Thứ Năm, 18/06/2015 10:00

Giải mã những khoản cổ tức tiền mặt khủng!

Đối với cổ đông, cổ tức tiền mặt khủng luôn là điều đáng mừng, bởi đó là “tiền tươi thóc thật”. Tuy nhiên, xét đến doanh nghiệp, liệu trả cổ tức khủng hàng năm có phải là một tín hiệu tốt?

Chính sách cổ tức là một trong ba quyết định tài chính quan trọng của doanh nghiệp, bên cạnh hai quyết định quan trọng là đầu tư và tài trợ. Về lý thuyết, thông thường một doanh nghiệp có chính sách chi trả cổ tức khủng là khi đã bước vào giai đoạn bão hòa, lĩnh vực kinh doanh không còn dư địa tăng trưởng nhưng có nguồn tiền khá dư dả nhờ tích lũy từ các giai đoạn trước; ngược lại doanh nghiệp đang nằm trong giai đoạn tăng trưởng thường giữ lại phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển hơn nữa. Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn vốn huy động từ vay, phát hành thì việc thanh toán cổ tức tiền mặt lớn hoàn toàn có thể xảy ra. Dẫu vậy thực tế, bên cạnh mục tiêu vì hoạt động kinh doanh, khả năng huy động vốn thì có muôn vàn lý do khác để thanh toán cổ tức khủng.

Đối với những doanh nghiệp có cổ đông nắm phần lớn vốn thì sức ép cổ tức tiền mặt không hề nhỏ. Có những trường hợp, cổ đông lớn đôi lúc sẽ vì lợi ích của riêng mình mà gây sức ép buộc doanh nghiệp phải thanh toán cổ tức khủng và bỏ qua các cơ hội nâng cao giá trị doanh nghiệp từ dự án tiềm năng.

Cổ tức cao là điều đáng mừng, nhưng chi đến trọn vẹn hay vượt vốn điều lệ thì quá khủng. Trên sàn chứng khoán hiện nay, không hiếm doanh nghiệp duy trì mức cổ tức lớn cho cổ đông và mức cổ tức khoảng 20% đến 40% là khá phổ biến. Đồng thời cũng có những trường hợp cá biệt chi rất mạnh tay, mức cổ tức thanh toán đưa ra tương đương vốn điều lệ hay gấp đôi cả con số này.

KDC – Bán mảng kinh doanh chính, chia cổ tức 200%

Kinh Đô (HOSE: KDC) là một trường hợp điển hình. Đầu tháng 3 vừa qua, KDC gây xôn xao thị trường bởi việc HĐQT trình cổ đông phương án thanh toán cổ tức 200%, tức tương đương 20,000 đồng/cp. Hiển nhiên, với mức thanh toán này, cổ đông đã thống nhất thông qua. Với 235 triệu cổ phiếu đang lưu hành, KDC sẽ phải chuẩn bị nguồn tiền mặt lên đến 4,700 tỷ đồng để thực hiện cam kết cổ tức với cổ đông, tương đương doanh thu đạt được trong một năm.

Soi BCTC quý 1/2015, KDC hoàn toàn dư nguồn lực để thực hiện bởi lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/03/2015 lên đến 1,111 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền 1,722 tỷ đồng. Những con số ấn tượng này một phần đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng đều hàng năm, nhưng phần chính đến từ việc bán 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương (là đơn vị mà KDC đã chuyển toàn bộ mảng kinh doanh bánh kẹo) với giá chuyển nhượng 7,847 tỷ đồng.

Đồng hành với điều này, KDC cũng chuyển hướng kinh doanh từ bánh kẹo - lĩnh vực tạo nên thương hiệu Kinh Đô sang ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Mới đây, HĐQT KDC trình kế hoạch kinh doanh gồm lãi trước thuế 2015 nhảy vọt lên 6,500 tỷ đồng nhưng doanh thu lại giảm 40% xuống còn 3,000 tỷ đồng. Hướng đi mới vẫn cần thời gian để đem lại hiệu quả, lợi nhuận trong kỳ chủ yếu đến từ nguồn tiền dư giả sau khi bán mảng bánh kẹo.

“Gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông lớn

Nói đến cổ tức khủng, không thể không nhắc đến Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (HOSE: NCT), một đơn vị mới lên sàn vào đầu tháng 3 năm nay. Từ năm 2011 đến nay, cổ tức của NCT luôn trên 100%, đỉnh điểm là năm 2013 với 236% và cổ tức dự kiến năm 2015 là trên 100%. Hay Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) thanh toán cổ tức năm 2014 ở mức 115%, chia làm 3 đợt; năm 2013 cũng thanh toán 67.5% cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Đình đám không kém, SXKD & XNK Bình Thạnh (HOSE: GIL) vào cuối tháng 3 đã mạnh tay thanh toán 20% cổ tức còn lại của năm 2013 và 30% cổ tức tiền mặt đợt 1/2014. Sắp tới đây cuối tháng 6/2015, cổ đông GIL sẽ tiếp tục được nhận thêm 50% cổ tức tiền mặt nữa. Như vậy, xét ra tổng cổ tức mà GIL thực hiện chia trong vòng 3 tháng đã tương đương 100% vốn điều lệ. Nhìn lại các năm trước, hầu như năm nào GIL cũng chia cổ tức, có năm tỷ lệ chia lên đến trên 60%.

Một điểm chung của NCT, MAS, GIL là nhu cầu đầu tư thấp. NCT, MAS là các đơn vị cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hàng không. Đây là một lĩnh vực đặc thù, cho nên việc mở rộng đầu tư là một vấn đề khá khó khăn, bởi những rào cản về chính sách như Chính phủ siết chặt quy định sử dụng vốn nước ngoài vào các dự án phát triển hàng không. Đối với GIL, khá khác biệt so với các năm trước, nhu cầu đầu tư năm 2015 chỉ khoảng 30 tỷ đồng để nâng cao năng suất trong khi các năm trước ngân sách đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng (không xét đầu tư bổ sung vốn lưu động).

Bên cạnh kết quả kinh doanh ổn định, tăng trưởng đều hàng năm thì cả 3 doanh nghiệp đều có các cổ đông lớn nắm phân nửa vốn. Như NCT có cổ đông lớn là Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 55.13%; MAS có cổ đông nhà nước nắm 36% vốn; GIL thì riêng Chủ tịch Lê Hùng và các công ty liên quan đã nắm gần 29% vốn, SSIAMSSI nắm gần 20% vốn (tương ứng với giá trị cổ tức nhận được lần lượt 40 tỷ và 28 tỷ).

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   Hãng Apple bắt đầu suy thoái sau thời kỳ tăng trưởng "nóng"? (05/03/2016)

>   VC9: 24/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt 2014, tỷ lệ 10% (17/06/2015)

>   AGF: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (17/06/2015)

>   CEC: 26/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt 2014, tỷ lệ 20% (17/06/2015)

>   L44: 25/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt 2012 và 2013, tổng tỷ lệ 17% (16/06/2015)

>   VHC: 22/07 thanh toán cổ tức tiền mặt năm 2015 tỷ lệ 10% (17/06/2015)

>   IN4: 22/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt đợt 2/2014, tỷ lệ 17% (16/06/2015)

>   STP: Thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện phát hành cổ phiếu quỹ thưởng cho cổ đông hiện hữu (16/06/2015)

>   NKG: Nộp hồ sơ phát hành gần 3.2 triệu cp để trả cổ tức (17/06/2015)

>   BTC: 22/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt đợt 3/2014, tỷ lệ 50% (16/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật