Rút vốn hết tại Vinamilk: Nhà nước chỉ lợi chứ không thiệt
Một khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn tốt, khả năng thu thuế sẽ cao hơn, nguồn thu về ngân sách lớn hơn.
* “Quan tâm sâu sắc” của SCIC ở Vinamilk
* ĐHĐCĐ Vinamilk: Cổ đông phủ quyết toàn bộ đề xuất của SCIC
SCIC nhùng nhằng giữ vốn
Trong lộ trình tái cơ cấu, SCIC đã quyết sẽ đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết thành công của Vinamilk hay FPT là nhờ vào những thành viên trong HĐQT của doanh nghiệp này chứ không phải nhờ SCIC hay nhờ bầu sữa của nhà nước.
Các doanh nghiệp này hiện đã khá thành công hay nói cách khác đây cũng là những thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này cho thấy khả năng bắt tay với các đối tác nước ngoài, khả năng độc lập của FPT cũng như Vinamilk là rất cao.
Rõ ràng sự có mặt của SCIC ít nhiều đã làm cho các doanh nghiệp không có được sự chủ động, không giúp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp là bao nhiêu. Ngược lại, SCIC còn trở thành rào cản với những quyết định kinh doanh mang tính táo bạo, rủi ro cao. Điều này đồng nghĩa với việc SCIC có thể trở thành rào cản làm mất đi các cơ hội kinh doanh chiến lược cho các doanh nghiệp này.
Về phía SCIC có thể thấy, dù nắm giữ vốn của các doanh nghiệp từ nhiều năm nay nhưng lại không phục vụ được gì cho mục tiêu của SCIC cũng như mục tiêu của nhà nước, càng không giúp được gì cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Như vậy, vốn của nhà nước không cần thiết phải để mãi ở những doanh nghiệp này khi bản thân những doanh nghiệp này họ đã có thừa khả năng đứng vững trên thương trường. Việc giữ lại vốn chỉ ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi là đi ngược với mục tiêu của nhà nước (tức là nhà nước chỉ làm việc khó, việc tư nhân không thể làm - PV). Vì vậy nhà nước không cần phải thông qua SCIC để nắm thêm cổ phần hay tiếp tục giữ vốn tại các doanh nghiệp này thêm nữa.
Nhưng tại sao SCIC lại vẫn muốn giữ vốn tại các doanh nghiệp này? Câu trả lời rất dễ hiểu là: Lợi ích và quyền lực. Những doanh nghiệp như Vinamilk trước nay vẫn đang là những "con gà đẻ trứng vàng", trong khi nguồn thu nộp về ngân sách nhà nước vẫn là doanh nghiệp đóng thuế, nhà nước thu qua SCIC. Tức là SCIC đang ngồi không hưởng lợi.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ động thái này của SCIC là nhằm giữ chặt vai trò của nhà nước trong doanh nghiệp, vừa muốn có thành tích lại muốn được hưởng lợi chứ không giúp ích gì cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, nếu muốn SCIC rút hoàn toàn vốn tại các doanh nghiệp này phải xác định đây là chủ trương lớn, cần thiết lập lại vai trò của nhà nước. Ông Sơn nhấn mạnh " các doanh nghiệp được tư nhân hóa, nhà nước chỉ đứng sau thu thuế…" lúc đó mới mong có được nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Bà Lan nói thêm, đây là vấn đề xuất phát từ lợi ích. Tuy nhiên, đứng trên phương diện của nhà nước cần phải cân nhắc lợi ích nào lớn hơn. Nhà nước không đứng về phía Vinamilk cũng không phải đứng trên lợi ích của SCIC nhà nước phải đứng trên lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Vinamilk muốn mua, nhà nước đừng chần chừ
Liệu đây có phải là lý do khiến Vinamilk đã hơn một lần đánh tiếng mua lại phần vốn nhà nước? Và trong bối cảnh ngân sách như hiện nay, nếu bán hoàn toàn vốn tại các doanh nghiệp này thì sẽ phải giải bài này thế nào để tránh cho ngân sách mất đi nguồn thu này?
Ông Sơn khẳng định, nếu Vinamilk muốn mua vốn nhà nước nghĩa là SCIC phải rời khỏi doanh nghiệp, điều này đương nhiên Vinamilk muốn. Khi đó, các cổ đông sẽ được hưởng các quyền lợi trọn vẹn, được ăn thua chịu. Điều này cũng cho thấy nếu thoát khỏi sự can thiệp của nhà nước các doanh nghiệp chắc chắn sẽ có tính độc lập, tự chủ cao hơn bởi liên quan tới nó là sự sống còn của chính doanh nghiệp này.
Cũng theo bà Lan, nếu rút vốn hnàn toàn tại các doanh nghiệp này nhà nước sẽ được "lợi đơn, lợi kép". Rút vốn, trước hết là có được nguồn vốn "tươi" để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Thứ hai, thu thuế trực tiếp từ các doanh nghiệp. Một khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, khả năng thu thuế sẽ cao hơn, nguồn thu về ngân sách càng lớn hơn.
Hơn nữa, nếu thu qua SCIC vô tình thành tích đó đã trở thành thành tích của SCIC chứ không phải là của doanh nghiệp nữa. Trong khi thực tế doanh nghiệp đóng góp còn lớn hơn nhiều, nhà nước có thể được lợi hơn rất nhiều.
Theo bà Lan, việc rút vốn này không chỉ đơn giản là cái lợi thu thuế nó còn là sự lan tỏa tới nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… Vì vậy, không nên vì một tổ chức nhỏ của nhà nước là SCIC mà làm mất đi tầm nhìn lớn.
Cho rằng, thời điểm này là thời điểm thích hợp nhất để nhà nước tính toán việc bán hoàn toàn vốn tại các doanh nghiệp. Ông Sơn cho rằng, nếu Vinamilk muốn mua nhà nước đừng chần chừ mà phải bán hết ngay, không cần giữ một đồng vốn nào.
Bởi lẽ, khi doanh nghiệp đang ở thời điểm đỉnh cao, việc các nhà đầu tư muốn tìm kiếm, đầu tư vào một doanh nghiệp làm ăn tốt, có lãi cao là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu chậm trễ, khi doanh nghiệp gặp khó khăn việc bán vốn không những không thuận lợi, thậm chí còn không đạt được mức giá như mong muốn. Như vậy lợi bất cập hại, gây lãng phí nguồn lực, tổn thất cho ngân sách.
Về lâu dài nó còn tạo ra một điều nguy hiểm nữa là kích thích thói quen trong kinh doanh gọi là "kinh doanh trù dập, làm ăn không công bằng", như vậy dẫn tới triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp.
Phải làm thế nào?
Nhưng nếu bán hoàn toàn vốn thì cần phải thực hiện thế nào? Nguồn tiền thu về được sử dụng ra sao? Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn nói thẳng việc này không hề khó.
Từ bài học của Indonesia đã từng thực hiện khi xử lý khủng hoảng kinh tế, ông Sơn kiến nghị thành lập Ủy ban gọi là ủy ban cổ phần hóa Quốc gia hoặc Uỷ ban tư nhân hóa Quốc gia. Ủy ban này có quyền lực độc lập do chính Quốc hội đề ra và nắm toàn quyền quyết định.
Tức là ủy ban này sẽ có quyền chỉ mặt những doanh nghiệp phải bán và bán như thế nào dựa vào khả năng làm ăn, kinh doanh của những doanh nghiệp này mà không bị lệ thuộc vào Chính phủ hay bất kỳ cơ quan nhà nước nào khác.
Đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ Ủy ban này có toàn quyền cho phá sản, thu hồi tài sản, định giá, phát mãi tài sản, thậm chí có thể đề nghị xử lý hình sự.
Để tránh tình trạng gian lận, tất cả các vấn đề về định giá phải được công khai sau đó bán đấu giá và các thủ tục đấu giá cũng phải công khai.
Quan điểm bán dưới giá gây thâm hụt cho ngân sách là cổ hủ, không nên ngồi giữ mấy đồng tiền lẻ mà phải tính giải thoát cho những doanh nghiệp này, trả nó lại cho thị trường để nó làm ăn tốt hơn từ đó thu thuế nhiều hơn.
Nhưng cũng phải nói đã có tới 6 lãnh đạo của Ủy ban chính phủ Indonexia phải xử lý hình sự do có tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đến người thứ 7 mới đứng được tại vị trí này. Do đó còn phải nói Việt Nam có đủ quyết tâm làm được như vậy không?
Khi bán được vốn rồi thì nguồn vốn này được sử dụng thế nào?
Nguồn vốn thu được sẽ được nộp về ngân sách thông qua hình thức thu thuế, thành lập một nguồn ngân sách mới không còn gọi là nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước nữa.
Như vậy, rõ ràng nguồn tài sản thu về sẽ là rất lớn, cắt giảm được nguồn lực bị dàn trải, lãng phí giúp cải thiện nợ công cũng như giải quyết được các vấn đề về ngân sách.
Du Ca
đất việt
|