Đã đến giai đoạn nước rút “thoát hàng” của Sông Đà?
Nằm trong lộ trình tái cấu trúc giai đoạn 2012- 2015 và tầm nhìn đến 2020, năm 2015 được đánh dấu là thời điểm mà Tổng công ty Sông Đà phải hoàn thành việc thoái vốn tại 15 công ty con, công ty liên kết và 23 khoản đầu tư tài chính khác để năm 2015 - 2020 tổng công ty có thể tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.
Tính đến nay, Tổng Công ty Sông Đà (gọi tắt là Sông Đà) vẫn còn nắm giữ từ 65% vốn điều lệ của 10 doanh nghiệp gồm Sông Đà 2, Sông Đà 4, Sông Đà 5, Sông Đà 6, Sông Đà 7, Sông Đà 9, Sông Đà 10, Sông Đà 11, Tư vấn Sông Đà, SOMECO Sông Đà; nắm giữ từ 51-65% vốn điều lệ của 4 doanh nghiệp là Điện Sông Đà, Điện Việt - Lào, Đầu tư PT Đô thị và KCN Sông Đà, Thép Việt - Ý.
Ghi nhận từ đầu năm 2015 đến nay, đối với các doanh nghiệp trên sàn, Sông Đà đã thực hiện đăng ký thoái vốn tại 8 doanh nghiệp theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Trong đó có được 2 doanh nghiệp đã thoái vốn thành công là Simco Sông Đà (SDA) và Xi măng Sông Đà Yaly (SDY), còn lại 6 doanh nghiệp vẫn đang chờ kết quả.
Việc thoái 2.4 triệu cp tại SDY của Sông Đà đã xuất hiện 2 cá nhân là ông Đặng Đôn Triển và bà Trần Thị Kim Thoa mua và lần lượt 610,000 và 600,000 cp, bất ngờ trở thành cổ đông lớn của SDY khi đạt tỷ lệ nắm giữ 13.56% và 13.33%. Còn SDA, vẫn chưa có thông tin về danh tánh nhà đầu tư đã tham gia mua lại gần 6.7 triệu cp từ Sông Đà. Năm qua, lãi của SDA tăng trưởng được 48%, đạt 7.7 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp Sông Đà đăng ký thoái vốn từ đầu năm 2015 đến nay
Còn lại hầu hết các doanh nghiệp đang chờ kết quả thoái vốn có thanh khoản rất thấp trên thị trường, hiệu quả hoạt động trong thời gian qua không mấy khả quan. Các doanh nghiệp phần lớn thuộc ngành bất động sản, xây dựng, khai thác khoáng sản hay thủy điện, những ngành nghề chung với Sông Đà.
Trong số đó, Sông Đà vẫn chưa thoái vốn thành công khỏi Xi măng Sông Đà (SSC), Sông Đà Hà Nội (ASD) và Sông Đà 12 (S12) và hiện tiếp tục đăng ký thoái vốn lần hai đối với 2 trong số 3 đơn vị này.
Nổi cộm trong thời gian gần đây là Đầu Tư XD & PT Đô Thị Sông Đà (SDU), ngoài Sông Đà còn có CTCK VNDirect (VND) đăng ký thoái sạch 16% vốn. Đáng chú ý là ĐHĐCĐ thường niên 2015 vừa qua của SDU, các vấn đề trọng yếu về báo cáo hoạt động HĐQT, BKS năm 2014 và kế hoạch 2015, cổ tức 2015, sửa đổi bổ điều lệ công ty cũng như việc tách chức danh TGĐ và chủ tịch HĐQT đã không đạt được tỷ lệ biểu quyết tán thành để thông qua.
* Đằng sau con sóng mới của cổ phiếu SDU
SCC lỗ liên tiếp 5 năm từ 2010 đến 2014, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2014 đã là 17.7 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 19.8 tỷ đồng.
Sông Đà 25 (SDJ) sau 2 năm lỗ khủng (2011-2012) thì mặc dù có lãi sau đó nhưng quá ít để có thể bù đắp, lỗ lũy kế tính đến cuối quý 1/2015 của công ty vẫn còn 56.9 tỷ đồng.
Năm 2014, S12 cho thấy khoảng lỗ nặng hơn 15 tỷ đồng, quý 1/2015 tiếp tục lỗ 2.6 tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch doanh thu năm nay 200 tỷ đồng và lãi trước thuế 600 triệu đồng.
Riêng ASD mới lên UPCoM cuối năm ngoái, năm qua lãi khoảng 600 triệu đồng và đến nay vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015. Cơ cấu cổ đông hiện tại của ASD ngoài Sông Đà thì còn có Sông Đà 11, ĐT PT Xây dựng (DIG), Sông Đà 9, ĐT PT Đô thị Sông Đà (SJS) nắm sở hữu từ 5% trở lên.
Được biết, Tổng Công ty Sông Đà đang có kế hoạch sẽ tiến hành IPO trong năm nay.
Trần Hạnh
|