Ngành xây dựng quý 1: Nhóm Sông Đà “dậy sóng”, họ Vinaconex còn èo uột
Theo thống kê của Vietstock, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trong quý 1/2015 đạt gần 940 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp “họ” Sông Đà cho thấy sự trở lại tích cực thì họ Vinaconex hay Lilama vẫn còn nhiều khó khăn.
* Ngành bất động sản có thực sự khởi sắc trong quý 1/2015?
Lợi nhuận “họ” Sông Đà quý 1 tăng hơn 10%
Chỉ xét riêng ngành xây dựng, 14 doanh nghiệp niêm yết “họ” Sông Đà báo tổng lợi nhuận gần 100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn trong số này đều hoạt động trong lĩnh vực chi tiết là xây dựng hệ thống tiện ích công.
Đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1 là Sông Đà 909 (HNX: S99) với lãi ròng 4.7 tỷ đồng, tăng gần gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không đến từ hoạt động chính khi doanh thu giảm 52% do nhu cầu cung cấp đá cho công trình Thủy điện Lai Châu sụt giảm. Thay vào đó, lợi nhuận tăng trưởng nhờ S99 thanh lý, chuyển nhượng các tài sản đã khấu hao và hỏng hóc.
Tiếp theo là Sông Đà 11 (HNX: SJE) với mức tăng trưởng lợi nhuận 128%, đạt hơn 13 tỷ đồng nhờ doanh thu thuần tăng 73%, đạt 272 tỷ đồng.
Những đơn vị khác cũng ghi nhận tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm gồm SD6, SC5, SD2, SD4, SD6, S55. Trong số này, Sông Đà 6 (SD6) có mức lợi nhuận lớn nhất về tuyệt đối, đạt gần 17 tỷ đồng, tương ứng tăng 8% so cùng kỳ. Doanh thu thuần SD6 trong quý 1 đạt gần 291 tỷ đồng, tăng 66%. Song, do giá vốn tăng đến 79% nên lãi gộp SD6 chỉ còn tăng 22%, đạt gần 49 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp “họ”Sông Đà trong quý 1/2015
3 doanh nghiệp giảm lãi trong quý 1 là SD9, SDT và SD7 với mức giảm lần lượt 20%, 37% và 44% so cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ SD7 có doanh thu sụt giảm so cùng kỳ thì SD9 và SDT đều tăng doanh thu nhưng do giá vốn phát sinh cao và chi phí lãi vay lớn khiến cho kết quả cuối cùng sụt giảm.
Cũng phải nói đến 2 doanh nghiệp thua lỗ trong nhóm Sông Đà là Kỹ Thuật Điện Sông Đà (HNX: SDE) và Sông Đà 12 (HNX: S12). Cả hai đều hụt nguồn thu đáng kể trong quý 1/2015 và không đủ bù đắp chi phí phát sinh trong kỳ. Đáng chú ý thì cả hai đều có mức lỗ trong cùng kỳ quý 1/2014.
VCG cứu cả “họ” Vinaconex
Không còn ghi nhận khoản lỗ do thanh lý tài sản tại CTCP Vận tải như quý 1/2014 với giá trị 95 tỷ đồng, Vinaconex (HNX: VCG) chính thức báo lãi gần 86 tỷ đồng, tăng 13 lần. Chính nhờ kết quả của VCG mà lợi nhuận của “họ” Vinaconex tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước bất chấp phần lớn các đơn vị khác đều đang khó khăn.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp “họ”Vinaconex trong quý 1/2015
Chẳng hạn như Xây Dựng Số 2 (HNX: VC2) báo lãi quý 1 hơn 429 triệu đồng, giảm 96% so cùng kỳ năm trước do kinh doanh lỗ phần sàn văn phòng NO5 trong khi chi phí lãi vay lại tăng cao khi kết chuyển lãi vay tòa nhà C, D thuộc dự án Kim Văn – Kim Lũ theo Thông tư 200.
Kỳ này, có 1 doanh nghiệp báo lỗ là Xây Dựng Số 5 (HNX: VC5) với mức lỗ gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi nhẹ 641 triệu đồng. Nguyên nhân chính là do công ty khó khăn trong việc đấu thầu, tìm kiếm việc làm, công tác nghiệm thu dẫn đến nguồn tiền thu từ chủ đầu tư bị chậm trễ. Hơn nữa, công tác tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng cũng khó khăn, không giải ngân kịp thời vào các công trình dẫn đến kéo dài tiến độ.
“Họ” Lilama chưa đột biến
Trong quý 1, doanh nghiệp xây dựng “họ” Lilama vẫn chưa có gì đột biến so với cùng kỳ năm trước. Sự thay đổi về doanh thu và lợi nhuận về tuyệt đối không đáng kể.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp “họ” Lilama trong quý 1/2015
Tăng trưởng nhiều nhất trong nhóm này thuộc về Cơ Khí Lắp Máy Lilama (HNX: L35) với doanh thu và lãi ròng lần lượt tăng 29% và 54% so cùng kỳ năm trước. Còn Lilama 18 (HOSE: LM8), dù tăng chỉ 8% nhưng là đơn vị lãi cao nhất, gần 12 tỷ đồng.
Một điểm nữa là hầu hết nhóm doanh nghiệp này đều trong lĩnh vực nhà thầu thiết bị xây dựng, phân khúc mà Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) được thấy như một “đầu tàu”. Song, kết quả kinh doanh quý 1 của REE năm nay có vẻ không toát lên được vị thế này khi lãi ròng chỉ gần 145 tỷ đồng, giảm 38% so cùng kỳ năm trước và chỉ thực hiện hơn 15% kế hoạch cả năm.
Cụ thể, trong quý 1, doanh thu thuần của REE đạt hơn 676 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm trước. Trong kỳ này, REE cũng lần đầu phát sinh thêm khoản doanh thu từ điện - nhiên liệu hơn 71 tỷ đồng. Lãi gộp của REE cũng tăng gần 12%, đạt 182 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quý 1/2015, lãi từ công ty liên kết liên doanh của REE giảm hơn 80%, chỉ còn hơn 14 tỷ đồng và lỗ khác 50 triệu đồng nên kết quả cuối cùng không duy trì ở mức cao như 4 quý gần đây.
Xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 30% lợi nhuận toàn ngành
Trong ngành xây dựng nói chung, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông hoạt động khá hiệu quả trong quý 1. Lợi nhuận từ nhóm này chiếm hơn 30% lợi nhuận toàn ngành. Điều này cũng khá dễ hiểu trong bối cảnh đầu tư công đang mở rộng và trước chủ trương phát triển cơ hạ tầng trên cả nước.
KQKD của doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý 1/2015
Mức tăng trưởng mạnh nhất của doanh nghiệp trong phân khúc này thuộc về Tasco (HNX: HUT). Doanh thu của HUT trong kỳ đạt 178.6 tỷ đồng, tăng 60% cùng kỳ; trong đó doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt gần 116 tỷ đồng, gấp 1.7 lần cùng kỳ. Lãi ròng hợp nhất trong kỳ ghi nhận 5.6 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ.
HUT là đơn vị thực hiện rất nhiều công trình hạ tầng giao thông, dự kiến trong năm 2015 khởi công đầu tư dự án BOT Quốc lộ 10 Hải Phòng, BOT Quốc lộ 32 đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Thọ - Trung Hà. Triển khai đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc dưới hình thức hợp đồng BOO,…
Nếu xét riêng phân khúc thu phí cầu đường thì CII và IJC là hai doanh nghiệp tiêu biểu. Chẳng hạn như IJC, doanh thu bán vé cầu đường quý 1 chiếm hơn 35% tổng doanh thu, đạt hơn 50 tỷ đồng. Theo đó, lãi ròng ghi nhận đạt gần 34 tỷ đồng, tăng gần 80% so với quý 1/2014.
Với CII, bên cạnh doanh thu thuần tăng 112% so cùng kỳ, đạt 532 tỷ đồng (doanh thu thu phí và thanh lý hợp đồng BOT gần 156 tỷ) thì doanh thu tài chính cũng tăng đáng kể, hơn gấp 4 lần so với quý 1/2014. Chính nhờ đó mà lãi ròng của cổ đông công ty mẹ CII đạt 172 tỷ đồng, tăng trưởng 84%.
Chỉ có 1 doanh nghiệp trong nhóm này thua lỗ là Công Trình 6 (HNX: CT6) với mức lỗ hơn 3 tỷ đồng. Theo CT6, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty năm 2015 sẽ rất khó khăn, các công trình mới chưa có, khả năng thiếu việc làm là rất lớn vì không thể tham gia đấu thầu công trình đường sắt và Bộ giao thông vận tải đại diện chủ đầu tư (vì vốn Nhà nước lớn hơn 30% vốn điều lệ).
Sanh Tín
|