Quy hoạch thêm 8 khu nông nghiệp công nghệ cao
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch về xây dựng thêm tám khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh thành đến năm 2020, bên cạnh hai khu ở Hậu Giang và Phú Yên đã được phê duyệt trước đây.
Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM được đưa vào quy hoạch phát triển của Chính phủ đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 - Ảnh minh họa: Hùng Lê
|
Theo Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng vừa phê duyệt thì tám khu mới này ở các tỉnh và thành phố Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương và Cần Thơ. Thực ra, những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này đã được UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập và một số khu đã được hình thành phát triển trong nhiều năm qua.
Theo quyết định quy hoạch, việc xây dựng, phát triển các khu này nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu. Những khu này sẽ là hạt nhân công nghệ nhân rộng ra các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo quy hoạch của Chính phủ, định hướng đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập thuộc quy hoạch tổng thể.
Bên cạnh đó, quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh thành còn lại.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao được tập trung tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ; các vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Thái Nguyên và Lâm Đồng; các vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Bình Thuận.
Các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Lâm Đồng; các vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, TPHCM, Lâm Đồng; các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Các vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng; các vùng chăn nuôi lợn ngoại ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; các vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
|
Hùng Lê
tbktsg
|