Thứ Sáu, 26/06/2015 20:36

Chứng khoán Tuần 22/06 – 26/06: Tâm lý thận trọng bao trùm!

Áp lực chốt lời vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng khiến thị trường tiếp tục bị điều chỉnh dù không quá mạnh. Diễn biến giao dịch khá tẻ nhạt khi các thông tin hỗ trợ không đủ nâng đỡ thị trường. Các giao dịch thỏa thuận lại có tuần đột biến với khối lượng trao tay “khủng” diễn ra ở một số cổ phiếu VIC, STB

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 22 – 26.06.2015

Giao dịch: Tâm lý thận trọng bao trùm. Thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần khi VN-Index giảm 0.58%, còn 581.75 điểm; trong khi đó, HNX-Index lại giảm có phần mạnh hơn với 1.81%, còn 85.52 điểm. Trong khi đó, hai chỉ số gồm VS100 lại tăng 1.29%, lên 151.82 điểm và VN30 cũng tăng 0.94%, lên 608.92 điểm.

Các nhóm Market Cap cũng phân hóa mạnh khi VS-Large Cap tăng 1.68%, nhóm VS-Mid Cap cũng tăng 0.38%. Trong khi đó, VS-Small Cap lại giảm 1.28%, VS-Micro Cap giảm 1.54%.

Thanh khoản trên cả hai sàn đã giảm đi so với tuần trước. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đã giảm nhẹ 0.9%, còn 602.4 triệu đơn vị; trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 19.3%, còn 239.6 triệu cổ phiếu. Thị trường tiếp tục điều chỉnh khiến dòng tiền tham gia không thực sự tích cực làm thanh khoản giảm sút.

Thị trường khởi đầu tuần giao dịch với phiên tăng điểm khá mạnh. Tuy nhiên, đà tăng đến chủ yếu từ nhóm cổ phiếu lớn như VNM, MSN, KDC, GAS, VIC…Trong khi đó, diễn biến ở phần lớn các cổ phiếu trên thị trường diễn ra kém tích cực và tạo tâm lý e ngại cho giới đầu tư khi hiện tượng “Xanh vỏ đỏ lòng” được tái diễn.

Tâm lý e ngại tiếp tục gia tăng trong các phiên giao dịch giữa tuần khi đà bán lan rộng trên thị trường. Sức ép bán ra ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Dầu khí và các cổ phiếu lớn đã ảnh hưởng không nhỏ lên tâm lý giới đầu tư. Do đó, không quá khó hiểu khi giao dịch ở các cổ phiếu nóng cũng kém tích cực.

Các thảo luận bên lề về việc nới room tiếp tục được nhắc tới trong các phiên giữa tuần giúp duy trì giao dịch khả quan ở các cổ phiếu dòng Chứng khoán. Nhưng thông tin này được nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần đã không đủ tạo sức lan tỏa trên thị trường như các thời điểm trước đây. Thể hiện rõ nhất cho sự thờ ơ của dòng tiền là phiên giao dịch ngày thứ 5 với việc TPA đã vượt ải Thượng viện Mỹ, trong khi TAA đang chờ Hạ viện thông qua trong ngày 25/06 cũng không đủ sức đẩy thị trường đi lên. Ngay cả ở các cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp như VHC, TCM, HVG, TNG, TTF…cũng giao dịch không mấy khả quan.

Giao dịch tiếp tục diễn ra khá tẻ nhạt trong phiên buổi sáng thứ sáu. Tuy nhiên, vào phiên chiều, thị trường đón nhận thông tin Thủ tướng Chính Phủ đã ký ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 với một quy định khá quan trọng liên quan tới việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thông tin này khiến thị trường giao dịch bùng nổ vào đầu giờ chiều với các cổ phiếu ngành Chứng khoán và các cổ phiếu kín room như VNM, FPT, TCM, VSC... Mặc dù vậy, trước sự thận trọng đang duy trì ở mức cao thì hoạt động bán khi thông tin thực xuất hiện đã nhanh chóng kéo thị trường trở lại sắc đỏ khi đóng cửa phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng gần 415 tỷ đồng trên cả hai sàn (đã loại bỏ giao dịch thoả thuận đột biến). Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong tuần qua. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường là không nhiều khi hoạt động mua – bán của họ ở nhóm cổ phiếu lớn là khá cân bằng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng 36 tỷ đồng với 2 phiên mua ròng và 3 phiên bán ròng. Giao dịch đáng chú ý nhất của khối ngoại trên sàn HOSE tất nhiên thuộc về VIC với lực bán ròng lên tới 328 tỷ đồng, chủ yếu thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận. CTG, GAS, CII cũng bị bán ròng khá mạnh với giá trị tương ứng với 41 tỷ, 38.8 tỷ và 29 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, trạng thái mua ròng tập trung ở STB, BID, SSI, KDC với giá trị mua ròng lần lượt là 98.9 tỷ, 56.2 tỷ, 52.7 tỷ và 33.1 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại bỏ giao dịch bán ròng đột biến ở VIC thì khối ngoại mua ròng tổng cộng 364 tỷ đồng trên HOSE.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh 50.6 tỷ đồng trên sàn HNX. PVS là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với gần 24.3 tỷ đồng. PVB, BVS, PVC cũng được mua ròng khá nhiều với giá trị lần lượt là 8.8 tỷ, 6.7 tỷ và 5.7 tỷ đồng. Trong khi đó, giao dịch bán ròng đáng chú ý nhất thuộc về PGS khi cổ phiếu này bị khối ngoại bán ròng gần 6.3 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý: Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng số ngành tăng điểm lại chiếm ưu thế dù không vượt trội với 13/23 ngành. Chứng khoán là ngành có sức tăng ấn tượng nhất trong tuần với mức tăng 5.03%. Tiếp theo là ngành Thực phẩm-Đồ uống với mức tăng 4.62%. Trong khi đó, nhóm ngành Ngân hàng, Xây dựng, Bất động sản cũng có đà tăng tốt trong tuần với mức tăng lần lượt là 1.52%, 0.47% và 0.46%.

Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trên sàn HOSE là VIS với 10.53%, MHC với 9.02%; trên HNX là HDA với 23%, HDO với 15%.

VIS tăng 10.53%. HDO tăng 15%. Nhóm cổ phiếu này tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới nào liên quan tới hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng các cổ phiếu này tăng mạnh xuất phát từ dòng tiền đầu cơ chảy vào các cổ phiếu này trong tuần qua.

MHC tăng 9.02%. Thông tin về việc Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) đã đăng ký mua thêm 1 triệu cp MHC để nâng mức sở hữu lên 2,500,006 cp, tương đương 9.22% trong giai đoạn 26/06 - 24/07 đã giúp cổ phiếu này có một tuần giao dịch khá tích cực.

HDA tăng 23%. Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu này trong tuần khi ngày 26/06 vừa qua sẽ là ngày giao dịch bổ sung thêm 8.53 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là JVC với 28.46%, CDO với 10.83%, KTB với 10.34%; trên sàn HNX là SHN với 27.57%, ASA với 18.03%, HHG với 15.63%.

JVC giảm 28.46%. Sau thông tin chính thức về việc nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt tạm giam để điều tra do một số sai phạm cá nhân được đưa ra đã khiến cổ phiếu này tiếp tục nằm sàn 5 phiên liên tiếp với thanh khoản không nhiều.

CDO giảm 10.83%, KTB giảm 10.34%, SHN giảm 27.57%. Không có thông tin chính thức nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của các công ty này trong tuần qua. Nhiều khả năng, các cổ phiếu này giảm xuất phát từ việc dòng tiền đầu cơ rút ra khỏi các cổ phiếu này.

ASA giảm 18.03%. Việc Chủ tịch Nguyễn Văn Đông đăng ký bán và đã bán thành công 200 ngàn cổ phiếu, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 4.59% đã ảnh hưởng không nhỏ nhất tới cổ phiếu này nhất là so với chỉ 10 triệu cổ phiếu được niêm yết.

HHG giảm 15.63%. HHG giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phá từ những lo ngại về nguồn cung cổ phiếu gia tăng. Cụ thể, ngày 25/06 HHG niêm yết thêm 3 triệu cổ phiếu mới.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật