Thương hiệu Âu - Mỹ đậm chất Trung Quốc
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, nhiều đại gia Trung Quốc có trong tay một số tiền lớn và đang đổ ra nước ngoài để thâu tóm các thương hiểu nổi tiếng từ châu Á cho tới Mỹ và châu Âu.
Đổ tiền ra nước ngoài
Cuối năm 2013, theo hãng tin Reuters, Smithfield Foods Inc SFD.N - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới ở Virginia - đã bị Công ty Shuanghui của Trung Quốc mua lại với giá 7,1 tỷ USD.
Đây là vụ thâu tóm lớn nhất của một DN Trung Quốc đối với một công ty của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược kinh tế chính trị dài hạn của Bắc Kinh là khuyến khích các DN đầu tư và hoạt động ở nước ngoài.
Bang Michigan - với thành phố công nghiệp ôtô Detroit - một trong những điểm đến đầu tiên của các nhà đầu tư Trung Quốc, với hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ sự bảo trợ của Hiệp Hội các DN Trung Quốc tại Detroit (DCBA).
Tại California, hàng trăm công ty Trung Quốc đang hoạt động, trong đó phần lớn được thành lập mới hoặc mua lại của người Mỹ.
Haier - một công ty từ thành phố Thanh Đảo ở miền Đông Bắc Trung Quốc - cách đây hơn chục năm cũng chính thức mở một nhà máy sản xuất tại Camden, Bắc Carolina (Mỹ). Vài năm gần đây, Haier bắt đầu thành công tại các thị trường ngách, như tủ lạnh mini dành cho khách sạn và ký túc xá các trường đại học ở cả Mỹ, châu Âu.
Trong khi đó, theo The Economist, Công ty Pearl River của Trung Quốc giờ đây đã thống trị thị trường đàn dương cầm thế giới. Hàng năm, DN này sản xuất khoảng 1/5 trong tổng số khoảng nửa triệu chiếc đàn piano trên toàn thế giới. Không chỉ xuất khẩu ra 100 nước, Pearl River còn đầu tư sản xuất ở rất nhiều thị trường. Từ một công ty chỉ sản xuất được vài chiếc piano mỗi tháng, chỉ sau hơn 2 thập kỷ liên doanh với Yamaha và nắm bắt được bí quyết từ nhà sản xuất Nhật, Pearl River đã thâm nhập hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Áo. Giá đàn của họ rẻ chỉ bằng 1/3 so với các hãng nổi tiếng.
Thương hiệu đồ thể thao của Trung Quốc - Li-Ning cũng đã mở cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sau khi lập liên doanh với một hãng tiếp thị tại Chicago, với tham vọng trở thành một thương hiệu toàn cầu.
Nhà sản xuất máy tính và điện thoại Lenovo của Trung Quốc đã khá thành công sau khi mua lại bộ phận phát triển máy tính cá nhân (PC) của IBM vào năm 2005, và đang dồn sức đầu tư và mở rộng thị trường và thị phần với dòng máy tính cá nhân Thinkpad.
Gần đây, không ít đại gia Trung Quốc còn thâu tóm các câu lạc bộ bóng đá trên thế giới. Nhiều nguồn tin khẳng định, ông chủ của AC Milan - cựu thủ tướng Italia Berlusconi - đã đồng ý bán 75% cổ phần của đội bóng này cho tập đoàn Hangzhou Wahaha Group Trung Quốc với giá 1,5 tỷ euro.
Mới là khúc dạo đầu
Năm ngoái, thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và thủ công (CGIA) ở Mestre, thuộc Veneto - một trong những vùng công nghiệp phát triển nhất Italy, cho thấy số lượng DN Trung Quốc hoạt động ở nền kinh tế lớn thứ ba trong EU này đã tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong khi đó, số doanh nghiệp Italy giảm 1,6% vì khủng hoảng.
Hiện số DN Trung Quốc đăng ký hoạt động tại Italy đã lên tới 66.000, đứng sau Romania (67.000) và Maroc (72.000), nhưng lại có số vốn đầu tư và số lượng nhân công lớn nhất.
Tại Ấn Độ, nhiều nhà máy thép mới được xây dựng bởi DN Trung Quốc đang mọc lên tại chính quê hương của ngành thép nước này - Jharkhand.
Nhiều DN Trung Quốc bỏ tiền mua đất đai, BĐS và xây dựng cơ sở hạ tầng ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2013, theo Bloomberg, tập đoàn Fosun của Trung Quốc đã bỏ ra 725 triệu USD mua tòa tháp của JP Morgan. Chính quyền Trung Quốc trong khi đó cũng đã và đang có kế hoạch triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng ở châu Á như cam kết 46 tỷ USD riêng tại Pakistan.
Hồi đầu tháng 4/2015, theo WSJ, hai công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc China Life Insurance và Ping An Insurance Co. đã có khoản đầu tư đầu tiên của họ vào BĐS thương mại Mỹ thông qua thương vụ mua cổ phần chi phối trị giá 500 triệu USD tại Boston.
Có thể thấy, làn sóng các DN Trung Quốc đầu tư thâu tóm đã lan rộng khắp 5 châu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính phố Wall dự báo, đây mới chỉ là khúc dạo đầu của Bắc Kinh, nhất là trong hướng đi mới này tại Mỹ.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tấn công vào nhiều lĩnh vực như sản xuất bánh táo của Mỹ. Hàng loạt các dự án đầu tư cơ hạ tầng mới chỉ ở những bước đi ban đầu. Sự hình thành của Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng cũng là chỉ báo cho xu hướng đẩy dòng tiền ra bên ngoài của Trung Quốc.
Tờ Diplomat cho biết, 2014 là năm đầu tiên đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vượt qua các khoản đầu tư trong nước với tổng giá trị lên tới gần 130 tỷ USD.
Sự bùng nổ các hoạt động thâu tóm ở nước ngoài của DN Trung Quốc khiến nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, lo ngại. Quốc hội Mỹ thậm chí đã cảnh báo Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) về những rủi ro có thể xảy ra.
Hay tại Đức, một số chuyên gia nước này lo ngại, các DN nước này sẽ phải trả giá cho sự chủ quan trước giấc mộng trở thương hiệu toàn cầu của DN Trung Quốc, giống như kết cục thua của ngành công nghiệp máy ảnh trong trận đấu với Nhật nhiều thập kỷ trước.
Mạnh Hà
VIetnamnet
|