Thứ Hai, 18/05/2015 16:19

TPP và những tác động đối với nền kinh tế tại Mỹ Latinh và Mỹ

Tờ La Nacion của Argentina vừa đăng bài viết của chuyên gia Andres Oppenheimer về những ảnh hưởng của việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Mỹ Latinh.

Theo bài viết, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau hồi tuần trước tại Washington để đàm phán về việc thành lập một mạng lưới thương mại khổng lồ ở khu vực Thái Bình Dương, hầu hết các nước Mỹ Latinh không quan tâm đến tin tức này.

Lẽ ra, hơn ai hết, người dân Mỹ Latinh phải theo dõi một cách rất chặt chẽ vấn đề này vì một khi thỏa thuận được ký kết thì TPP có thể là một "cơn bão" thương mại tấn công tất cả các nước trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong cuộc họp của Hội đồng Xuất khẩu ở thủ đô Washington, DC

Một số nước Mỹ Latinh gặp bất lợi

Nếu thỏa thuận đạt được, đây sẽ là hiệp định thương mại với những quy ước và đầu tư lớn nhất thế giới. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, trong các cuộc đàm phán TPP còn có sự hiện diện của 10 nước khác, trong đó có Singapore Australia , Canada, Mexico, Peru, Chile và Việt Nam. Thỏa thuận này có thể tạo thuận lợi cho một số nước ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico.

Các nhà kinh tế đều nhất trí rằng ở Mỹ Latinh, Mexico sẽ là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này, bởi kinh tế Mexico gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ.

Các nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi ở Mexico cũng như các sản phẩm khác cho các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc xuất khẩu gia tăng từ Mỹ đến châu Á.

Chile và Peru, hai nước Mỹ Latinh khác cũng tham gia vào các cuộc đàm phán TPP, sẽ không có lợi với thỏa thuận này. Chile đã ký các hiệp định thương mại tự do với tất cả các nước thành viên của Thái Bình Dương và sẽ phải đối đầu trong cuộc cạnh tranh với Việt Nam và các quốc gia châu Á khác để có thể xuất khẩu sang Mỹ lương thực, thực phẩm và rau xanh.

Tuy nhiên, những người thua cuộc lớn nhất sẽ là Brazil, Argentina, Venezuela và những quốc gia sống chủ yếu bằng xuất khẩu nguyên liệu thô. Lúc này, họ cần đa dạng hóa xuất khẩu và mở rộng thị trường hướng tới tăng trưởng dài hạn.

Nếu không tích hợp với bất kỳ tổ chức hội nhập thương mại lớn nào, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Đối với các nước Trung Mỹ, họ đã có thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ. Các nước này hiện đang lo lắng về TPP bởi một khi được ký kết, họ sẽ bị yếu thế so với Việt Nam, quốc gia có khả năng xuất khẩu sản phẩm may mặc, cà phê, chuối, dứa sang Mỹ với giá rẻ hơn.

Tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo Solís, cho biết chính phủ các nước Trung Mỹ đã đề cập tới việc cần phải tìm hiểu kỹ hơn về TPP. Hiện tại việc ký kết TPP đã tới rất gần, tuy nhiên cho tới nay, mọi việc vẫn còn được giữ kín.

Ông Solis khẳng định các nước có nền kinh tế yếu và thưa dân cần hết sức chú ý để tham dự vào quá trình này, cần sẵn sàng đối phó với thách thức một cách nhanh nhất.

Các nước Mỹ Latinh chỉ chiếm 8% thương mại thế giới, đang đứng trước nguy cơ trở thành một phần thậm chí nhỏ hơn của "chiếc bánh" trong thị phần thương mại thế giới, nếu không tích hợp được với một hoặc nhiều khối thương mại lớn.

Trong khi một số nước ở Mỹ Latinh như Mexico, Chile và Peru đang tham gia thỏa thuận (TPP), thì các nước như Brazil, Argentina, Venezuela và một số nước khác thậm chí có thể rời xa các thị trường lớn nhất thế giới nếu họ “vẫn còn ngủ gật”.

Tác động của TPP đối với chính trường Mỹ

Theo báo "Thư tín địa cầu", TPP - hiện đang được Mỹ, Canada và 10 quốc gia khác thương thuyết - là một vấn đề gây tranh cãi, đang làm lệch các phép tính, đảo lộn trật tự mới và tác động tiêu cực tới chính trường Mỹ bởi vì thỏa thuận này có thể tác động đến các chính sách có liên quan đến lao động, nông nghiệp, đầu tư, quy định, quyền sở hữu trí tuệ và môi trường. Những tác động này có khả năng làm gián đoạn, hoặc ít nhất cũng gây tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

TPP đã phơi bày những căng thẳng mới trong chính trường Mỹ bởi vì thỏa thuận này đang phá hoại những cam kết lịch sử quan trọng của Mỹ trong vấn đề thương mại.

TPP cũng đang nêu bật những căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và phe cánh tả trong đảng Dân chủ. Mới đây, ông Obama đã thúc giục nước Mỹ chống lại cái mà ông gọi là "sự can dự chống lại toàn cầu", đồng thời lên tiếng cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn của "Nhật báo Phố Wall" rằng "nếu Mỹ không đề ra các quy định thì chính Trung Quốc sẽ đề ra các quy định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp Mỹ sẽ bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc nhiều người dân Mỹ bị mất việc làm". Tuy nhiên, những người phản đối ông Obama - nhất là những đồng minh truyền thống của ông trong phong trào lao động - đang cảnh báo rằng chính những hiệp định thương mại như TPP mới là nguy cơ đối với các việc làm tại Mỹ.

Leo Gerard, công dân Canada và là chủ tịch Liên đoàn công nhân ngành thép Liên bang Mỹ, nói: "Có một cách khác để xem xét vấn đề TPP là hãy để lịch sử hướng dẫn cho bạn.

Cả Mỹ và Canada đều bị mất việc làm do Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Và chắc chắn, người lao động Mỹ sẽ mất việc làm vì TPP, không chỉ trong ngành thép mà còn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và môi trường."

Trong nhiều thế hệ, chính sách thương mại tại Mỹ đã được hiểu một cách rõ ràng như sau: đảng Dân chủ ủng hộ tự do thương mại, còn đảng Cộng hòa thiên về bảo hộ. Giờ đây, điều này đang thay đổi, với việc phe Cộng hòa ủng hộ tự do thương mại còn phe Dân chủ đang hoài nghi sâu sắc.

Trong khi có 102 nghị sỹ đảng Dân chủ đã ủng hộ NAFTA tại Hạ viện Mỹ năm 1993, thì chỉ có 51 người bỏ phiếu ủng hộ hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc và 31 người ủng hộ Hiệp định thúc đẩy thương mại với Colombia, hai thỏa thuận được thông qua năm 2011 tại Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Và mặc dù ông Obama hăng hái ủng hộ TPP thì những người Dân chủ nói chung đang chống lại và lớn tiếng phản đối TPP. Trong tháng Tư vừa qua, chỉ có hai Hạ nghị sỹ Dân chủ trong Ủy ban Chính sách và Tài chính đã bỏ phiếu ủng hộ việc trao cho Tổng thống Obama thẩm quyền đẩy nhanh các cuộc thương thuyết về hiệp định tự do thương mại.

Sự thay đổi này dẫn đến hai hậu quả: Thứ nhất, ông Obama sẽ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ đảng Dân chủ trong vấn đề TPP và sẽ phải dựa vào phe Cộng hòa nếu muốn giành chiến thắng.

Thứ hai, cựu Ngoại trưởng trong chính quyền của ông Obama, bà Hillary Clinton sẽ bị buộc phải bày tỏ những quan điểm của bà, một tình huống sẽ gây khó xử cho bà. Trong thời gian này, chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton đang đưa ra những tuyên bố vô thưởng vô phạt về các vấn đề môi trường và lao động trong TPP.

Vietnam+

 

Các tin tức khác

>   Bolivia tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt sang Brazil và Argentina (18/05/2015)

>   Ukraine thanh toán trước cho Nga 32 triệu USD tiền mua khí đốt (18/05/2015)

>   Chính phủ Hàn Quốc xem xét đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài (17/05/2015)

>   Tập đoàn thép POSCO đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng (17/05/2015)

>   Bên trong xưởng sản xuất máy bay đối thủ Boeing của Trung Quốc (16/05/2015)

>   Đài Loan siết chặt quản lý thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản (16/05/2015)

>   Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào khu vực Mỹ Latinh gần 99 tỷ USD (16/05/2015)

>   Trung Quốc sẽ đầu tư 50 tỷ USD vào Brazil (16/05/2015)

>   Nga muốn Pháp bồi thường 1,32 tỷ USD để hủy bán tàu Mistral (15/05/2015)

>   Tập đoàn khổng lồ Alibaba “tấn công” thị trường quốc tế (15/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật