần biển Nha Trang
* Phạt 1 tỉ đồng, tước giấy phép xây dựng khách sạn Mường Thanh Mũi Né
* Sự thật đằng sau lý do thanh tra các dự án tại Hà Nội của “đại gia điếu cày”
* Mường Thanh xây sai phép do... ngây thơ
* Đại gia Mường Thanh "ẩn mình" thâu tóm Vàng Agribank?
3 đời chủ!
PDC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh Nghệ An với tên gọi là Khách sạn Phượng Hoàng. Đến đầu năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp nhận về làm đơn vị thành viên và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông. Công ty chính thức niêm yết trên HNX với mã chứng khoán là PDC vào tháng 9/2009 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Đến giữa năm 2011, toàn bộ 60.39% vốn thuộc nhóm PVN (do PVS nắm giữ) đã được thế chân bởi OCH và Oceanbank (cùng là thành viên của Tập đoàn Đại Dương – OGC) với tỷ lệ lần lượt là 49.53% và 10.87%. Cùng với sự thay đổi chủ từ nhóm PVN qua nhóm cổ đông OCH, cơ cấu doanh thu của PDC cũng chuyển động theo. Trước đây kinh doanh phân bón chiếm khoảng 60% doanh thu mỗi năm và từng là đại lý cấp 1 phân phối Đạm Phú Mỹ; nhưng sau đó giảm mạnh, nhường vị trí chi phối cho mảng kinh doanh khách sạn, nhà hàng và du lịch - vốn là thế mạnh của OCH. Mặc dù PDC thay đổi cơ cấu doanh thu nhưng lợi nhuận mang lại qua các năm cũng không nhiều cải thiện.
Cơ cấu doanh thu giai đoạn 2009-2014 của PDC (Đvt: Tỷ đồng)
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2009 – 2014 của PDC (Đvt: Tỷ đồng)
Gần đây, sau chuỗi tăng giá cổ phiếu ấn tượng, trên dưới 75% trong hơn 1 tháng qua, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến kết quả đổi chủ lần thứ ba kể từ khi niêm yết tại PDC - Đó là sự xuất hiện của ông Lê Thanh Thản – người được biết đến là “đại gia Mường Thanh”, một nhân vật khét tiếng trong giới kinh doanh bất động sản.
Ông cùng con gái Lê Thị Hoàng Yến, con rể Đỗ Trung Kiên đã sở hữu lên đến 45.58% vốn tính đến ngày 27/05. Bên cạnh đó, một cá nhân tên là Lê Kim Giang cũng đã trở thành cổ đông lớn của PDC khi mua vào gần 1.6 triệu cp, tương ứng sở hữu 10.52%.
Cùng với đó, OCH chính thức rút lui, công bố đã bán sạch gần 7.43 triệu cp PDC (tương đương 49.53% vốn) tại đây. Có thể thấy, kể từ khi cựu Chủ tịch của Tập đoàn OGC, đồng thời cũng là cựu Chủ tịch của OCH, Oceanbank – ông Hà Văn Thắm bị bắt vào đầu năm 2015, hàng loạt hệ lụy nối tiếp tại nhóm cổ đông lớn của PDC. Cổ phiếu OCH rơi vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch, Oceanbank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng...
Đại gia Mường Thanh đang nhắm gì?
Nếu xét về kết quả kinh doanh, PDC không mấy hấp dẫn, bởi từ khi niêm yết đến nay đã 6 năm vẫn chưa hết lỗ lũy kế, khiến cổ phiếu năm nào cũng vào diện cảnh báo. Công ty tuy vẫn duy trì doanh thu hằng năm trên dưới 100 tỷ đồng nhưng nhìn chung đang trong xu hướng giảm, lợi nhuận cũng chỉ vài tỷ đồng. Tuy nhiên, các tài sản phục vụ lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và du lịch của PDC đang tạo được những lợi thế. Đây cũng chính là lĩnh vực mà ông Lê Thanh Thản cực kỳ “máu mặt”. Từng khởi nghiệp lĩnh vực này với khách sạn Mường Thanh tại Điện Biên, đến nay, ông đã có trong tay gần 30 khách sạn 3 đến 5 sao trên khắp cả nước, thậm chí còn mở rộng sang Lào với khách sạn Mường Thanh cao nhất thủ đô Viên Chăn với 35 tầng.
5 năm chưa hết lỗ lũy kế
Năm 2009 – ngay sau khi hoàn tất niêm yết cổ phiếu, PDC ghi nhận lỗ khủng cận kề 60 tỷ đồng, “ăn” hết lợi nhuận những năm tiếp theo. Công bố này khi đó gây bất ngờ lớn với nhà đầu tư bởi chỉ xuất hiện sau khi kiểm toán vào cuộc. Tại báo cáo tài chính quý 4/2009 do PDC tự lập vẫn ghi nhận lãi cả năm hơn 4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ tăng mạnh lên 51 tỷ đồng tại báo cáo kiểm toán năm 2014 đã “quét sạch” lợi nhuận.
|
Hiện PDC có 8 đơn vị trực thuộc gồm Khách sạn Phương Đông, Khách sạn Cửa Đông, Trung tâm Lữ hành Quốc tế Phương Đông, Nhà hàng Trường Thi, Trung tâm Thương mại, Xí nghiệp kinh doanh Nông sản - Phân bón Miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Dịch vụ Thương mại và Khách sạn Quỳnh Lưu Plaza, Trung tâm Dịch vụ Vũng Áng - Hòn La.
Công ty có những khoản đất thuê lớn tại thành phố Vinh (Nghệ An) để phát triển các dự án, như 9,715.5 m2 tại đường Trường Thi với thời hạn thuê 50 năm kể từ 1996, đơn giá thuê bình quân là 33,848 đồng/m2; 1,125.2m2 tại đường Nguyễn Phong Sắc với thời hạn thuê 40 năm kể từ cuối năm 2009, đơn giá thuê bình quân 37,200 đồng/m2; và 3,198m2 đất tại phường Trường Thi để xây dựng trung tâm hội nghị 800 chỗ, văn phòng làm việc và thương mại Phương Đông có thời hạn thuê đến 2063.
Khách sạn Phương Đông tọa lạc tại số 218 đường Lê Duẩn, một trong những vị trí lý tưởng tại trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
|
Ngoài ra, PDC còn sức hấp dẫn lớn từ Khách sạn Phương Đông, một trong những khách sạn hiện đại nhất nhì của tỉnh Nghệ An với tiêu chuẩn 4 sao quốc tế. Công trình này xây dựng năm 2000 để kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là địa điểm dừng chân của không ít cán bộ cấp cao của Nhà nước và quốc tế. Doanh thu mỗi năm mang lại khoảng 50-60 tỷ đồng. Khu đất có diện tích 3,189 m2.
Những tài sản mà PDC đang có cũng rất phù hợp với chiến lược phát triển mà ông Lê Thanh Thản đã từng phát biểu trên báo chí vào cuối quý 3 năm vừa qua: “Doanh nghiệp nào có đất sạch, vị trí thuận lợi một chút, đã có đầy đủ thủ tục triển khai dự án mà không thực hiện được chúng tôi sẵn sàng mua”.
Tiến Vũ
|