Những chiến lược mới, tham vọng của Tập đoàn Sao Mai
Tập đoàn Sao Mai (ASM) đã có một năm hoạt động kinh doanh 2014 rất khởi sắc với doanh thu Tập đoàn đạt gần 1200 tỷ và lợi nhuận sau thuế 89.2 tỷ, tăng 3.6 lần so với cùng kỳ. Đây là năm ghi dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Tập đoàn Sao Mai khi chuyển cơ cấu từ công ty cổ phần sang tập đoàn sau 18 năm hoạt động.
Tổng tài sản hiện tại tăng gần 50% và vốn chủ sở hũu tăng gần gấp 2 lần. Đóng góp vào lợi nhuận công ty đến từ hai mảng hoạt động lớn là bất động sản và thủy sản. Cùng với hoạt động cốt lõi xây dựng và bất động sản thì trong những năm qua ASM đã phát triển mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu thủy sản và thực phẩm.
Trong giai đoạn thị trường bất động sản chung gặp khó khăn thì ASM vẫn đứng vững nhờ hoạt động thủy sản luôn mang lại nguồn thu ổn định. Xuất khẩu thủy sản đã trở thành một mảng quan trọng trong các miếng ghép của tập đoàn này khi doanh thu thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu.
Khác với một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tập trung mọi nguồn lực cạnh tranh vào một số thị trường chủ lực thì tập đoàn Sao Mai lại mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra trải rộng gần 30 quốc gia từ Bắc Mỹ, Nam và trung Mỹ cho đến các thị trường châu Âu và châu Á vì vậy không bị ảnh hưởng khi một thị trường gặp khó khăn. Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra của Sao Mai chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng giá trị xuất khẩu vì vậy tập đoàn không bị động mỗi khi thị trường Mỹ bị đánh thuế cao.
Điểm nhấn đáng chú ý là trong thời gian qua tập đoàn Sao Mai đã có bước đi tiên phong khá táo bạo khi xâm nhập vào lĩnh vực đang cạnh tranh rất khốc liệt là sản phẩm dầu ăn. Sản phẩm dầu ăn của Sao Mai mang thương hiệu Ranee với thành phần chiết xuất từ dầu cá tra. Đây là nguồn nguyên liệu tập đoàn tận dụng từ nguồn nguyên liệu mỡ cá và phụ phẩm để sản xuất cá tra. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn chăn nuôi thủy sản hàng đầu thế giới vì vậy nguồn nguyên liệu dầu mỡ cá trá cũng rất dồi dào lên đến trên 14% trên trọng lượng cá mà hiện tại rất ít công ty tận dụng hiệu quả. Một số trở ngại trong quá trình tinh chiết dầu cá là việc khử mùi hôi trong cá. Vì vậy nếu chiết xuất thành công sẽ cung cấp một loại dầu ăn mới vừa giảm chất béo lại chứa có chứa các dưỡng chất vừa bổ dưỡng như một loại thực phẩm chức năng.
Sau quá trình 2 năm tìm hiểu và nghiên cứu phát triến tại nhiều viện nghiên cứu dinh dưỡng châu Âu, Sao Mai đã ký hợp đồng với tập đoàn Destmet Balesstra của Bỉ để nhập khẩu công nghệ và thiết bị cho nhà máy tinh luyện 2 thành phẩm là dầu đặc (stearin) cung cấp cho các ngành sản xuất mì ăn liền, kem, bơ, bánh ngọt …và dầu lỏng (olein) cung cấp sản phẩm dầu ăn cao cấp với thương hiệu Ranee và các sản phẩm dầu dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện nay Sao Mai là doanh nghiệp duy nhất chiết xuất dầu cá không còn mùi tanh mà vẫn trọn vẹn các dưỡng chất tự nhiênnhư Omega 3, 6, 9, DHA, vitamin A, E.
Ngoài ra công ty còn cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm để sản xuất các sản phẩm dầu cá. Với lợi thế tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có nên giá thành của Ranee rất cạnh tranh so với các sản phẩm khác. Hiện tại thông qua các kênh tiếp thị chuyên nghiệp thì sản phẩm dầu ăn của tập đoàn đã có một vị trí nhất định trên thị trường. Khi nhà máy hoạt động hết công suất thì mỗi năm có thể mang về cho tập đoàn gần 1,000 tỷ đồng doanh thu.
Ở mảng hoạt động chính xây dựng và bất động sản, chiến lược đầu tư của tập đoàn Sao Mai trong thời gian tới là tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng đô thị cộng với phân lô bán nền tại các thành phố đang phát triển vì đây là một trong những ngành kinh doanh có biên lợi nhuận lớn.
Ngoài các dự án bất động sản tại An Giang như đường giao thông kết hợp Khu dân cư Nam Trà Ôn thì tập đoàn đang mở rộng đầu tư sang một số thị trường phía bắc như Thanh Hóa với khá nhiều sự án lớn như Khu đô thị mới Sao Mai xã Xuân Thịnh – Thọ Dân, Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn – Sao Vàng.
Hai dự án tại tỉnh Thanh Hóa đang triển khai trong năm 2015 có diện tích khá lớn từ 50 đến 70ha. Các dự án này là khu phức hợp bao gồm nhà liên kế, biệt thự và các công trình thương mại, văn hóa phụ trợ. Các dự án có chi phí đầu tư từ 400 - 500 tỷ đồng mỗi dự án và biên lợi nhuận từ các dự án này khá cao từ 30% - 40% dự kiến sẽ mang lại dòng tiền đều đặn cho tập đoàn trong các năm sau.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là nơi tập đoàn An Giang Sao Mai mở rộng mạng lưới hoạt động và một trong những mục tiêu lớn sắp tới là tiến về Cần Thơ với các dự án xây dựng và chuyển nhượng dự án trong thời gian tới. Cần Thơ là một đô thị trực thuộc trung ương và đang có ưu thế về quy hoạch rất tốt. Việc chuyển địa bàn về Cần Thơ cũng là một bước đi táo bạo của tập đoàn Sao Mai nhằm đi trước đón đầu những tiềm năng phát triển của vùng đất này trong tương lai.
Điểm mạnh ở tập đoàn này là ban lãnh đạo khá nhạy bén với tầm nhìn phát triển dài hạn. Cách đây 8 năm tập đoàn Sao Mai đã đầu tư dự án cụm công nghiệp Vàm Cống với mục tiêu chính là để dành đất cho các công ty con sau này có đất xây dựng thành cụm liên hợp nhà máy chế biến thủy sản IDI, nhà máy bột cá Triseco, nhà máy tinh luyện dầu cá, nhà máy chế biến thức ăn cá , nhà máy bao bì…. Việc đầu tư đất đai để dành cho các công ty con giúp cho tập đoàn giảm được rất nhiều chi phí thuê đất lại có thể quản lý tập trung dễ dàng trong quá trình phát triển mở rộng tập đoàn.
Trong chiến lược dài hơn các năm sau, ngoài hai mảng lớn bất động sản và thủy sản, tập đoàn Sao Mai mở rộng mạng lưới sang y tế với dự án lớn đầu tư bệnh viện quốc tế Sao Mai tại Long Xuyên với quy mô trên 500 giường. Song song đó kết hợp với thế mạnh xuất khẩu thủy sản, Sao Mai tiếp tục đầu tư các khu liên hợp công nghiệp và và cảng biển quốc tế IDI tại Đồng Tháp và các khu du lịch nghỉ dưỡng biến vùng đất An Giang thành nơi phát triển về cả du lịch và nghĩ dưỡng.
Theo kế hoạch doanh thu của riêng mảng bất động sản năm 2015 dự kiến đạt 300 tỷ thì hiện tại kết quả 6 tháng tập đoàn đã đạt được khoảng 200 tỷ đồng. Với kế hoạch kinh doanh cả năm 2015 đặt ra là 1,360 tỷ doanh thu và 134 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 150% so với 2014 có khả năng thực hiện và vượt qua dựa trên các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại, bất động sản và xuất khẩu thủy sản vẫn ổn định và tăng trưởng. EPS năm 2015 dự kiến khoảng 1,250.
Tính trên giá trị sổ sách của ASM đến hết quý 1 là 11,900 tương ứng với P/bv khoảng 0.72, khá thấp so với nhiều công ty cùng ngành, đặc biệt là ASM đã nâng lên thành tập đoàn với chiến lược đầu tư đa ngành. Về lãi vay ASM khá linh động trong việc cơ cấu nguồn vốn trong việc phát triển các dự án và tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu được duy trì dưới 50%.
Về giao dịch giá cổ phiếu ASM đã tăng tốc trở lại sau giai đoạn suy giảm 6 tháng vừa qua. Thanh khoản trong 1 tháng gần đây có dấy hiệu tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư đang quan tâm cổ phiếu này với lực mua tăng mạnh. Xét trong chu kỳ dài hạn thì cổ phiếu ASM đang trong chu kỳ tăng trưởng khi đường giá đã cắt EMA 200 và xu thế tăng dài hạn đã hình thành từ đầu 2014 đến nay. Với các chiến lược phát triển đồng bộ và rõ ràng trong từng giai đoạn cùng khả năng đón đầu thị trường nhạy bén, ASM thích hợp cho việc đầu tư trung và dài hạn cho thời gian tới.
Quỳnh Chi
|