Doanh nhân vào Quốc hội để làm gì?
Trong bốn vị doanh nhân tự ứng cử vào Quốc hội đương nhiệm, chỉ còn duy nhất một người điểm danh đều đặn tại kỳ này...
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, chất lượng những người tự ứng cử được đánh giá là cao hơn nhiều so với khóa trước.
|
Giữa tuần này, Quốc hội khóa 13 sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga.
Bà Nga là một trong bốn vị - đều là doanh nhân - tự ứng cử và đã trúng cử vào Quốc hội đương nhiệm.
Trong bốn chiếc ghế đó, chỉ còn duy nhất một chiếc có người điểm danh đều đặn tại kỳ này, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội - doanh nhân Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương.
Ba vị còn lại, một vị là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng đã mất trước kỳ họp thứ 8.
Vị thứ hai - đại biểu Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ Á, theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, thì vắng mặt từ đầu kỳ họp thứ 9 vì lý do sức khỏe.
Người thứ ba chính là bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất, hiện đang bị tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, chất lượng những người tự ứng cử được đánh giá là cao hơn nhiều so với khóa trước. Và tỷ lệ trúng cử cũng cao hơn gấp 4 lần khóa 12, và đặc biệt cả 4 vị đều là doanh nhân.
Kết quả này cũng góp phần đưa tỷ lệ đại biểu - doanh nhân tại Quốc hội khóa 13 lên cao nhất từ trước đến nay, với 38 người.
Rồi, tại kỳ họp thứ 3, vị đầu tiên được đưa ra bãi nhiệm, là một nữ doanh nhân. Khi ấy, những câu hỏi về quá trình hiệp thương, vận động bầu cử, thẩm tra tư cách đại biểu và cả động cơ vào Quốc hội cũng từng được đặt ra, cả trong và ngoài nghị trường.
Và lần này, khi có thêm một nữ doanh nhân nữa được đề nghị Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu, những câu hỏi trên lại trở lại, ở mức độ khác.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo - đại biểu cùng đoàn Hà Nội với bà Nga - cho biết, từ năm 2013 đã có nhiều đơn phản ánh được nạn nhân của bà Nga gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Theo kết quả thanh tra của thành phố Hà Nội, đơn phản ánh của cử tri, nhân dân là đúng. Dự án mà bà Nga thực hiện mới chỉ có chủ trương để xây nhà tái định cư 13 tầng nhưng bà Nga đã lập thành dự án nhà thương mại với 33 tầng, đã rao bán hết và số người nộp tiền (theo đơn của nhóm người bị hại) là 1.036 người là nạn nhân, số tiền đã thu là hơn 400 tỷ.
Ban công tác đại biểu đã mời bà Nga đến làm việc, đoàn đại biểu Hà Nội cũng đã mời đến và bà Nga hứa sẽ khắc phục, nhưng đến phút chót, khi bị khởi tố, bà Nga đã thừa nhận mất khả năng chi trả.
Điều đáng buồn được ông Thảo nhấn mạnh đó là, một doanh nhân khi trúng cử đại biểu Quốc hội thì càng phải gương mẫu, chứ không phải trúng cử để rồi lợi dụng danh nghĩa đại biểu làm những việc mất uy tín.
“Cử tri, người bị hại gửi đơn đến tôi có nói, do chúng tôi tin tưởng người đã được tổ chức lựa chọn, trở thành đại biểu Quốc hội, nên chúng tôi mới trao gửi tài sản với hy vọng có nhà để ở, nay lại mất trắng”.
Bởi vậy, cho dù chưa có kết quả xét xử, nhưng bà Nga đã rơi vào trường hợp không còn đủ tín nhiệm với nhân dân, đã đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm nên Quốc hội cần phải thực hiện, nếu không cử tri vẫn nghĩ đó là đại biểu Quốc hội, ông Thảo giải thích thêm.
Doanh nhân Phan Văn Quý - người duy nhất trong số bốn vị tự ứng cử còn giữ nhịp nghị trường - chia sẻ rằng ông cũng thấy buồn trước không ít tai tiếng từ một số vị doanh nhân, không chỉ riêng bà Nga.
Theo ông, nếu trước khi ứng cử mỗi người không thể tự trả lời thật thấu đáo là vào Quốc hội để làm gì, và nếu là doanh nhân mà suy nghĩ và hành động không vượt được lên trên lợi ích của cá nhân, của cộng đồng doanh nghiệp, thì khó có thể hoàn thành vai trò đại diện cho nhân dân.
Nhìn từ căn nguyên, đại biểu Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, cho rằng không nên đặt ra quá nhiều cơ cấu hay công thức hóa đại biểu Quốc hội.
Mà, người đại diện cho dân trước hết phải có năng lực lập pháp, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và có năng lực giám sát. Có ba năng lực đó thì hãy nghĩ đến việc tham gia Quốc hội.
Nguyên Thảo
vneconomy
|