ĐHĐCĐ SMA: Cổ đông vẫn bức xúc chuyện cổ tức!
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Thiết Bị Phụ Tùng Sài Gòn (HOSE: SMA) sáng ngày 26/6 diễn ra trong không khí cực kỳ căng thẳng khi hàng loạt vấn đề nội tại của doanh nghiệp đều được cổ đông đưa ra mổ xẻ đến tận cùng. Những vấn đề bức xúc chủ yếu xoay quanh câu chuyện về cổ tức, hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại…
Chậm trả cổ tức đến khi nào?
Tại đại hội, một số nhóm cổ đông rất bức xúc trước việc trì hoãn trả cổ tức của những năm 2012, 2013, 2014 và hoài nghi về việc HĐQT dùng tiền sai mục đích tổn hại đến quyền lợi của cổ đông.
Một vị cổ đông dẫn giải theo Luật Doanh nghiệp mới được áp dụng từ tháng 7/2015. Trong đó, quy định chi tiết về việc doanh nghiệp niêm yết phải chi trả cổ tức cho cổ đông chậm nhất là 6 tháng sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Trong trường hợp SMA tiếp tục chậm trả cổ tức thì khoản cổ tức đó phải được tính theo lãi suất chậm trả theo như những khoản vay mà doanh nghiệp đang đi vay ngân hàng.
Thật ra, câu chuyện cổ tức không phải là vấn đề mới của SMA, vì nhìn lại trong những năm qua, HĐQT SMA đã hứa trả cổ tức đến… những 10 lần, sau đó mới trả được một phần cổ tức của năm 2011.
Trả lời trước những bức xúc của cổ đông, ông Hiền cho biết bản thân ông cũng đang là người nắm giữ lượng lớn cổ phần nên việc SMA hoạt động không hiệu quả, không cân đối đủ dòng tiền để trang trải cổ tức phần nào chính quyền lợi của ông cũng bị ảnh hưởng.
Bản thân ông Hiền tại Đại hội lần này cũng chưa dám hứa chắc chắn sẽ trả hết cổ tức cho cổ đông trong năm nay hay không. Dẫn chứng từ những điều tiếng xấu mà SMA phải gánh chịu trong năm qua, ông Hiền chia sẻ “nếu hứa mà không làm được, trì hoãn mãi sẽ thành… một “cục hứa”, uy tín của doanh nghiệp vì thế mà rớt thảm”.
Ngoài ra, nói thêm về tình cảnh của doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn như ngày hôm nay, ông Hiền cho biết, trong giai đoạn 2009, SMA tập trung nguồn lực để xây dựng nhà máy thủy điện. Lúc bấy giờ, ban lãnh đạo SMA dự tính sẽ kêu gọi vốn góp từ cổ đông thông qua việc phát hành tăng vốn. Song do thị trường giảm mạnh khiến việc kêu gọi vốn khó khăn, SMA phải lận đận tìm nguồn vốn vay đối ứng ở nhiều nơi mới hoàn thành được dự án thủy điện.
Nói thêm về vấn đề dòng tiền trong năm 2015, vì ngoài vấn đề cổ tức hiện doanh nghiệp cũng đang gánh lãi trái phiếu 20 tỷ đồng trong năm nay. Ông Hiền cho biết hiện ông cùng ban lãnh đạo SMA đã nghĩ đến 2 phương án. Thứ nhất, SMA sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lần 2 và đảo nợ cho các món vay của ngân hàng. Còn phương án thứ hai sẽ bán nhà máy thủy điện để tất toán các khoản nợ. “Thực ra, đến thời điểm hiện tại nhà máy thủy điện đã có nhiều đối tác đến đề xuất mua lại, song với mức giá họ đưa ra thấp hơn giá vốn xây dựng, ban lãnh đạo chúng tôi vẫn không nhất trí” ông Hiền chia sẻ thêm về phương án 2.
Biên lãi gộp mảng thương mại vỏn vẹn… 0.4% nhưng vẫn phải giữ!
Trong năm 2015, cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện dự kiến tăng 10% so với năm 2014 và đạt 70 tỷ đồng. Kế hoạch lãi trước thuế gần 15.3 tỷ đồng và cổ tức dự kiến là 6%.
Song chú ý rằng, gần 4 năm trở lại đây, ban lãnh đạo SMA đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế nhưng tất cả đều không đạt được như dự kiến ban đầu. Điều này cũng nhận được sự hoài nghi và thắc mắc của cổ đông về cơ sở để SMA lập nên kế hoạch trong năm nay.
Tại Đại hội nhiều cổ đông bộc lộ rõ sự lo âu vì nguồn lợi nhuận hầu hết của SMA trong những năm qua chủ yếu đến từ nhà máy thủy điện Đak Glun. Trong khi đó, mảng kinh doanh thương mại nhiều năm qua ghi nhận biên lãi gộp và tỷ suất sinh lợi đang rất thấp, thậm chí còn thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng, vậy thì lý do gì SMA không mạnh dạn cắt bỏ?.
Lời của vị cổ đông này không phải không có cơ sở vì theo như BCTC hợp nhất năm 2014, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu đến từ doanh thu từ việc bán hàng hóa, gần 716 tỷ đồng, chiếm đến 90%. Song giá vốn tương ứng chiếm đến 713 tỷ đồng, khiến biên lãi gộp của mảng này chỉ còn vỏn vẹn… 0.4%.
Chi tiết Doanh thu thuần và Giá vốn hàng bán của SMA trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2014
Tuy nhiên, ông Hiền khá cương quyết khi cho rằng SMA khó có thể cắt bỏ mảng kinh doanh thương mại được. Vì đây là có thể xem là hoạt động chính của doanh nghiệp với nguồn dữ liệu khách hàng mà SMA xây dựng từ lâu. Ngoài ra, quy mô doanh thu của hoạt động này không thể giảm ngay trong thời gian ngắn vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng đi vay vốn từ ngân hàng của SMA trong thời gian tới.
Còn về mảng thủy điện, ông Hiền cho biết thực chất vẫn còn đang lỗ do chi phí lãi từ các món vay của giai đoạn trước giờ bắt đầu ghi nhận nhưng lại không phải cho dự án. Chính vì vậy nếu tính đúng trừ đi khoản lãi vay này thì dự án thủy điện vẫn lỗ. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhà máy không đủ sức nước để vận hành trong những tháng này.
Năm 2014: Khó khăn chất chồng!
Trong năm 2014, doanh thu của SMA đạt 794.5 tỷ đồng tăng nhẹ 2% so với năm 2013. Sản lượng điện đạt 78.29/75.81 triệu Kwh, vượt 7% so với công suất thiết kế; do công tác vận hành hợp lý, cộng với lượng nước năm 2014 tương đối nhiều nên doanh thu bán điện đạt 64 tỷ đồng vượt 4% kế hoạch.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, SMA vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn tại như chỉ thực hiện được 42% kế hoạch lợi nhuận đề ra 15.6 tỷ đồng, ảnh hưởng đến cổ tức của cổ đông khiến giá trị cổ phiếu SMA sụt giảm, chưa tái cấu trúc được toàn diện vấn đề tài chính của công ty. Bên cạnh đó, SMA vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn cho hoạt động kinh doanh thương mại và gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư. Ngoài ra, hiện SMA còn nợ cổ tức 2012 và 2013 với tổng số tiền gần 12.5 tỷ đồng và hơn 20 tỷ trái phiếu phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện. Đội ngũ cán bộ chủ chốt vẫn còn thiếu, yếu khiến năng suất lao động chưa cao cũng như chưa tìm được yếu tố mới trong kinh doanh thương mại.
Một điểm đáng chú ý nữa đối với SMA là khoản phải thu, phải trả tăng cao chóng mặt. Cụ thể, khoản phải thu tăng từ 131 tỷ lên 200 tỷ đồng vào cuối năm 2014, còn khoản phải trả cũng tăng mạnh từ 86 tỷ lên gần 114 tỷ đồng. Chính điều này đã khiến cổ đông ít nhiều lo lắng về việc khả năng nợ xấu khoản phải thu phát sinh, ảnh hưởng đến dòng tiền trong những năm tới khi SMA đột ngột mở rộng tín dụng, chính sách bán hàng. Đặc biệt còn liên quan đến khả năng trả cổ tức cho cổ đông.
Giải trình khá chóng vánh điều này trước đại hội, ông Hiền cho rằng, SMA là doanh nghiệp thương mại việc gia tăng các khoản phải thu, phải trả là điều hết sức bình thường.
HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2015-2020) ra mắt đại hội
|
Nhóm cổ đông lớn ứng cử đại diện vào HĐQT
Đại hội lần này của SMA cũng đã bầu lại HĐQT cho nhiệm kỳ mới (2015 – 2020). Theo đó, một nhóm cổ đông lớn đã ứng cử ông Nguyễn Cao Kỳ, hiện đang là Giám đốc của Công ty phân phối nguyên liệu công nghiệp Dầu khí vào SMA. Với động thái trên, đại diện nhóm cổ đông cho biết muốn hiểu hơn về tình hình kinh doanh để sau đó góp sức vào việc vận hành hiệu quả hoạt động cho SMA.
Theo kết quả bầu cử cho nhiệm kỳ mới, ông Nguyễn Đình Hiền tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc SMA, ông Nguyễn Cao Kỳ cũng được bổ nhiệm trở thành Thành viên HĐQT độc lập của SMA. Các thành viên còn lại đa phần đều là những gương mặt cũ của HĐQT.
|
Gia Nguyên
|