[Bài cập nhật]
ĐHĐCĐ KDC: "3 năm tới sẽ quay lại mức lợi nhuận 600 tỷ đồng"
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) tổ chức sáng ngày 26/06, ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cam kết với cổ đông trong 3 năm sẽ quay lại mức lợi nhuận 600 tỷ đồng. Hiện KDC đang tập trung đầu tư các mảng sản phẩm mới là kế hoạch lãi 2015 hầu hết từ việc bán mảng bánh kẹo.
12h30: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.
11h25: Ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KDC cam kết với cổ đông trong vòng 2 năm quay lại doanh số 5,000 tỷ đồng và trong 3 năm sẽ quay lại mức lợi nhuận 600 tỷ đồng như trước đây.
Lãi 2015 hầu hết từ thu nhập bất thường bán mảng bánh kẹo
11h00: Đại hội thảo luận
Định hướng cho kênh barkery của công ty như thế nào?
KDC có định hướng tách kênh bán lẻ riêng và việc này sẽ tạo diện mạo mới cho kênh barkery của công ty.
Tại sao KDC mua lại cổ phiếu quỹ?
KDC mua lại cổ phiếu quỹ để rút bớt vốn về, khi có dự án đầu tư mới sẽ bán lại cổ phiếu quỹ. KDC không có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ trước hay sau khi chia cổ tức.
Cổ tức còn lại 10% năm 2014 khi nào chia?
10% còn lại cổ tức 2014 sẽ chia trong tháng 10/2015.
Khi nào KDC trả cổ tức đặc biệt 200%?
Thủ tục chuyển nhượng cho đối tác ngoại đã hoàn tất và đang chờ sau khi có giấy phép chính thức, nhận được tiền, KDC sẽ chia ngay cổ tức đặc biệt 200% cho cổ đông.
Khi nào KDC ra sản phẩm liên doanh với đối tác FGV?
KDC sẽ sử dụng thương hiệu Đại gia đình để phân phối sản phẩm dầu ăn cho giai đoạn 1, sau đó xem xét phát triển thương hiệu khác hay của nước ngoài. Dự kiến trong 6 tháng sẽ lập liên doanh này, KDC đầu tư 45% trong liên doanh và chưa có kế hoạch nâng lên trên 50% (để đối tác có trách nhiệm cao hơn về việc cung ứng nguồn nguyên liệu).
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận kế hoạch 2015?
3,000 tỷ đồng doanh thu bao gồm bánh kẹo, sản phẩm mới, kem (6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận tổng doanh thu 100% từ mảng bánh kẹo).
Lợi nhuận 6,500 tỷ đồng chủ yếu là hoạt động tài chính (thu nhập bất thường) từ chuyển nhượng mảng bánh kẹo BKD.
Doanh thu lợi nhuận chuyển nhượng BKD ghi nhận quý 2 hay 3?
Chờ nhận được giấy phép cuối cùng mới có thể ghi nhận vào kết quả kinh doanh.
Thống lĩnh thị trường dầu ăn
10h05: Ông Trần Quốc Việt chia sẻ tại Đại hội về dự báo tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm trong thời gian tới.
Với nguồn lực tài chính khoảng 1,725 tỷ đồng, KDC dùng để dự trữ tài trợ cho kế hoạch đầu tư kinh doanh F&B hiện tại. Trong đó, 700 tỷ mua thêm cổ phần của Vocarimex, 210 tỷ đầu tư phát triển hệ thống phát triển ngành dầu ăn, 401 tỷ phát triển ngành mì (hệ thống 101 tỷ, nhà máy 300 tỷ), mở rộng kênh phân phối hàng lạnh (kem) 214 tỷ, đầu tư phát triển ngành khác 200 tỷ. Lượng tiền mặt còn lại khoảng 7,843 tỷ đồng dành cho chia cổ tức 4,620 tỷ, 3,223 tỷ tập trung cơ hội đầu tư phù hợp.
Được biết, tốc độ tiêu thụ thực phẩm cao đang hơn dự kiến thu nhập bình quân đầu người, ngược lại so với trước đây. Tăng trưởng ngành thực phẩm dự báo đến năm 2017 là 15%. Trong đó, ngành thực phẩm gia vị có độ phủ rộng, thâm nhập cao (tiêu dùng hàng ngày), dung lượng thị trường lớn. Cụ thể, mức tiêu thụ toàn thị trường chiếm 26% là ngành thực phẩm, trong đó 24% là thực phẩm đóng gói (bánh kẹo chỉ chiếm 2%). Do đó, KDC quyết định vào sân chơi lớn hơn bằng cách tham gia vào thị trường thực phẩm, gia vị.
Trước định hướng mới, KDC xây dựng mô hình hoạt động mới, trong đó Công ty mẹ là KDC. Hệ thống chuyên phân phối hàng khô được gom thành 1 công ty con trực thuộc KDC. Hệ thống phân phối ngành lạnh (kem KIDO) được chia thành công ty con khác. Mảng bán lẻ gom về 1 công ty. Và KDC có thể lập các công ty con khác tùy theo định hướng phát triển hoặc hợp tác với các đối tác nước ngoài tùy theo loại sản phẩm. Thương hiệu Đại gia đình sẽ là thương hiệu chính.
Về sản phẩm mì gói, thời gian qua (từ cuối năm 2014 đến nay), KDC đã tung các sản phẩm thuộc phân khúc phổ thông và trung cấp, thời gian tới sẽ tung thêm sản phẩm cao cấp.
Sản phẩm dầu ăn đã tung ra từ cuối tháng 5/2015, hiện nguồn cung cho dầu ăn không đủ. Chiến lược của KDC là đầu tư vào Vocarimex (cơ sở hạ tầng) và hợp tác với đối tác ngoại (đảm bảo nguồn nguyên liệu) để thống lĩnh thị trường dầu ăn.
Hiện mảng bánh kẹo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển giao cho đối tác ngoại và đang đợi ngày cấp giấy phép.
09h50: Ông Trần Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc KDC cho biết hiện dung lượng thị trường bánh kẹo thấp hơn nhiều so với mảng thực phẩm thiết yếu, gia vị. KDC đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi bao gồm sản phẩm, thương hiệu; nền tảng quản lý; nhân sự. Khi bán mảng bánh kẹo, KDC không chuyển giao hết toàn bộ tài sản mà đã nhân đôi toàn hệ thống, quá trình chuyển giao vẫn đảm bảo về nhân sự, nguồn lực, hệ thống cho sự phát triển của KDC.
09h35: Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 265 cổ đông, đại diện tỷ lệ 72% cổ phần có quyền biểu quyết.
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của KDC diễn ra sáng ngày 26/06
|
Kế hoạch lãi 6,500 tỷ, đổi tên thành Tập đoàn KIDO
KDC trình cổ đông kế hoạch doanh thu năm 2015 đạt 3,000 tỷ đồng, giảm 40% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng hơn 9 lần đạt 6,500 tỷ đồng, chủ yếu từ việc hoàn tất thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo (đã chuyển hết về công ty con là Kinh Đô Bình Dương – BKD) cho Mondelēz.
Cổ tức năm 2015 sẽ trình cổ đông là 14% bằng tiền mặt (trước đó ĐHĐCĐ lấy ý kiến bằng văn bản đã thông qua chính sách cổ tức đặc biệt năm 2015 là 200% sau khi thực hiện bán cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương - BKD).
Mới đây, KDC vừa công bố thương vụ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển cho giai đoạn tiếp theo của việc thành lập liên doanh mới cùng Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) để tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam.
KDC cũng trình phương án tiếp tục mua cổ phiếu quỹ trong năm 2015. Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2014 đã thông qua việc mua đến 30% tổng số cổ phần (tương đương gần 77 triệu cp) làm cổ phiếu quỹ nhưng mới thực hiện mua gần 21.5 triệu cp quỹ. Do đó HĐQT KDC tiếp tục kế hoạch mua đến 30% tổng số cổ phần làm cổ phiếu quỹ với giá không quá 50,000 đồng/cp.
Công ty sẽ đổi tên thành CTCP Tập đoàn KIDO (KIDO Corporation) và bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2015-2020. Trong đó, ứng viên HĐQT là các thành viên nhiệm kỳ cũ, ứng viên Ban kiểm soát giữ nguyên hai thành viên (thay một thành viên là ông Lương Quang Hiển thay cho ông Lê Cao Thuận).
Minh Hằng
|