Thứ Hai, 22/06/2015 21:17

Siết chặt quản lý dự án sử dụng vốn NSNN

Chia sẻ với các đại biểu tham gia Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015 do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (22-6), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện văn bản pháp lý để quản lý chặt chẽ các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn NSNN nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tránh lãng phí, thất thoát tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo.

Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư theo hướng công khai minh bạch..

Tại Hội thảo, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến của lãnh đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố và đại diện các Bộ, ban ngành về nội dung sửa đổi của 4 Thông tư: Thông tư quy định quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án sử dụng vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ (thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BTC), Thông tư quy định quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN (thay thế Thông tư số 86/2011/TT-BTC), Thông tư quy định quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN (thay thế Thông tư số 19/2011/TT-BTC) và Thông tư quy định thủ tục giao nhận hồ sơ kiểm soát chi NSNN, kê khai yêu cầu thanh toán qua hệ thống KBNN.

Theo Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính, sau 1 năm thực hiện Thông tư 05/2014/TT-BTC bước đầu đã tạo điều kiện cho các Ban quản lý dự án (Ban QLDA) được chủ động và tự chủ hơn trong chi tiêu, phù hợp với chủ trương phân cấp nhiều hơn cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Thông tư 05 đã bộc lộ những hạn chế như: Buông lỏng việc quản lý chi tiêu của các Ban QLDA; Thiếu căn cứ để thực hiện phân bổ chi phí quản lý dự án vào giá trị khối lượng thực hiện trong năm; Cơ quan quản lý cấp trên khó quản lý và kiểm tra, kiểm soát nên không kịp thời chấn chỉnh những sai phạm…

Trước những bất cập này, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi theo hướng áp dụng cơ chế tài chính thống nhất cho tất cả các loại hình quản lý dự án. Về các nội dung chi sẽ quy định cụ thể hơn đối với một số nội dung trong quá trình thực hiện các Ban QLDA hay gặp vướng mắc như: Chi lương làm đêm, thêm giờ, chi công tác phí…

Tương tự đối với nội dung sửa đổi Thông tư 86/2011/TT-BTC cũng theo hướng thắt chặt việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo hợp đồng. Theo đó, việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư (Ban QLDA) cho nhà thầu về cơ bản thì mức tạm ứng vẫn giữ nguyên mức tối đa, tối thiểu nhưng quy định thắt chặt về điều kiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng.

Bởi theo Thông tư 86 khi tạm ứng không yêu cầu bắt buộc phải có bảo lãnh và việc thu hồi vốn tạm ứng chỉ thu hồi hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Việc quy định này dẫn tới các nhà thầu chiếm dụng vốn của công trình, sử dụng vốn NSNN không hiệu quả. Theo báo cáo của KBNN, số dư vốn tạm ứng là 52.252 tỷ đồng, trong đó số tạm ứng từ năm 2003 trở về trước là 235,3 tỷ đồng.

Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất KBNN phải thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm úng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Ngoài ra, chủ đầu tư khi tạm ứng vốn phải có mặt bằng xây dựng được bàn giao một phần hoặc toàn bộ để tránh trường hợp khi tạm ứng xây lắp nhưng chưa có mặt bằng để thi công.

Tuy nhiên, khi góp ý về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 86/2011/TT-BTC, Phó Giám đốc KBNN Hà Nội, Ngô Tuấn Phong đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét lại nguyên tắc kiểm soát thanh toán của KBNN. Nguyên nhân được ông Ngô Tuấn Phong đưa ra là cơ quan Kho bạc không nhận kế hoạch đấu thầu, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của kết quả lựa chọn nhà thầu nên Kho bạc không biết được giá gói thầu để khống chế.

“Bộ Tài chính cũng cần quy định cụ thể hơn về chế độ chi tiêu công trong các nội dung của Ban QLDA cho phù hợp với từng loại hình QLDA như: Ban QLDA chuyên ngành, khu vực; Ban QLDA của một dự án, Cho thuê tư vấn QLDA (vốn NSNN hoặc vốn khác), Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc (áp dụng với dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, có sự tham gia của cộng đồng).”- ông Ngô Tuấn Phong góp ý vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 05.

Đứng dưới góc độ Ban QLDA, Phó Trưởng Ban QLDA- Sở Giao thông- Vận tải Lào Cai, Nguyễn Thị Hồng đề nghị, do hoạt động của các Ban QLDA có tính chất đặc thù nên một số khoản chi áp dụng các quy định như đối với cơ quan hành chính nhà nước là chưa phù hợp vì hiệu quả hoạt động cũng như nguồn kinh phí của Ban QLDA phụ thuộc vào các yếu tối khối lượng công việc, chất lượng, tiến độ của dự án. Do vậy, quản lý nhiều dự án sẽ được tăng nguồn trích trong khi số lượng cán bộ biên chế cố định, các khoản chi còn bị hạn chế theo quy định như: Chi tiền lương, chi tiếp khách, hội nghị, thông tin liên lạc…

“Chúng tôi đề nghị đưa thêm các khoản chi tiền điện thoại, tiền công tác phí cho cán bộ, nhân viên thường xuyên làm việc ngoài hiện trường, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở quy định thống nhất và quy chế chi tiêu nội bộ của Ban QLDA vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 05”- bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, Quyền Vụ trưởng Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính, Trịnh Nam Tuấn cho rằng, có những quy định bắt buộc phải làm. Còn những vấn đề vướng mắc của địa phương trong thực tế, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để tháo gỡ.

“Nhưng về nguyên tắc khi xây dựng Thông tư thay thế phải đảm bảo đúng quy định. Đây sẽ là thước đo, công cụ những người quản lý tài chính thực hiện quản lý xây dựng cơ bản theo hướng thắt chặt chi tiêu, chống lãng phí”- ông Trịnh Nam Tuấn chốt.

Theo quy định của Bộ Tài chính, mức tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước - vốn trong nước (NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn ODA thanh toán trong năm 2015 và các năm sau: Tổng mức vốn tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn NSNN (vốn trong nước) và vốn TPCP của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.

Việc tạm ứng đối với các hợp đồng của các công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp; dự án đầu tư để đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng chống thiên tai, bão lũ và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ...chỉ được thực hiện từ quý III-2014 và áp dụng cho các dự án được bố trí kế hoạch năm 2014.

Không áp dụng đối với các dự án nguồn vốn NSNN và vốn TPCP thuộc kế hoạch năm 2012, 2013, 2014 được phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm 2015, cũng như các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2015 trở đi.


Thu Hằng

Hải quan

Các tin tức khác

>   Liệu các khoản nợ có bị lấp đi? (22/06/2015)

>   “Bồi dưỡng” cán bộ thuế, luật bất thành văn  (21/06/2015)

>   Thu phí đảm bảo có lợi nhuận phù hợp là “hết sức vô lý” (19/06/2015)

>   Doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu vướng hoàn thuế (17/06/2015)

>   Tiền thu từ cổ phần hóa để làm gì? (17/06/2015)

>   Vòi vĩnh kín, hở... của cán bộ thuế (15/06/2015)

>   Thu về NSNN hơn 802 tỷ đồng qua thanh tra thuế (13/06/2015)

>   10 đại biểu không biểu quyết thông qua ngân sách (11/06/2015)

>   Bộ Tài chính giải đáp về thu chi ngân sách Nhà nước (09/06/2015)

>   Nữ giám đốc 36 tuổi chiếm đoạt 900 tỷ đồng hoàn thuế (09/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật