Thứ Năm, 11/06/2015 10:29

Đề nghị bỏ lãi suất cơ bản cho đỡ rối

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nên bỏ Điều 483 khỏi Dự thảo Bộ luật Dân sự, vì đã có quy định ở luật chuyên ngành.

Ngày 10/6/2015, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo Ban soạn thảo, đến ngày 15/5/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được 100 Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của 42 Bộ, ngành Trung ương, 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương góp ý cho dự thảo.

Vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản

Bỏ hay không bỏ

Riêng lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, nhìn chung vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản. Một số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật và cho rằng, quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản (LSCB) do NHNN công bố bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, có luồng ý kiến khác cho rằng, cần quy định một mức lãi suất cụ thể trong Dự thảo Bộ luật Dân sự để bảo đảm được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. Việc sử dụng LSCB do NHNN Việt Nam công bố là không phù hợp vì đây chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường; lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau; chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức LSCB do NHNN công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.

Ý kiến khác thì cho rằng, Khoản 2 nên sửa thành “nếu không có lãi suất luật định thì lãi suất được tính theo lãi suất cho vay tương ứng, tại cùng thời điểm và địa điểm cho vay hoặc bằng lãi suất cho vay thấp nhất tại cùng thời điểm và địa điểm cho vay”. Vì lãi suất luật định rất ít, chủ yếu đối với các khoản vay ưu đãi theo chính sách. Quy định như dự thảo bộ luật không bảo vệ tốt chủ nợ.

Có ý kiến đề nghị dự thảo bộ luật nên tham khảo quy định Điều 306 Luật Thương mại về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán. Theo đó, “trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Một số ý kiến đề nghị không quy định sử dụng LSCB do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu để tính trần lãi suất cho vay, bởi lẽ mục đích của các quy định này là nhằm xác định một trần lãi suất cho vay. Việc xác định mức trần lãi suất cho vay thông qua một lãi suất khác là không cần thiết, gây khó khăn cho đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, việc giao NHNN công bố LSCB để xác định trần lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay dân sự là không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của NHNN. NHNN chỉ quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Lý do khác là LSCB theo quy định của Luật NHNN Việt Nam, Luật Các TCTD và theo thông lệ quốc tế là loại lãi suất có tính cơ sở, nền tảng và thường được Ngân hàng Trung ương sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ. Với mục đích để định hướng chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường, nên lấy LSCB làm cơ sở để xác định trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự (mục đích để chống cho vay nặng lãi) là không phù hợp cả về tính chất và mục tiêu của loại lãi suất này.

Cũng vì không có mối liên quan về tính chất và mục tiêu giữa LSCB và trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự, việc nâng trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự từ 150% lên thành 200% LSCB cũng hoàn toàn không có cơ sở và cũng không thể khắc phục được những bất cập của trần lãi suất vay hiện nay.

Trên thực tế, LSCB do NHNN công bố thường ở mức tương đối thấp và chỉ điều chỉnh tăng, giảm với biên độ nhỏ nhằm tác động ổn định lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát. Do đó, quy định trần lãi suất vay bằng 150% hay bằng 200% LSCB có thể vẫn quá thấp, không khả thi đối với lãi suất của các hợp đồng cho vay dân sự và vẫn có thể dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay vô hiệu do trần lãi suất vay được quy định không hợp lý.

Ngoài ra LSCB không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, các hình thức vay khác nhau. Do vậy, thực tế không có LSCB tương ứng cho từng loại hình thức vay. Việc sử dụng LSCB để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.

Cần có quy định cụ thể

NHNN cũng đề nghị quy định mức trần lãi suất vay cụ thể ngay tại Dự thảo Bộ luật Dân sự, mức lãi suất cụ thể cần được tính toán để phù hợp với tính chất chống cho vay nặng lãi, tạo sự minh bạch giúp các bên tham gia quan hệ dân sự có thể biết được ngay mức trần lãi suất cho vay để điều chỉnh hành vi của mình, cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp có thể xác định dễ dàng mức lãi suất cho vay các bên thỏa thuận có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì mức lãi suất cần áp dụng là bao nhiêu.

LSCB là loại lãi suất có tính cơ sở, nền tảng và thường được NHTW sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ

Đồng thời, để đảm bảo có thể thay đổi mức trần lãi suất linh hoạt khi điều kiện thị trường có sự biến động, Dự thảo Bộ luật Dân sự cần quy định các nguyên tắc về trường hợp phải điều chỉnh mức trần lãi suất cho vay và giao cho một cơ quan (có thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ) thay đổi mức trần lãi suất cho vay trong trường hợp đó.

Với những lý do trên, đối với các lãi suất cần tham chiếu khác trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (Điều 461, 489), cũng cần quy định một mức lãi suất cụ thể ngay tại Dự thảo Bộ luật Dân sự, không sử dụng LSCB do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu, đồng thời, quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Khoản 4 Điều 481 quy định, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo LSCB do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng là không phù hợp vì NHNN không công bố LSCB và cũng không công bố LSCB đối với từng loại vay tương ứng. Nên trong trường hợp này cần dùng từ có thể là chậm trả theo lãi suất cho vay bình quân trên thị trường liên ngân hàng sẽ phù hợp hơn với thực tiễn.

Liên quan đến Điều 483 quy định, các bên có thoả thuận về lãi suất thì lãi suất theo thoả thuận không vượt quá 200% LSCB do NHNN công bố, trừ trường hợp Luật Các TCTD có quy định khác. Ông Ngân cho rằng, quy định này là không phù hợp, bởi thông thường các nước không dựa vào LSCB để quy định vấn đề này. Ví dụ ở Thái Lan, LSCB chỉ 1,5%/năm, nếu áp cho thị trường là vênh vì lãi suất thị trường ở Thái Lan là 6%/năm, có những khoản vay như vay tiêu dùng là 12%/năm, như vậy là nó gấp cả chục lần chứ không phải 200%. “Nếu dùng thì nên dùng lãi suất liên ngân hàng… cho nên tôi đề nghị khoản này, chúng ta bỏ không nên dùng ở đây”, ông Ngân đề nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nên bỏ Điều 483 khỏi Bộ Luật, không quy định lãi suất trong bộ luật này vì đã có quy định ở luật chuyên ngành. “Trước đây, chúng ta quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% LSCB để làm cơ sở cho cơ quan điều tra truy tố cho vay nặng lãi, nhưng trên thực tế, có bao nhiêu vụ xảy ra trong dân căn cứ luật này để truy tố. Chúng ta phải tính toán lại điều khoản này thế nào cho phù hợp. Bây giờ sửa luật, chúng ta không nên đưa quy định này làm gì”, ông Lịch phân tích.

“Tôi cho rằng nên bỏ luôn Điều 483, còn nếu giữ lại, thì chỉ quy định một cái rất chung là lãi suất do các bên thỏa thuận, còn nếu thêm nữa thì chỉ thêm: quy định này không điều chỉnh các quan hệ tín dụng theo Luật Các TCTD. Còn lại, nên bỏ LSCB đi để đỡ rối”, ông Lịch kiến nghị.

Dương Công Chiến

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Đã có đề nghị phá giá đồng tiền VN mạnh hơn nữa (11/06/2015)

>   Bắt giam nguyên giám đốc Vietcombank Tây Đô (10/06/2015)

>   Tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cân đối vốn tín dụng (10/06/2015)

>   Phải giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp được hội nhập (10/06/2015)

>   Cho vay phục vụ tam nông: Nới rộng những "khe cửa hẹp (10/06/2015)

>   VCB: 26/06 GDKHQ nhận cổ tức tiền mặt 2014, tỷ lệ 10% (10/06/2015)

>   "Không vay nổi ngân hàng mới đi vay nặng lãi" (10/06/2015)

>   NHNN nên cân nhắc quy định về trần lãi suất (10/06/2015)

>   Lần đầu tiên sau 6 năm, giá vàng SJC rẻ hơn giá vàng thế giới (04/03/2016)

>   Sếp phó Saigon Bank "nuốt" 7 tỷ đồng từ thẻ ATM   (09/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật