Khu kinh tế:
“Để rút kinh nghiệm chính sách chứ không phải xây nhiều”
“Khu chế xuất hay khu công nghiệp là một thực thể kinh tế nhưng bản chất của nó với kinh tế vĩ mô là thí điểm chính sách. Cái đau lớn nhất của mình là khi thành công được một khu rồi, cần phải rút kinh nghiệm chính sách để áp dụng cho toàn quốc thì mình lại không làm” - ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên lãnh đạo Khu chế xuất Tân Thuận từ những ngày đầu, nhận xét.
Nhìn một cách tổng quát, các nước phát triển không cần những KCX hay KKT do họ luôn đi đầu trong những chính sách thúc đẩy phát triển. Những nước chậm phát triển, chính sách chưa được như vậy thì thường làm thí điểm. KCX, KCN, KKT hay có mặt ở những nước kém phát triển là vì vậy.
Với những nước làm đúng, họ rút kinh nghiệm chính sách để áp dụng toàn quốc. Như Trung Quốc, do lớn quá, họ không áp dụng ngay một lúc nên làm bốn khu, sau đó triển khai chính sách ra 14 thành phố, rồi làm toàn vùng duyên hải và cuối cùng làm ra phía tây và toàn quốc. Bài học là họ rút kinh nghiệm chính sách chứ không phải làm thêm nhiều KKT.
Ở Việt Nam, chúng ta rút kinh nghiệm từ KCX Tân Thuận, sau đó sinh ra mười mấy khu ở vùng thành phố rồi thành hơn 300 KCN/kinh tế trên cả nước. Chúng ta không rút kinh nghiệm chính sách mà rút kinh nghiệm bằng mô hình. Nếu 15-20 năm trước, khi đã thấy chính sách ở KCX ban đầu là tốt, có thể áp dụng cho cả nước thì sẽ không cần nhiều KCN như hiện nay, mà nhiều KCN không có giá trị.
Cho nên, với câu hỏi vai trò của KCX hay KCN còn tồn tại tới lúc nào, câu trả lời là: tới lúc mà Nhà nước rút ra kinh nghiệm để áp dụng chính sách cho toàn quốc. Bấy giờ sẽ không còn cần những khu này.
Các địa phương vẫn đi xin phép lập từng KCN/KCX, vì những người đi xin gặp hai vấn đề: một là không hiểu nội dung nên nghĩ cứ xin một KCN là sẽ thành công như những khu đã biết; hai là dù chưa tin lắm về khả năng “làm được” nhưng cứ xin đã, trung ương thế nào cũng cấp cho một khoản tiền.
Vài năm trước, khi xuống KKT ở Năm Căn (Cà Mau), nơi đây chỉ có 18.000 dân. Họ chỉ có một con sông có nước sâu nhưng cũng lập một cái cảng và xin bằng được KKT cảng. Cảng đó có một cần cẩu, cần cẩu đó chỉ cẩu được đúng một lần. Năm năm sau, không có lần dùng cẩu thứ hai.
Khi có KKT rồi, họ xin cho được để gắn với một đô thị cấp 5 mà theo yêu cầu phải có 40.000 dân. Tôi hỏi dân số biến đổi ra sao, họ rất thật thà nói “năm năm tăng được hai người”. Tỉ lệ sinh ở đây bình thường nhưng người dân rời đi hết, như vậy ở đó không có mầm cho phát triển. Vì cứ được nâng cấp đô thị thì được trung ương cấp cho một khoản tiền. Người ta cần khoản tiền này chứ không cần đô thị. Và kinh tế chúng ta bị chia cắt tiềm năng như thế ở khắp nơi.
Đối với KCX, sau mười mấy năm, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng, tôi đã không đồng ý. Vì mở rộng thật sự là phải từ chính sách chứ không phải xây thêm một KCX nữa. Ngay khi làm KCX, tôi đã nghĩ tới việc làm khu Phú Mỹ Hưng, vì vậy trong giấy phép KCX đã có đường Nguyễn Văn Linh. Khi làm đường Nguyễn Văn Linh thì bắt đầu cấu tạo ra khu đô thị Nam Sài Gòn. Khi làm khu đô thị này thì đã chuẩn bị để làm cảng Hiệp Phước.
Vì vậy, mọi phát triển kinh tế, dù mô hình cỡ nào, dù là đề án nào thì cũng đều phải đặt nó vào tổng thể của sự phát triển vùng chứ không để những đề án riêng rẽ. Tôi cho rằng các mô hình của ta thành công mà không phát huy được là vì chúng ta không đặt nó vào tổng thể của sự phát triển.
Khu kinh tế thành công không nhiều
Năm 1959, đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên được thử nghiệm ở Ireland nhưng mô hình này chỉ được chú ý sau khi Trung Quốc tiến hành thành công vào những năm 1980. Cho đến giờ, có khoảng 4.300 SEZ trên toàn thế giới với gần 70 triệu lao động.
Nhưng tỉ lệ thành công của các SEZ không hề cao. Nghịch lý là các SEZ thường thành công khi nằm trong môi trường trì trệ đóng cửa, kinh tế còn kém phát triển, các điều kiện ưu đãi tạo ra lợi thế riêng cho SEZ. Những trường hợp thất bại là do thiếu hạ tầng, đường sá, cảng kết nối các khu này với phần còn lại của thế giới.
Ở châu Phi, các SEZ thường là các dự án bị bỏ hoang hoặc vẽ ra không có nhà đầu tư. Ở Ấn Độ, hàng trăm dự án hiện vẫn nằm ngổn ngang không hoạt động (riêng bang Maharashtra có tới 60 dự án bỏ dở).
Yếu tố thu hút các nhà đầu tư thường là cắt giảm thuế (ít nhất ngắn hạn) nên ngân sách cũng ảnh hưởng một phần. Điều này bị coi làm bóp méo nền kinh tế và đó là lý do việc mở cửa nền kinh tế trên phạm vi cả nước luôn được coi là tốt hơn thay vì các biện pháp tủn mủn ở các khu SEZ.
Ở một số nước, thành công của SEZ thường nhờ yếu tố kinh tế trong nước. Hàn Quốc chẳng hạn, rất giỏi trong việc thúc đẩy kết nối giữa SEZ với các nhà cung cấp trong nước - điều giúp họ phát triển được công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, một yếu tố để SEZ thành công là kết nối với thị trường toàn cầu nên việc cải thiện cơ sở hạ tầng đôi khi được coi là hiệu quả hơn các biện pháp giảm thuế. Một yếu tố khác là phải có ít sự can thiệp của chính quyền trung ương vì các yếu tố hành chính có thể làm giảm hiệu quả của các dự án SEZ.
(Theo Economist)
|
Thanh Tuấn ghi
Tuổi trẻ
|