Không thể cắt khúc một đoàn tàu
Việc đổi mới, xã hội hóa Tổng công ty đường sắt (TCTĐS) luôn trong tình trạng diễn ra chậm chạp, dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hối thúc quyết liệt. Khi con tàu “xã hội hóa” bắt đầu lăn bánh thì TCTĐS lại quyết định kéo lùi nó bằng một đề nghị khá bất ngờ: khi cổ phần hóa các công ty vận tải đường sắt thì giữ lại đầu máy cho TCTĐS quản lý.
TCTĐS muốn giữ lại đầu tàu và chỉ cổ phần hóa các toa tàu. Ảnh minh họa wikipedia.org
|
Cuối tháng 12-2014, Bộ GTVT phê duyệt đề án “Huy động vốn để xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt”. Trước đó một năm, đề án tái cơ cấu TCTĐS Việt Nam cũng đã được phê duyệt. Mục đích của cả hai đề án này là Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Các hạng mục còn lại đều xã hội hóa, nhượng quyền khai thác các tuyến đường sắt hiện có và kêu gọi đầu tư xây mới toàn bộ các tuyến đường sắt khác, bao gồm từ phương tiện vận tải đến nhà ga, đường ray... theo hình thức PPP. Mặt khác, đề án xã hội hóa cũng nhằm đẩy mạnh việc tách bạch giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã phê duyệt quyết định cổ phần hóa 24 doanh nghiệp thuộc TCTĐS. Trong số này có 19 doanh nghiệp là các công ty bảo trì đường sắt, năm công ty thông tin khai thác tín hiệu, hai công ty vận tải và hai nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An. Quyết định này cho thấy ngay cả các đơn vị quản lý hạ tầng, đảm bảo an toàn cho đường sắt còn phải tiến hành cổ phần hóa thì việc cổ phần hóa các công ty vận tải, nhà máy xe lửa là tất yếu.
Tổng công ty Đường sắt muốn cổ phần hóa theo kiểu “cắt khúc”: giữ lại đầu tàu và chỉ cổ phần hóa các toa tàu.
|
Song, khi đang trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa ở hai công ty TNHH một thành viên (Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn) thì TCTĐS lại đề nghị bộ chấp nhận phương án để TCTĐS trực tiếp quản lý đầu máy theo hình thức chuyển các xí nghiệp đầu máy về trực thuộc tổng công ty. Các công ty vận tải đường sắt sau cổ phần hóa sẽ thuê sức kéo theo hợp đồng với tổng công ty. Nói cách khác, TCTĐS muốn CPH theo kiểu “cắt khúc”: giữ lại đầu tàu và chỉ cổ phần hóa các toa tàu.
Thực tế thì cách xã hội hóa theo kiểu “cắt khúc” này đã được tiến hành trên một số đoàn tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai hay TPHCM - Nha Trang. TCTĐS cho các công ty tư nhân đầu tư một số toa tàu. Đầu máy và tất cả các phần còn lại vẫn do tổng công ty quản lý và điều hành, hai bên ăn chia theo doanh thu. Nhưng cách làm này cũng không mấy hiệu quả vì cơ sở hạ tầng đường sắt vẫn trên nền tảng yếu kém. Các công ty bán được vé với giá rất cao (nhất là dịp cuối tuần) nhưng thực thu về cho Nhà nước không được nhiều, ít minh bạch.
Đây là một đề nghị khá lạ. Lý do TCTĐS đưa ra là nhằm đảm bảo khả năng cân đối tài chính cho công ty mẹ, chi phối hoạt động kinh doanh của các công ty con thông qua việc cho thuê đầu kéo hay cho thuê đầu kéo gắn với việc cung cấp dịch vụ điều hành giao thông đường sắt của tổng công ty, đảm bảo thuận tiện cho công tác thống kê kiểm đếm, thanh toán và hạch toán chi phí...
Những lý do này thực ra không thuyết phục bởi TCTĐS hiện đang quản lý 14 chủng loại đầu máy với 319 đầu máy. Nguyên giá tài sản là 3.353 tỉ đồng, đã khấu hao lũy kế được 2.141 tỉ đồng. Giá trị tài sản còn lại là 939 tỉ đồng. Như vậy, lập luận cân đối tài chính cho công ty mẹ không thuyết phục.
Đề nghị giữ lại các đầu tàu sẽ giúp cho TCTĐS dễ dàng chi phối các công ty vận tải, kể cả khi các công ty này đã được cổ phần hóa. Bởi lẽ các đoàn tàu mà không chủ động về đầu tàu thì vẫn phải chạy lên TCTĐS. Thử hỏi, cổ phần hóa nửa vời như vậy thì các doanh nghiệp bên ngoài có mặn mà với việc mua cổ phần các công ty vận tải hay không?
Hơn nữa, điều đó đi ngược lại chủ trương tách bạch giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà Bộ GTVT hướng đến. TCTĐS vẫn quản lý các đơn vị kinh doanh hạ tầng, nay cổ phần hóa các công ty con mà vẫn giữ lại các xí nghiệp đầu máy thì việc chi phối là rất lớn, đi ngược lại mục tiêu đề ra.
Ngay trong cuộc họp về vấn đề cổ phần hóa tại Bộ GTVT tuần trước, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ GTVT) đã bác đề nghị này của TCTĐS. Ban chỉ đạo đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT giữ nguyên lực lượng sức kéo tại các doanh nghiệp vận tải đường sắt để tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp này theo đúng lộ trình đề ra, đảm bảo thu hút được nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa thực sự chủ động trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, giảm cơ chế xin - cho trong việc chạy tàu.
Ngọc Lan
tbktsg
|