Rắn mất đầu, KSS rồi sẽ ra sao?
BIDV đang cho KSS vay gần 1,000 tỷ đồng
Lãnh đạo bị khởi tố khiến lực bán tháo ở cổ phiếu KSS mỗi lúc mạnh dần lên. Và đến hết phiên hôm qua (10/06) thì bảng điện tử chỉ còn trơ trọi lệnh dư bán sàn lên đến hơn 5.7 triệu cp.
Bắt đầu từ ngày hôm nay (11/06), cổ phiếu KSS chỉ còn được giao dịch vào phiên chiều theo thông báo kiểm soát đặc biệt từ Sở GDCK TPHCM (HOSE).
* Chủ tịch KSS bị khởi tố
Rắn mất đầu
Ngày 9/6/2015, CTCP Khoáng sản Na rì Hamico (HOSE: KSS) đã chính thức thông báo việc ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và bà Hà Thị Thu Huyền - Ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng chính thức bị khởi tố để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân.
Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn cũng vừa tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở của bà Huyền để điều tra về tội danh "làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Cả ông Dĩnh và bà Huyền đều là những thành viên lâu năm tại KSS. Ông Dĩnh đã gắn bó với KSS từ năm 2002 và đang nắm hơn 1.9 triệu cp, tương ứng gần 4.91% tại KSS, trong khi bà Huyền đến với công ty vào năm 2008 và hiện không hề nắm giữ bất kỳ cổ phần nào.
Theo như báo cáo quản trị năm 2014, không chỉ riêng bà Huyền, hầu hết ban lãnh đạo của KSS cũng không nắm giữ cổ phiếu của đơn vị này. Thiếu sự gắn bó của dàn lãnh đạo công ty cùng việc cổ đông nhỏ lẻ (dưới 1%) nắm đến 69.5% sẽ khiến những quyết định mang tính sống còn của KSS sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều vì có thể không có được sự đồng thuận khi tính pha loãng quá cao. Tuy nhiên, điểm nhấn của KSS chính là tính thanh khoản của cổ phiếu, bình quân gần cả triệu đơn vị/phiên trong suốt một năm qua với đặc thù đầu cơ là chính.
Diễn biến giao dịch của KSS trong 1 năm trở lại đây
Được biết, dự kiến vào ngày 15/6 tới, KSS sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 lần 2 tại Bắc Kạn sau khi tổ chức bất thành lần 1. Trước những biến động lớn về nhân sự trong những ngày gần đây, cùng việc doanh nghiệp này chưa tìm được nhân sự thay thế đảm nhận các vị trí, Đại hội tới nhiều khả năng sẽ khó thành công.
Tình hình kinh doanh không có nhiều khởi sắc nếu không phải nói là ngày càng đi xuống khi dòng tiền hoạt động âm liên tục qua nhiều năm khiến giá của cổ phiếu này liên tục rớt thảm trong một năm trở lại đây. Việc lãnh đạo bị khởi tố khiến KSS trong thời gian tới bước vào tình cảnh như rắn mất đầu và cũng có thể được ví như một nút nhấn báo động đỏ nhấn chìm con tàu KSS.
Vay cả núi tiền để nuôi thân rệu rã
Cùng quan sát lại quá trình hoạt động từ lúc niêm yết năm 2010 đến nay, doanh thu của KSS dao động từ 300-400 tỷ, còn lợi nhuận sau thuế chỉ lèo tèo từ 2-10 tỷ đồng khiến biên lãi ròng bình quân của đơn vị này nếu tính riêng 4 năm trở lại đây chỉ dừng đâu đó ở mức 2%.
Song điểm đáng chú ý nhất đối với KSS không hẳn ở kết quả kinh doanh mà phải là lưu chuyển tiền tệ (LCTT). Nếu tính từ năm 2006, tức là trước khi niêm yết khoảng 4 năm, thì KSS có đến 7/9 năm LCTT thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) (thể hiện khả năng tạo tiền từ hoạt động chính) bị âm nặng.
Kết quả kinh doanh và Lưu chuyển tiền tệ tóm tắt của KSS
Ngay cả đến hai năm 2009, 2010 cận kề niêm yết, mặc dù KSS công bố doanh thu và lợi nhuận tăng vọt gấp nhiều lần so với những năm trước đó, song nếu xét kỹ có thể thấy LCTT HĐKD của KSS vẫn âm khá lớn mà nguyên nhân căn cơ đến từ việc gia tăng quá mức các khoản phải thu và hàng tồn kho.
Chính vì vậy, mặc dù doanh thu KSS mỗi năm đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng và có lãi là thế nhưng cái chất của chúng lại chẳng thấy đâu.
Tính đến hết quý 1/2015, chỉ tính riêng hai khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đã chiếm gần 80% tổng tài sản của KSS. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 875 tỷ đồng, chiếm đến 46% tổng tài sản. Phải thu khách hàng và trả trước cho người bán lần lượt là 435 tỷ và 420 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho của đơn vị này cũng chẳng hề kém cạnh khi so với con số cuối năm trước cũng tăng thêm 50 tỷ lên 650 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản của KSS.
Bảng Cân đối Tài chính tóm tắt của KSS
Như vậy dễ dàng thấy, để nuôi sống cho bộ máy của mình trong những năm qua, KSS hầu như phải cậy nhờ đến các khoản vay ngắn và dài hạn. Theo như BCTC quý 1/2015 hiện KSS đang vay nợ gần 1,140 tỷ đồng, gấp đến 2.4 lần vốn chủ sở hữu (473 tỷ đồng). Trong đó, KSS vay 987 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và 52.6 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Vay ngắn hạn và dài hạn của KSS tại 31/03/2015
Kết quả là hầu như năm nào KSS cũng phải còng lưng ghi nhận chi phí lãi vay ngân hàng khá lớn. Tuy nhiên, nhiều khả năng, KSS vẫn chưa thực sự trả được chi phí lãi vay phát sinh của những năm gần đây, bằng chứng là khoản mục Chi phí phải trả ngắn hạn mà phần lớn là chi phí lãi vay đã ghi nhận dồn tích từ năm 2012 là 18.7 tỷ đồng nhưng hiện đã tăng cao gấp 8 lần lên 152.8 tỷ đồng. Khó khăn trong việc trả lãi vay, trong năm 2014 ban lãnh đạo KSS có vẻ đã cơ cấu lại khoản nợ, chuyển bớt một phần sang nợ vay dài hạn để giảm bớt áp lực tài chính.
Ngoài hai khoản vay ngân hàng trên, KSS còn có 100 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 4/4/2014 đã được chuyển đổi hoàn toàn sang cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 494 tỷ đồng.
Song với tình hình kinh doanh chưa kịp khởi sắc thì các chủ nợ tiếp tục rơi vào tâm trạng rối bời khi lần lượt Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng của KSS bị khởi tố liên quan đến việc làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, theo thông tin ban đầu từ việc khởi tố được báo chí đăng tải, ông Nguyễn Văn Dĩnh đã chỉ đạo Kế toán trưởng KSS lập hợp đồng kinh tế khống, hoá đơn GTGT, biên bản đối chiếu công nợ, bản xác nhận khối lượng hàng hoá mua bán, phiếu xuất nhập kho khống... và giấy đề nghị vay vốn, để đề nghị BIDV Bắc Kạn cho vay tiền.
Biến cố lớn tại KSS khiến 80% các cổ phiếu cùng ngành cũng chịu cảnh rớt giá, trong đó phải kể đến như BAM, KTB, KSA, KSQ, KSH...
Xét riêng trường hợp của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (HOSE: KTB), dù rằng chưa thể hiện mối quan hệ ràng buộc rõ ràng nào như đầu tư chéo, sở hữu cổ phần hay có các khoản phải thu phải trả liên quan đến nhau, nhưng việc em ruột của ông Nguyễn Văn Dĩnh là bà Nguyễn Thị Hiên hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của KTB đâu đó có thể là một nguyên nhân ngầm khiến cổ phiếu KTB cũng trầm mình trước áp lực bán sàn.
Gia Nguyên
|