"Món hời" lớn của Trung Quốc từ kênh đào Nicaragua
Trung Quốc là nước cấp phần lớn tín dụng cho dự án kênh đào Nicaragua và tập đoàn HKND được lựa chọn là đơn vị tổng thầu.
Bộ trưởng Chính sách công Nicaragua Paul Oquist ngày 5/6 cho biết, rất nhiều nhà thầu xây dựng Trung Quốc đã ngỏ ý tham gia thi công Kênh đào Nicaragua nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.
Tuần trước, dự án có vốn đầu tư ước tính lên tới gần 50 tỷ USD này đã hoàn thành xong phần nghiên cứu tác động môi trường kéo dài gần hai năm và được coi là gây nhiều tranh cãi nhất.
Ước tính, Kênh đào Nicaragua sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2020, với khoảng 5% hàng hóa thương mại toàn cầu sẽ lưu thông qua tuyến vận tải này, làm tăng gấp đôi GDP của quốc gia Trung Mỹ này, tạo 250.000 việc làm và giúp giảm tỷ lệ người sống dưới chuẩn nghèo từ 14,6% xuống còn 7,2%.
Theo Hiệp nghị được ký kết giữa Tổng thống Nicaragua với của tỷ phú người Hoa Vương Tĩnh, người đứng đầu HKND, công ty của Trung Quốc được ưu đãi trao cho quyền xây dựng và quản lý kênh cùng các dự án liên quan trong thời hạn 50 năm.
Tuy nhiên hợp đồng còn có những điều khoản mở có lợi cho công ty Trung Quốc. Chính quyền Nicaragua đã cho phép Công ty HKND được quyền gia hạn thêm 50 năm nữa và xây dựng dọc theo tuyến kênh này 2 khu mậu dịch tự do, 1 đường ống dẫn dầu, 1 sân bay và 1 tuyến đường sắt.
Về phía Nicaragua, họ sẽ được nhận 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động và tỷ lệ lợi nhuận được hưởng sẽ tăng 10% sau mỗi thập kỷ và sẽ đạt 100% sau 100 năm. Như vậy, sau 100 năm Nicaragua mới chính thức lấy lại quyền quản lý con kênh của mình.
Ông Petr Yakovlev - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Iberia, Viện Mỹ Latinh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, đối với Trung Quốc, kênh đào mới có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cả về kinh tế, quân sự và địa-chính trị. Nếu thành công, Bắc Kinh có thể cạnh tranh sòng phẳng với Washington ngay tại “sân sau” của Mỹ.
Ông nhấn mạnh: “Con kênh này sẽ giảm chi phí và mở rộng thương mại với các nước cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp của Trung Quốc như Venezuela, Brazil, Argentina và Colombia. Khả năng chuyển hướng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, do nước này sẽ điều hành kênh đào mới”.
Minh Thái (Tổng hợp)
Đất Việt
|