ĐHĐCĐ DIC: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trước khó khăn chất chồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Đầu Tư &Thương Mại DIC (HOSE: DIC) tổ chức sáng ngày 12/06, Ban lãnh đạo công ty thừa nhận những khó khăn từ sản phẩm chủ lực trong 2 năm tới. Song, DIC vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất clinker và xi măng.
Cổ tức năm 2014 sẽ nhận bằng cổ phiếu
Thay vì chi trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% theo như Nghị quyết đã thông qua ở lần đại hội trước, ban lãnh đạo DIC tại đại hội lần này đã xin phép cổ đông được điều chỉnh phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nguyên nhân là nếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% DIC sẽ phải chi trả hơn 15 tỷ đồng, vượt quá lợi nhuận sau thuế năm 2014 của đơn vị này.
Thời điểm phát hành dự kiến được thực hiện trong quý 3/2015. Việc điều chỉnh cổ tức 2014 và kế hoạch cổ tức trong năm 2015 giảm còn 5% dù được thông qua nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của cổ đông tham dự Đại hội. Theo đó, cổ đông cho rằng khi giá cổ phiếu của công ty đang thấp hơn mệnh giá, việc phát hành cp để trả cổ tức với tỷ lệ như trên thì tổng giá trị cổ đông nhận được sẽ thấp hơn so với việc trả cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, HĐQT DIC cho biết Công ty cần có nguồn lực để cơ cấu lại tài chính trong thời gian tới và chiến lược đầu tư trung dài hạn nên đề nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, DIC dự kiến sẽ dùng nguồn Quỹ đầu tư phát triển để đăng ký mua tối đa 10% cổ phiếu đang lưu hành của công ty nhằm bình ổn giá thị trường.
Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 của DIC với doanh thu hợp nhất là 3,356 tỷ đồng tăng hơn 18.7% so với thực hiện 2014 (2,828 tỷ), còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.5 tỷ đồng, gấp đến 3.8 lần (6.8 tỷ).
Trong lần đại hội này, nhiệm kỳ HĐQT và Ban kiểm soát mới (2015-2020) cũng được bầu lại. Song, các thành viên trong nhiệm kỳ cũ tiếp tục trúng cử và ông Nguyễn Đức Hải vẫn được tín nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Sản phẩm chủ lực đứng trước muôn vàn khó khăn
Clinker, thạch cao và đá vôi được xem là hoạt động chủ lực của DIC trong các năm qua, đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của công ty. Sản lượng đạt gần 2 triệu tấn/năm, doanh thu của mặt hàng này năm 2014 gần 2,072 tỷ, đạt 96% so với năm 2013, chiếm 75% doanh thu của toàn công ty.
Dù là mặt hàng kinh doanh chủ lực của công ty, nhưng hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu và nội địa chưa đạt được như mong muốn nguyên nhân đến từ việc bộ giao thông vận tải siết chặt tải trọng, ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và chi phí vận chuyển cũng tăng cao, ngoài ra hao hụt hàng hóa trong quá trình vận chuyển, chất lượng hàng hóa (nhất là đá vôi) liên tục gặp vấn đề tại khâu bốc hàng.
Đáng chú ý nhất, Công ty hiện đang chịu sự cạnh tranh lớn về giá và thị phần bởi các công ty có hoạt động thương mại phân phối cùng loại sản phẩm tại khu vực phía Nam mà còn chịu sức ép khi Bộ Xây dựng giao cho VICEM phối hợp với các đơn vị liên doanh tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng từng tháng, từng quý tại khu vực miền Trung, miền Nam để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clinker từ khu vực miền Bắc vào các khu vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa xây dựng.
Ban lãnh đạo DIC đánh giá khả năng rất cao các công ty xi măng có thương hiệu lớn sẽ trực tiếp cung cấp cho thị trường miền Trung, miền Nam mà không thông qua nhà thương mại như DIC nữa.
Đầu tư vào sản xuất clinker để đẩy mạnh xuất khẩu
Thời gian gần đây, được biết DIC đã thực hiện thoái một phần vốn tại CTCP Xi măng Yến Mao giảm tỷ lệ sở hữu của công ty từ 49% xuống 24%.
Ngược lại, DIC đầu tư và liên doanh hợp tác với CTCP Xi măng Hữu Nghị thông qua việc mua lại tài sản là Dây chuyền sản xuất Clinker – Xi măng – Pooc lăng lò quay công suất 1,200 tấn/ngày, tương đương gần 400,000 tấn/năm. Tổng giá trị hợp đồng mua bán tài sản là 165 tỷ đồng (DIC đã thanh toán tương ứng 50 tỷ đồng). Theo như đánh giá của ban lãnh đạo DIC, việc đầu tư này sẽ giúp công ty tiết giảm được chi phí trong sản xuất kinh doanh và chủ động hơn về nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất clinker phục vụ thương mại xuất khẩu và nội địa. Đây là mảng kinh doanh trung và dài hạn mang tính chiến lược của công ty.
Tuy nhiên, các cổ đông của công ty hiện đang trăn trở về sản phẩm đầu ra của DIC hiện có còn mang tính đặc trưng khi ngành xi măng thời gian qua dần bão hòa, thị trường nội địa không thể hấp thụ hết và các doanh nghiệp trong ngành phải tìm đơn hàng xuất đi các nước khác.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết sản lượng xuất khẩu của công ty đạt hơn 100,000 tấn xi măng/năm, chiếm gần ¼ sản lượng sản xuất của DIC. Ngoài ra, đơn vị đã có sẵn thương hiệu qua thời gian làm thương mại lúc trước nên sẽ không tốn nhiều chi phí marketing quảng cáo (50-70 tỷ).
Chia sẻ thêm về vị thế của nhà máy, dây chuyền sản xuất tại Yến Mao, ông Hải cho biết vị trí nhà máy khá thuận lợi về đường thủy. Việc chuẩn bị đầu tư ngay từ bây giờ dù sẽ gặp khó khăn trong 2-3 năm tới vì dư cung trong nước, song ông nhìn nhận kế hoạch này sẽ đón đầu nhu cầu phục hồi của nền kinh tế vào năm 2018.
Toa tàu kéo nặng nề
Tính đến cuối năm 2014, hoạt động đầu tư ra ngoài của DIC là 117.7 tỷ đồng, tăng 10.5% so với cùng kỳ và chiếm 69% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư mang lại thấp, ngoài CTCP TM Vận tải Minh Phong hoạt động có hiệu quả, các đơn vị còn lại đều trong giai đoạn đầu tư hoặc sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Riêng CTCP Đầu tư và Thương mại DIC Đà Lạt đã lỗ lũy kế 2.2 tỷ đồng.
Ngoài ra, tình hình đầu tư vào các dự án của DIC trong năm qua vẫn không có nhiều tiến triển và vẫn đang trong giai đoạn thu hồi vốn góp, chờ đợi cơ quan chức năng phê duyệt, tìm đối tác phù hợp để cùng triển khai dự án… khiến vốn ứ đọng ở các dự án đầu tư trong khi DIC phải vay nợ ngân hàng rất nhiều khiến hiệu quả sử dụng vốn còn thấp. Chính những điều này khiến nhiều dự án đầu tư không được hiệu quả, nhiều dự án đi đến tắc nghẽn. “Cảm giác mọi thứ còn treo lơ lửng, chưa rốt ráo xử lý”, một cổ đông bức xúc.
Năm 2014, tài sản của DIC tăng 401 tỷ đồng, tăng 56% so với cuối năm 2013. Trong đó tài sản ngắn hạn tăng 221 tỷ và tài sản dài hạn tăng 180 tỷ. Đồng thời nợ ngắn hạn tăng 318 tỷ và nợ dài hạn tăng 75 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 7 tỷ đồng. Trong đó vay nợ ngân hàng tăng 273 tỷ đồng (198 tỷ ngắn hạn và 75 tỷ dài hạn) khiến tổng dư nợ vay ngân hàng của công ty lên đến 750 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với chủ sở hữu của DIC vào cuối năm 2014 là 199.5 tỷ đồng.
Tổng tài sản và nợ phải trả của DIC tăng mạnh trong năm 2014
|
Theo DIC, biến động tăng tài sản và nguồn vốn trên là do công ty thực hiện mua dây chuyền sản xuất clinker với tổng giá trị 165 tỷ đồng như đã đề cập ở trên bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng BIDV với số tiền 83.2 tỷ đồng với lãi suất 11.5%/năm và nguồn vốn góp tương ứng 50 tỷ đồng của DIC tại CTCP Xi măng Hữu Nghị.
Nhìn chung, do việc phát hành cổ phần tăng vốn kéo dài sang năm 2015, không theo kịp các quyết định đầu tư của công ty nên cơ cấu tài sản – nguồn vốn của công ty tại thời điểm cuối năm 2014 có phần mất cân đối tạm thời khi tài sản dài hạn được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn cũng như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tăng đột biến so với năm 2013 và hệ số thanh toán hiện hành nhỏ hơn 1. Việc phát hành 8 triệu cổ phần được biết đã hoàn tất vào tháng 4/2015 giúp vốn điều lệ của DIC tăng vốn lên hơn 250 tỷ đồng.
Đức Phương
|