Thứ Sáu, 22/05/2015 10:19

Phòng thủ của tỷ giá

Khi các chủ thể ở chiều cung có ý cân nhắc, các tổ chức ở chiều cầu không thể không gia tăng tính chủ động. Nhà nhập khẩu thay vì đến tháng sau mua ngoại tệ cũng được, nay mua luôn cho chắc ăn. Động thái phòng thủ của cả hai đã góp phần đẩy tỷ giá chạy nhanh hơn.

 

Tuy vừa được điều chỉnh biên độ, nhưng tỷ giá lại chạy nhanh lên tiệm cận trần mới.

Có hai điểm khác biệt giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá giao dịch của các ngân hàng những ngày này. Thứ nhất chênh lệch giá mua - bán của tỷ giá thị trường tự do khá ổn định và thấp, khoảng 20-30 đồng/đô la Mỹ. Thí dụ mua vào 21.750 đồng, bán ra 21.770 đồng/đô la Mỹ. Thứ hai giá bán ra trên thị trường tự do thấp hơn giá niêm yết bán ra chuyển khoản của ngân hàng, thậm chí thấp hơn cả giá niêm yết bán ra của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một số tiệm vàng và điểm thu đổi ngoại tệ cho biết nhu cầu mua đô la tiền mặt “yên tĩnh”. Giá vàng thế giới đang cao, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong - ngoài nước nên việc gom đô la để nhập vàng lậu giảm hẳn.

Trong khi đó, khoảng cách giá mua - bán ngoại tệ niêm yết của các tổ chức tín dụng và của Sở Giao dịch NHNN tiếp tục giữ độ giãn rộng. Ngày 6-5-2015, ngày cuối cùng trước khi điều chỉnh tỷ giá thêm 1%, Sở Giao dịch NHNN niêm yết giá 21.350 đồng/đô la Mỹ (mua vào) và 21.600 đồng/đô la Mỹ (bán ra). Một tuần sau khi điều chỉnh, giá trên được giữ nguyên. Đến ngày 15-5-2015, nó được cập nhật thành 21.600 đồng và 21.820 đồng/đô la Mỹ.

Đúng một tháng trước, giá niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 21.620-21.630 đồng/đô la Mỹ, nay đã tăng khoảng 200 đồng/đô la Mỹ, mà cầu chưa tỏ ra suy yếu, thì các chủ thể có liên quan đến ngoại tệ không thể không cân nhắc.

Sự chênh lệch giá mua - bán được rút từ 250 đồng xuống 220 đồng/đô la Mỹ, nhưng vẫn cao nhất thị trường. Không có ngân hàng thương mại nào niêm yết giá mua - bán chênh lệch đến mức ấy cả. Với giá đó, nếu có giao dịch ở vai trò người mua - bán cuối cùng, NHNN lãi to và lãi nhất thị trường. Tuy nhiên, không có ngân hàng nào bán ngoại tệ cho NHNN vì giá mua thực sự của họ đã cao hơn giá mua của NHNN. Nếu bán, họ lỗ liền. Ở chiều cung ứng cho thị trường, NHNN cũng không bán ra một đồng đô la nào.

Sau khi lên đến mức cao nhất ghi nhận được là 21.840 đồng/đô la Mỹ, giá bán ra của ngân hàng rớt trở lại 21.790 đồng/đô la Mỹ chủ yếu do thông tin số liệu nhập siêu chính thức bốn tháng đầu năm được công bố hơn 2 tỉ đô la Mỹ từ ước tính 3 tỉ đô la Mỹ trước đó. Vẫn như mọi khi, NHNN phát đi thông điệp tỷ giá có biến động nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép, chưa kịch trần (còn cách trần 50-70 đồng/đô la Mỹ) và cơ quan quản lý sẵn sàng can thiệp. (Tuy nhiên, đến chiều ngày 19-5, tỷ giá được các ngân hàng niêm yết lại tăng, từ 21.830-21.835 đồng/đô la Mỹ).

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá luôn nằm trong biên độ cho phép. Chỉ một điểm lưu ý là tuy vừa điều chỉnh biên độ xong, tỷ giá lại chạy nhanh lên tiệm cận trần mới. Nó không một ngày giảm về mức trần cũ, chứ chưa nói đến dưới trần cũ - điều vẫn thường xảy ra với những lần điều chỉnh năm ngoái, năm kia. Rõ ràng cầu ngoại tệ đang ở một diễn biến khác, ở thế thượng phong so với cung. Đúng một tháng trước, giá niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 21.620-21.630 đồng/đô la Mỹ, nay đã tăng khoảng 200 đồng/đô la Mỹ, mà cầu chưa tỏ ra suy yếu, thì các chủ thể có liên quan đến ngoại tệ không thể không cân nhắc.

Tâm điểm sự diễn biến khác của cầu ngoại tệ chính là phòng thủ. Con số nhập siêu thời gian qua lớn hơn cùng kỳ, nhưng so với 4-5 năm trước chưa phải lớn, chưa đến mức báo động. Vấn đề là ở chỗ các nhà xuất khẩu, các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, giới đầu tư nước ngoài chỉ yên tâm bán ra khi họ thấy rõ mười mươi có thể mua lại được lúc cần. Nay họ nhìn thấy trong trường hợp bán ra ngoại tệ tháng trước, họ có thể đã và sẽ phải mua lại giá cao hơn. Mặt khác, họ cũng nhận ra chưa có sự đảm bảo chắc chắn sẽ mua được bất cứ lúc nào. Gần nửa năm qua, NHNN không bán ra ngoại tệ kể từ lần bán ra gần nhất vào ngay đầu tháng 12 năm ngoái với mức khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Còn nhớ lần đó khi tỷ giá có biểu hiện căng, NHNN chần chừ trước khi quyết định bán ra. Còn từ đầu năm đến nay, mỗi lần tỷ giá biến động mạnh, cơ quan quản lý luôn ở tình trạng tuyên bố sẵn sàng bán, rốt cuộc không bán.

Khi các chủ thể ở chiều cung có ý cân nhắc, các tổ chức ở chiều cầu không thể không gia tăng tính chủ động. Nhà nhập khẩu thay vì đến tháng sau mua ngoại tệ cũng được, nay mua luôn cho chắc ăn. Động thái phòng thủ của cả hai đã góp phần đẩy tỷ giá chạy nhanh hơn.

Thêm nữa ở vị trí trung gian, một số ngân hàng đã lỗ trong kinh doanh ngoại hối. Số này dự báo phải đến cuối năm tỷ giá mới điều chỉnh 2% như NHNN cam kết, nên đã bán ra ngoại tệ, lấy tiền đồng kinh doanh từ sau lần điều chỉnh đầu tiên của năm nay. Hiện tại tổng trạng thái ngoại hối của cả hệ thống ngân hàng đang âm, mức âm, theo tính toán của một số ngân hàng, ước chừng 1 tỉ đô la Mỹ. Những ngân hàng nào đã bán ngoại tệ sớm, nay buộc phải khôi phục trạng thái ngoại hối về dương như quy định, sẽ phải mua vào. Tất nhiên, họ canh thời điểm thuận lợi để mua và sự canh chừng ấy là bảo hiểm để tỷ giá không rơi sâu.

Câu hỏi bây giờ là tại sao NHNN không/chưa bán ra ngoại tệ? Cơ quan quản lý có thể trả lời “chưa cần thiết”. Khoảng 35 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối là con số ấn tượng. Sự ấn tượng phải phát huy tác dụng ở trạng thái động, có mua có bán, có vào có ra, không phải ở trạng thái tĩnh, mang ý nghĩa tượng trưng. Sự hoạt động vào ra tạo cho nhà quản lý vị thế chủ động, từ đó tạo sức lan tỏa đến thị trường rằng cung cầu đang được cân đối hài hòa.

Mức gia tăng dự trữ ngoại hối cần được đặt trong tốc độ gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối hiện đáp ứng được khoảng 11 tuần nhập khẩu (tính trên kim ngạch nhập khẩu 51,8 tỉ đô la Mỹ bốn tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê). Trong quá khứ, đã có thời điểm dự trữ ngoại hối tương đương 12 tuần nhập khẩu.

Ngoài ra, trước đây tỷ giá được điều hành bởi Vụ Quản lý ngoại hối NHNN - nơi tập trung chuyên môn lẫn kinh nghiệm về lĩnh vực này. Năm ngoái, tỷ giá được chuyển sang cho Vụ Chính sách tiền tệ điều hành. Một quan chức NHNN lý giải sự dịch chuyển kỹ thuật trên hơi “nhạy cảm” về mặt tổ chức. Không rõ sự nhạy cảm là gì. Trên thực tế, kể từ khi được Vụ Chính sách tiền tệ điều hành, tỷ giá tỏ ra kém linh hoạt, mức độ dẫn dắt thị trường không còn mạnh mẽ như trước.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp mong lãi suất dài hạn về 9% (22/05/2015)

>   EAB và ABBank vẫn đang xác minh số liệu để đàm phán (21/05/2015)

>   Ngân hàng TMCP Việt Á tăng vốn điều lệ lên 3,500 tỷ (21/05/2015)

>   Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư 8,55%/năm (21/05/2015)

>   Tổng dư nợ tại Hà Nội đạt gần 1,099 tỷ đồng tháng 5 (21/05/2015)

>   Ngân hàng vẫn “ca” bài trích lập dự phòng rủi ro (21/05/2015)

>   Sáp nhập VietinBank-PG Bank: Người gửi tiền được đảm bảo quyền lợi (21/05/2015)

>   HDBank nhận giải “Tăng trưởng tốt tài trợ thương mại Quý I/2015” (20/05/2015)

>   “Gia nhập TPP, FTAs, AEC: Cơ hội và thách thức” (20/05/2015)

>   TP.HCM: kiều hối 4 tháng đạt 1,4 tỉ USD (20/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật