Thứ Hai, 22/06/2015 06:15

Rủi ro và cơ hội nào cho nhà đầu tư tại AIIB?

AIIB đang tìm cách thúc đẩy chính sách đa phương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khuyến khích cạnh tranh vay vốn, cải tổ các phương thức tiếp cận tài chính và cho vay của Trung Quốc.

* AIIB sẽ giao dịch bằng USD thay vì nhân dân tệ của Trung Quốc

* Vì sao Mỹ không nên lo lắng về AIIB?

 

Nhiều thành viên châu Á và đối tác ngoài châu Á của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã cam kết biến AIIB trở thành một ngân hàng đa phương thật sự. Những ngân hàng đa phương khác, như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đã đề nghị hợp tác.

Dù Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết 57 thành viên sáng lập đã nhất trí về một hiến chương vào ngày 23/05/2015 nhưng họ vẫn chưa ra thông báo chính thức. Theo kế hoạch, văn kiện chính thức sẽ được kí kết vào cuối tháng 6 năm nay, có thể là do một số thành viên cần thời gian để được cơ quan lập pháp nước họ chấp thuận.

Trung Quốc dành 75% cổ phần cho các quốc gia châu Á. Theo các báo cáo, Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất, với 25-30% cổ phần. Vì tỷ lệ cổ phần được dựa theo khu vực và GDP quốc gia nên Ấn Độ sẽ là quốc gia có cổ phần lớn thứ hai, với 10-15%. Một nguồn tin của Hàn Quốc dự đoán rằng Indonesia, Đức và Hàn Quốc sẽ là các cổ đông lớn tiếp theo, với khoảng 4%. Hiện chưa rõ Nga sẽ được xem là quốc gia châu Âu hay châu Á.

Vẫn chưa có tiết lộ nào cho biết liệu Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết như Mỹ tại IMF hay không. Tờ Tân Hoa Xã cho hay quy trình chấp thuận cho vay sẽ ưu tiên cho các khoản vay khẩn cấp và sẽ được tổ chức hợp lý hơn. Các phát ngôn viên của Trung Quốc khẳng định sự hợp lý này trái ngược với các quy trình “kém hiệu quả” tại WB và ADB.

Tuy nhiên, các quan chức cũng nhấn mạnh rằng quy trình này sẽ đảm bảo được sự minh bạch, và đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường và lao động chứ không như lo ngại của Mỹ và Nhật Bản. Các quan chức ngân hàng cũng ưu tiên một số loại tiền tệ châu Á cho việc giải quyết nợ, thay vì chỉ dùng đồng Nhân dân tệ hay USD.

Các công cụ tài chính chính của AIIB sẽ là cho vay, đầu tư cổ phần, và các khoản bảo đảm. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn được đăng ký bởi các quốc gia thành viên, ngân hàng này đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu trên các thị trường tài chính, và dàn xếp các giao dịch thị trường liên ngân hàng để nâng cao vốn hóa. Vì ADB ước tính cơ sở hạ tầng tại châu Á cần khoảng 800 tỷ USD trong giai đoạn 2010–2020 nên ngân hàng này có thể phục vụ một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng. Vốn hóa ban đầu theo quy định của AIIB là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp 50 tỷ USD.

Điều thú vị là Nhật Bản và ADB vừa mới công bố một số cải cách, qua đó cho phép tăng giá trị các khoản vay mới lên đến 110 tỷ USD trong năm nay. Sự cạnh tranh mới này khiến các quốc gia hoặc tổ chức túng thiếu sẽ có cơ hội được vay nhiều hơn.

Rủi ro

Mặc dù ngân hàng này mang lại cơ hội đầu tư vào các dự án hạ tầng của châu Á nhưng cũng chứa đựng một số rủi ro. Nhiều người lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và kinh nghiệm lãnh đạo trên quy mô toàn cầu và đa phương của quốc gia này. Giờ đây người ta cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn. Biết được điều này, Trung Quốc đã tập trung vào các biện pháp kinh tế vĩ mô mà họ hy vọng sẽ dẫn đến một sự “hạ cánh mềm”.

Các biện pháp này bao gồm một chương trình kích thích mới trị giá 200 tỷ USD, và hạ lãi suất 3 lần trong 6 tháng. Mới đây Trung Quốc thông báo các công ty tư nhân và nhà nước nhỏ sẽ được phép ngưng hoạt động thay vì gia hạn nợ của họ thành những khoản vay mới.

Tuy nhiên, họ cũng tiếp tục cho phép các ngân hàng đã tái cấp vốn được vay nợ nhiều hơn bằng cách gia hạn nợ cho các công ty nhà nước lớn. Các thành phố do chính quyền địa phương điều hành gần đây đã được nhà nước bảo lãnh nợ, và được quyền huy động vốn bằng các trái phiếu lãi suất thấp do chính thành phố phát hành.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc

Câu hỏi trọng tâm ở đây là liệu món nợ khổng lồ lên đến 28 ngàn tỷ USD, tương đương 282% tổng sản lượng hàng năm trị giá 10.4 ngàn tỷ USD, của Trung Quốc có dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế hay không. Những người trả lời “không” đã xem kho dự trữ ngoại hối trị giá 3.4 ngàn tỷ USD của Trung Quốc như một nguồn bảo đảm.

Cả nợ và dự trữ của Trung Quốc đều liên tục gia tăng kể từ năm 2000 đến nay, nhưng gần đây dự trữ đã giảm nhẹ. Nhiều người cũng thắc mắc là liệu những cải thiện trong cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc và khu vực có đủ mạnh để tác động đến đà tăng trưởng của nền kinh tế, qua đó giúp nước này thanh toán được hết nợ nần.

Tháng 4/2013, Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc từ AA- xuống A+ vì quốc gia này có tăng trưởng tín dụng nhanh và thu nhập bình quân thấp. Họ đặc biệt quan tâm đến sự gia tăng của các “ngân hàng ngầm” (hay tín dụng đen). Thu nhập bình quân thấp phản ánh sự nghèo đói của bộ phận cư dân Trung Quốc không sống nhờ vào vùng biển thiên về xuất khẩu. Điều này đã dẫn đến nhu cầu và tăng trưởng thấp hơn.

Những sai lầm của Trung Quốc cũng tương tự những sai lầm đã xuất hiện ở các quốc gia khác. Năng suất dư thừa và thâm hụt ngân sách ở những doanh nghiệp nhà nước lớn dẫn đến tình trạng tái cấp vốn để che giấu những vấn đề này, tương tự như các tập đoàn doanh nghiệp (keiratsu) của Nhật Bản hay liên kết kinh doanh (chaebol) của Hàn Quốc. Việc chấp nhận nợ trong các giai đoạn tăng trưởng cao cũng tương tự như hoạt động tài trợ thâm hụt của Mỹ trong những năm 1960.

Một khác biệt lớn là giá trị của đồng nhân dân tệ hiện đang được chính phủ nước này quyết định, thay vì do thị trường tiền tệ thế giới. Điều này giúp cho nó không bị đầu cơ.

Sự kiểm soát của chính phủ có thể ít nhất sẽ mang đến thêm thời gian điều hành để giúp nền kinh tế này hồi phục. Cũng có thể rằng, giống như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, giờ đây Trung Quốc đã quá lớn nên không thể nào bị sụp đổ.

Cơ hội

Tin mừng là AIIB sẽ không chỉ phụ thuộc vào sự hào phóng của Trung Quốc. Thật vậy, một lý do khiến Trung Quốc chuyển sang cho vay đa phương là chia sẻ trách nhiệm nhằm ngăn chặn những cáo buộc cho rằng có sự thống trị và chủ nghĩa thực dân trong những khoản tiền họ đổ vào châu Phi.

Quan trọng hơn, Trung Quốc và nhiều đối tác châu Á hiện đang có một phần đóng góp thật sự vào đà phát triển của cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Các dự án sẽ hấp thu một phần công suất dư thừa của Trung Quốc, và các con đường cũng như cảng biển sẽ giúp hoạt động sản xuất và giao thương trong khu vực được dễ dàng hơn. Điều này sẽ mang đến lợi ích cho tất cả cổ đông châu Á, và thậm chí cho cả những quốc gia không phải là thành viên.

Sự hiện diện của Ấn Độ trong tổ chức này là đặc biệt có ích, vì nếu được tiến hành đúng cách, các dự án ở Ấn Độ sẽ được bảo vệ bởi những hợp đồng luật pháp chung. Ngay cả những công ty có kết quả kinh doanh tốt của Trung Quốc cũng có thể mang đến cho họ cơ hội. Trái phiếu của các ngân hàng cũng sẽ đáng được xem xét.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Quỹ Chỉ số Hạ tầng Ấn Độ sẽ tốt hơn với đà tăng trưởng của cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ. Một số ít quỹ khác như iShares Emerging Markets Infrastructure Fund (với 36% danh mục là các công ty Trung Quốc) và Global X Uranium Fund cũng sẽ tốt hơn vì AIIB có thể cung cấp tiền cho các lò phản ứng hạt nhân mới.

Nhã Thanh (Theo Global Risk Insights)

Các tin tức khác

>   Vàng nhảy gần 2% trong tuần tỏa sáng thứ 2 liên tiếp (20/06/2015)

>   Xăng dầu thế giới đồng loạt hạ giá mạnh (20/06/2015)

>   Anh: Chất lượng sống tăng cao thúc đẩy chi tiêu và giá nhà ở (20/06/2015)

>   EU thiệt hại 114 tỷ USD vì cấm vận Nga (20/06/2015)

>   Tổng thống Putin: Kinh tế Nga vẫn ổn bất chấp các lệnh trừng phạt (19/06/2015)

>   Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng không đều (19/06/2015)

>   Dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng (19/06/2015)

>   NHTW Na Uy cắt giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục 1% (19/06/2015)

>   Dầu cao nhất một tuần nhưng vẫn đối mặt với rủi ro sụt giá (19/06/2015)

>   Vàng nhảy vọt hơn 25 USD/oz và vượt 1,200 USD/oz (19/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật