Thứ Ba, 19/05/2015 21:21

Indonesia tạt “gáo nước lạnh” vào AEC

Sự thiếu nhiệt tình của Indonesia trong quá trình hội nhập kinh tế ASEAN đang tạt “gáo nước lạnh” lên những sáng kiến tham vọng của Hiệp hội về việc tạo ra một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất đồng nhất trong khu vực vào cuối năm nay.

Ông Datuk Seri Nazir Razak tại Diễn đàn ABC 2015 tại Singapore.

Trong khi những thành viên khác của ASEAN bao gồm cả nước Chủ tịch Malaysia đang bận rộn tìm mọi giải pháp để loại bỏ trở ngại gây ra bởi khung pháp lý và chính sách trong nước, qua đó đạt được tầm nhìn Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì Indonesia tỏ ra “hững hờ” với mọi sáng kiến. Điều này khiến không ít người hoài nghi về thành công của AEC.

Không thể thiếu

“ASEAN sẽ không đạt được gì nếu thiếu Indonesia”, Chủ tịch Tập đoàn CIMB và Câu lạc bộ kinh doanh ASEAN (ABC) Datuk Seri Nazir Razak cho biết. Ông Nazir là người ủng hộ và trung thành với AEC nhưng ông nhấn mạnh quy mô nền kinh tế Indonesia có ý nghĩa quan trọng đối với thành công cũng như tầm nhìn của cộng đồng.

“Thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng của Indonesia khi kết nạp nước này vào nhóm G20. Mỗi sáng kiến của ASEAN phải bao gồm Indonesia và sự tham gia của Indonesia là một trong những mối quan tâm chính của tôi về AEC. Hiện nay, chủ nghĩa dân tộc kinh tế ở Indonesia đang gia tăng, một phần do những lo ngại về AEC và nếu chính phủ mới của Tổng thống Joko Widodo ủng hộ xu hướng này thì tôi sẽ không khả quan về tương lai của AEC”, ông Nazir nói.

Với tổng GDP lên tới 870 tỷ USD chiếm khoảng 40% tổng GDP của cả khu vực (2.100 tỷ USD), cho đến nay Indonesia vẫn là nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Nước này cũng có quy mô thị trường lớn nhất khu vược với tổng dân số lên tới 250 triệu người. “Tôi hy vọng Indonesia sẽ đi đầu trong thực hiện các sáng kiến của AEC”, ông Nazir nói tại diễn đàn ABC thường niên 2015 vừa qua tại Singapore với chủ đề “Con đường hội hập ASEAN”.

Diễn đàn ABC thường niên quy tụ các giám đốc điều hành của phần lớn doanh nghiệp kinh doanh lớn trong ASEAN. Lần này, diễn đàn có mục đích đưa các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong toàn khu vực lại gần nhau hơn để thúc đẩy sáng kiến AEC. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của đoàn đại biểu Indonesia tại diễn đàn đã tạo ra nghi ngờ về cam kết của nước này với tầm nhìn cộng đồng.

Cam kết mơ hồ

Bày tỏ sự lo lắng của mình về lập trường của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Nazir nói: “Cam kết của Indonesia đối với AEC khá mơ hồ và chúng tôi đang đợi một tuyên bố chính thức của ông Widodo về AEC”.

Ông Nazir cho biết không giống như những người tiền nhiệm vốn ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực, sau khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, ông Widodo chưa thể hiện sự mặn mà với AEC, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng chung trong ASEAN.

Cụ thể, Indonesia đã không tham gia Diễn đàn liên kết thị trường vốn ASEAN (ACMF) trong khuôn khổ AEC. ACMF là một thành phần quan trọng để phát triển thị trường vốn sâu rộng, linh hoạt, cho phép dòng vốn chảy tự do trong khu vực. Hiện nay mới chỉ có Thái Lan, Singapore và Malaysia tham gia ACMF.

Hơn nữa, Indonesia cũng không tham gia sáng kiến Quỹ khu vực châu Á (ARFP) được thành lập hồi tháng 8 năm ngoái và thuộc khuôn khổ Đề án đầu tư tập thể ASEAN (CIS). CIS cho phép các nhà quản lý quỹ, sau khi được cấp phép có thể tiến hành hoạt động thu hút vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong các nước thành viên CIS. 6 quốc gia bao gồm Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã cam kết cho phép thực hiện giao dịch xuyên biên giới một cách rộng rãi hơn trong khuôn khổ CIS và ARFP. Lý do mà Indonesia đưa ra khi không tham gia ARFP là nước này còn thiếu cơ sở hạ tầng giao dịch cần thiết, lĩnh vực quỹ đầu tư còn nhiều bất cập và các cơ quan nhà nước chưa có đủ năng lực quản lý.

AEC với đặc trưng là thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất đồng nhất sẽ tạo ra những dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động chất lượng cao và nguồn vốn. Cho đến nay AEC đã thực hiện được 90,5% các mục tiêu, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách trong khu vực thừa nhận rằng quá trình hội nhập kinh tế toàn diện ASEAN sẽ không được hoàn thành vào cuối năm nay.

Hiện nay, dù thiếu vắng sự hợp tác của Indonesia, các nhà hoạch định chính sách khu vực vẫn đang nỗ lực để hướng tới hoàn thành 95% mục tiêu AEC vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia Datuk Seri Mustapa Mohamed, để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách ASEAN phải thể hiện ý chí chính trị cao hơn và cùng nhau giải quyết các vấn đề khác như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa 10 nước thành viên, nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực.

Ông U Thura Koko, đồng Chủ tịch ABC nhấn mạnh ASEAN ngày càng được công nhận như một nền kinh tế, một môi trường kinh doanh chính trên toàn cầu. Với tổng dân số khoảng 625 triệu người, ASEAN chiếm 9% dân số thế giới và nếu như là một thực thể kinh tế độc lập, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với GDP khu vực là 2,4 nghìn tỷ USD.

Phạm Hằng (Theo The Star Online)

thế giới và việt nam

Các tin tức khác

>   IMF: Trợ giá năng lượng trên toàn cầu có thể lên đến 5.300 tỷ USD (19/05/2015)

>   Brazil dự định cắt giảm hơn 23 tỷ USD chi tiêu ngân sách (19/05/2015)

>   GDP của Malaysia tăng trung bình 5,5% kể từ năm 1999 (19/05/2015)

>   Nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc có nguy cơ trắng tay (19/05/2015)

>   Dầu xuống thấp nhất một tuần (19/05/2015)

>   Indonesia: Thâm hụt tài khoản vãng lai giảm trong quý Một (18/05/2015)

>   Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu sẵn sàng hợp tác với AIIB (18/05/2015)

>   Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp ở mức rủi ro cao (17/05/2015)

>   Tổng thống Mỹ giàu cỡ nào? (16/05/2015)

>   Chuyện buồn của đế chế mỹ phẩm Avon (16/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật