Trả giá vì chủ quan
Nhiều doanh nghiệp đã chuốc lấy thiệt hại không nhỏ chỉ vì tùy tiện kéo dài thời gian thử việc
Sau phiên xử phúc thẩm của TAND TP HCM mới đây, ông T.L.S, Giám đốc Công ty TNHH T.V (quận Bình Tân, TP HCM), phân bua về lý do khiến công ty phạm luật dẫn đến thua kiện: Khi hết 2 tháng thử việc, chị Trần Thủy Lynh, trưởng phòng nhân sự, chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chí công ty đưa ra. Tuy nhiên, do công ty đang cần người; hơn nữa, ông S. chủ quan nghĩ rằng khi tuyển nhân sự cho những vị trí quan trọng, nếu chỉ thử việc 60 ngày thì sẽ khó đánh giá được toàn diện khả năng của người ứng tuyển; vì vậy, ông đã quyết định kéo dài thời gian thử việc thêm 1 tháng. “Không ngờ điều đó đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sau” - ông S. nói.
Chuốc họa vì thử việc 2 lần
Theo đơn khởi kiện của chị Lynh, ngày 27-2-2014, chị được Công ty T.V nhận vào thử việc 2 tháng với chức danh trưởng phòng nhân sự. Hết thời gian thử việc, chị vẫn làm việc nhưng đến ngày 24-5-2014, công ty ra thông báo yêu cầu chị bàn giao và nghỉ việc vào ngày 27-5-2014 “vì hết thời gian thử việc”. Sau khi nghỉ việc, chị đã kiện công ty ra tòa vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Tuân thủ pháp luật là cơ sở ổn định quan hệ lao động. Trong ảnh: Hòa giải tranh chấp lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận 12, TP HCM
|
HĐXX nhận định thông báo chấm dứt thời gian thử việc ngày 24-5-2014 thể hiện công ty thử việc người lao động tới 3 tháng. Việc làm này trái với quy định của Bộ Luật Lao động. Bên cạnh đó, khi hết hạn thử việc, công ty không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng chị Lynh vẫn đi làm bình thường và công ty không có ý kiến gì nên theo quy định, chị đã trở thành nhân viên chính thức. Việc công ty đột ngột cho chị nghỉ việc mà không tuân thủ thời gian báo trước và không có lý do chính đáng là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Do đó, tòa tuyên buộc công ty phải bồi thường cho chị Lynh 78 triệu đồng.
Cũng mắc phải lỗi tương tự và phải bồi thường cho người lao động hơn 100 triệu đồng là trường hợp của Công ty G.E (quận 3, TP HCM) mới đây. Theo hợp đồng, anh Nguyễn Thái Dũng vào thử việc tại công ty 2 tháng (từ ngày 3-9-2013 đến hết ngày 2-11-2013) ở vị trí huấn luyện đại lý kinh doanh. Hết thời hạn thử việc, dù các bộ phận huấn luyện, tuyển dụng và phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh đều đánh giá anh không đạt yêu cầu song cấp trên trực tiếp của anh Dũng đề nghị thử thêm nên công ty đồng ý kéo dài thời gian thử việc 1 tháng. Ngày 30-11-2013, xét thấy anh Dũng vẫn không đáp ứng yêu cầu nên công ty quyết định kết thúc thời gian thử việc. Sau đó, anh Dũng kiện ra tòa. Công ty thua kiện và phải bồi thường vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Doanh nghiệp bị “bẫy”?
Đến bây giờ, bà Nguyễn Hải Anh - giám đốc một công ty có trụ sở tại quận 7, TP HCM - vẫn chưa thể quên bài học “xương máu” vì đã mềm lòng trước lời “ngon ngọt” của nhân viên, bỏ qua quy định của pháp luật để rồi “ôm hận”.
Bà Hải Anh kể: Ngày 16-2-2013, thông qua sự giới thiệu của người quen, công ty mời chị Lê Minh Nguyệt vào thử việc 2 tháng tại bộ phận pháp lý. Trong quá trình thử việc, có khá nhiều ý kiến phản ánh về thái độ làm việc không phù hợp và kém hiệu quả của chị Nguyệt nên ngày 9-4-2013, bà Anh thông báo miệng với chị Nguyệt về việc thử việc không đạt yêu cầu và cho biết sẽ không ký HĐLĐ với chị khi hết hạn thử việc. “Một ngày sau đó, chị Nguyệt đến gặp tôi nài nỉ xin được tiếp tục thử việc và hứa sẽ cố gắng hơn, nếu vẫn không đạt yêu cầu sẽ chịu mọi quyết định của công ty. Nể tình người quen đã giới thiệu nên tôi đồng ý cho chị Nguyệt thử việc thêm 2 tuần. Thấy chị Nguyệt vẫn làm việc kém hiệu quả và không thích ứng được với môi trường làm việc của công ty, trưởng bộ phận pháp lý gửi văn bản kiến nghị không tiếp nhận chị Nguyệt. Ngày 3-5-2013, tuân thủ “thông báo không chấp nhận tuyển dụng” của công ty, chị Nguyệt bàn giao hồ sơ. Trước khi nghỉ việc, chị Nguyệt còn đến chào và cảm ơn mọi người vì đã hỗ trợ mình trong thời gian thử việc” - bà Hải Anh kể.
Sự việc tưởng chừng đã xong, bất ngờ gần 1 năm sau, công ty nhận được giấy báo của tòa án thông báo về việc công ty bị chị Nguyệt khởi kiện vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Qua 2 phiên xử sơ và phúc thẩm, công ty bị tòa tuyên buộc phải bồi thường cho chị Nguyệt 76 triệu đồng.
Mai Chi
người lao động
|