Thứ Tư, 17/06/2015 14:23

ĐHĐCĐ PNC bất thành: Mâu thuẫn trong HĐQT đã lên đỉnh điểm

Sáng ngày 17/06, ĐHĐCĐ thường niên 2015 lần 1 của CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) đã không tổ chức thành công khi tỷ lệ tham dự chỉ có 36.1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nguyên nhân một phần xuất phát từ những mâu thuẫn trong HĐQT thời gian gần đây và nhóm cổ đông lớn nắm khoảng 65% vốn đã vắng mặt.

Đại hội bất thành vì mâu thuẫn các thành viên trong HĐQT

Tuy đại hội bất thành nhưng bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch PNC đã công khai trước các cổ đông về những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm giữa các thành viên trong HĐQT thời gian gần đây.

Cụ thể, bà Lệ cho biết 2 thành viên HĐQT là Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Quỳnh và Thành viên Phạm Uyên Nguyên trong những cuộc họp gần đây không được HĐQT ủng hộ và đã có những mâu thuẫn, gây ra những khó khăn trong các quyết định của Công ty. Đơn cử việc ông Quỳnh và ông Nguyên phê bình ban điều hành đã bán tác quyền karaoke những tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An (đã được PNC mua độc quyền toàn bộ) cho Icore và điều này gây thiệt hại cho PNC. Ban lãnh đạo đã có giải trình nhưng không được 2 thành viên này công nhận.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 (lần 1) này 17/06 của PNC bất thành khi chỉ có 36.1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

2 thành viên HĐQT cho rằng PNC bán bản quyền tác phẩm cho Icore gây thiệt hại đến Công ty nhưng không có kết luận thiệt hại cụ thể như thế nào.

Bên cạnh đó, vào ngày 12/06, HĐQT PNC có nhận được 1 bản kiến nghị một số cổ đông đại diện trên 10% vốn về việc đưa 2 nội dung vào ĐHĐCĐ thường niên, theo bà Lệ thì đây là kiến nghị của ông Quỳnh và ông Nguyên. Trong đó, đề nghị bãi nhiệm HĐQT hiện tại và bầu mới trong đại hội 2015 và Tổng Giám đốc (TGĐ) điều hành phải do HĐQT và ĐHĐCĐ gần nhất bổ nhiệm, phê chuẩn.

Trường hợp TGĐ không được đại hội phê chuẩn thì đề xuất TGĐ dự bị, nếu kết thúc đại hội mà TGĐ không được phê chuẩn thì vị trí này để khuyết và ban lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty liên quan đến việc này.

Tuy nhiên tại Đại hội hôm nay, một trong hai thành viên này là ông Phạm Uyên Nguyên (nắm 10.52% vốn) cùng nhóm cổ đông liên quan khác nắm quyền chi phối 65% (theo một Thành viên HĐQT PNC cho biết) vốn tại PNC đã không có mặt khiến tỷ lệ tham dự chỉ đạt trên 36%. Theo đó, bà Lệ cùng một số cổ đông sáng lập khác của PNC cho rằng 2 thành viên này không tôn trọng HĐQT khi chính họ tự đề xuất nội dung đưa vào đại hội nhưng lại không tham gia Đại hội.

Hiện nay, yêu cầu của nhóm cổ đông đối với 1 doanh nghiệp là bình thường nhưng đối với PNC thì lại không bình thường, sự tôn trọng của cổ đông không cao khi không tham dự đại hội, mục đích việc làm này là không rõ ràng”, bà Lệ phát biểu.

Một cổ đông sáng lập của PNC, hiện sinh sống bên Úc cảm thấy rất bức xúc khi người đề xuất vấn đề cho đại hội lại vắng mặt và khiến đại hội không được thành công. Với ngành nghề kinh doanh của PNC, nếu như ở nước ngoài thì các công ty đã chết hết, PNC còn đứng được như ngày hôm nay là điều mà cổ đông cảm thấy đáng quý. “Nếu để ông Quỳnh lên quản lý thì đảm bảo 2 hay 3 năm sau Công ty sẽ tan hoang”, cổ đông phát biểu.

Từ câu chuyện bổ nhiệm Tổng Giám đốc

Trước đây, bà Lệ nắm giữ chức chủ tịch kiêm TGĐ PNC, đến năm 2013 thì Công ty có bổ nhiệm một cá nhân người nước ngoài làm TGĐ. Tuy nhiên sau 2 tháng đã từ nhiệm do không thỏa thuận được các điều lệ với PNC.

Khi đó, ông Quỳnh đề cử ông Nguyên làm TGĐ nhưng HĐQT thấy ông Nguyên không có kinh nghiệm trong việc điều hành kinh doanh, đặc biệt là ngành kinh doanh sách vở, văn hóa tri thức nên không thông qua. Bà Lệ cho hay, HĐQT hết sức ủng hộ cho ông Quỳnh đề xuất người phù hợp nhưng không tìm được người. Đến tháng 2/2015, HĐQT đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hoạt làm TGĐ, vừa là cổ đông sáng lập vừa là đại diện cho cổ đông nhà nước tại PNC (khoảng 5.5% vốn).

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh trước đây ông từng làm Phó TGĐ Saigon Gas, Phó TGĐ CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và hiện là Phó Chủ tịch PNC. Được biết ông Quỳnh cũng đang là thành viên HĐQT kiêm TGĐ CTCP Nhiên Liệu Sài Gòn (SFC). Theo báo cáo thường niên 2014 của PNC, ông Quỳnh nắm 1.26% vốn PNC.

Ông Phạm Uyên Nguyên trước đây là phó trưởng Ban thẩm định Quỹ đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM (Hifu), Giám đốc CN TP.HCM-CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS), cố vấn cao cấp của VinaCapital Investment Management Ltd và hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm TGĐ CTCP Quản lý Quỹ Hợp lực Việt Nam (Hợp Việt) cùng thành viên HĐQT PNC. Ông Nguyên nắm hơn 1.1 triệu cp PNC, tương đương 10.52%.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Hoạt làm Thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ của PNC từ năm 1982.

Trong thời gian làm TGĐ, ông Hoạt có ký quyết định bổ nhiệm chức vụ giám đốc tại Công ty thành viên của PNC cũng như các trưởng phòng của PNC. Theo điều lệ 16 năm qua của PNC thì việc này do TGĐ toàn quyền ký bổ nhiệm nếu tìm được người có năng lực mà không phải thông qua HĐQT.

Tuy nhiên, ông Quỳnh lại cho rằng việc này phải công khai trước các cuộc họp HĐQT để tất cả các thành viên đều được biết. Ông Quỳnh cho hay, mặc dù đang làm Thành viên HĐQT nhưng lại không biết ai đang làm Giám đốc Công ty Sách Phương Nam (PNB – Công ty con của PNC), ông mong muốn PNC hoạt động bình thường, hiệu quả và minh bạch trong việc quản lý. “Tất cả những người đang là cổ đông lớn này không muốn tham gia vào ban điều hành mà chỉ muốn Công ty hoạt động tốt”, ông Quỳnh phát biểu với tư cách là người đại diện cho nhóm cổ đông lớn.

Ông Quỳnh cũng tỏ ra khá bức xúc với ban lãnh đạo hiện tại của PNC khi cho rằng HĐQT hiện nay không thực hiện tốt vai trò điều hành, khiến PNC lỗ lũy kế hơn 60 tỷ đồng (tính đến 31/03/2015), mất đến 54% vốn điều lệ. Theo ông cần bãi nhiệm để bầu ra các thành viên mới bằng cách đưa nội dung bãi nhiệm HĐQT vào ĐHĐCĐ thường niên 2015 và nhóm cổ đông sẽ đề cử các thành viên mới cho HĐQT.

Thế nhưng khi đưa ra đề xuất này thì những nhóm cổ đông lớn, trong đó có ông Nguyên đang nắm hơn 10% PNC đã không tham dự đại hội. Bà Lệ cho rằng “Chính quý vị đề nghị và không đi họp thì chứng tỏ quý vị phủ định đề nghị”.

Bà Lệ cùng ông Hoạt cho hay, kiến nghị chính thức của nhóm cổ đông lớn về việc bầu mới HĐQT chỉ mới được đưa cho bà vào ngày thứ 6 (12/06) trong khi Đại hội tổ chức ngày 17/06. Một số thành viên HĐQT khác lại hiện đi công tác nước ngoài, thời gian quá gấp nên không đủ để ban lãnh đạo xem xét kiến nghị đúng hay sai, do đó chưa thể đưa vào tờ trình Đại hội.

Năm 2015, HĐQT PNC trình cổ đông đặt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2014 và lãi trước thuế 10 tỷ đồng. Công ty dự định sẽ đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ theo xu hướng trung tâm thương mại (Vincom, Aeon…) doanh thu tăng trưởng 15%. Ngoài ra mở rộng kênh bán hàng, đa dạng hóa dịch vụ; hoàn thiện hệ thống Bookcaffe; phát triển kinh doanh lĩnh vực giải trí – truyền thông – phát hành phim nhựa chiếu rạp; đẩy mạnh mua bản quyền.

* PNC: Giá mua hàng tăng mạnh, quý 1 lỗ gần 4 tỷ đồng

Cuối đại hội, bà Lệ cho hay Ban lãnh đạo sẽ sớm có thông báo về thời gian tổ chức đại hội lần 2 cho các cổ đông biết, thông tin sẽ được đăng tải trên website công ty.

Cổ đông nhỏ ủng hộ ban lãnh đạo hiện tại

Tại Đại hội, có khá nhiều cổ đông nhỏ đã lên tiếng ủng hộ ban lãnh đạo hiện tại. Theo các cổ đông, giá trị mà thương hiệu PNC có được hiện nay lớn hơn tiền rất nhiều. PNC tạo ra giá trị tinh thần, những giá trị khác biệt phục vụ người Việt Nam mà tiền không thể mang lại được. Mong muốn phát triển ngoại văn và tạo ra khác biệt đã đưa thương hiệu PNC ra thế giới, nhiều nhà xuất bản lớn như McGraw Hill khá bất ngờ khi ở Việt Nam có 1 nhà sách như PNC. Bên cạnh đó, việc tuân thủ bản quyền của PNC cũng được các nhà xuất bản đánh giá cao.

Trần Hạnh

Các tin tức khác

>   TMT: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 10 (17/06/2015)

>   Vinatex: Lãi ròng quý 1 đạt 54 tỷ đồng (17/06/2015)

>   PAN: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2015 (17/06/2015)

>   PAN: Đính chính số liệu BCTC HN quý 1.2015 (17/06/2015)

>   PMS: Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (17/06/2015)

>   Danh sách các CTNY đã nộp BCTC quý 1,2015 (tính đến hết ngày 16/06/2015) (17/06/2015)

>   GLT: Báo cáo thường niên 2014 (17/06/2015)

>   TH1: ĐHĐCĐ thường niên 2015 đến quý 3 mới tổ chức (17/06/2015)

>   ĐHĐCĐ FDC: Dự án còn “án binh”, doanh thu 2015 chủ yếu từ đầu tư tài chính (16/06/2015)

>   ARM: Nghị quyết Hội đồng Quản trị (16/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật