Thứ Ba, 19/05/2015 13:00

Chuyển động DN 2015: Mạnh dạn làm BĐS, tăng cường M&A

Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên dần trôi qua hé lộ những chiến lược, bước đi mới của doanh nghiệp trong năm 2015 cũng như trong tương lai gần. Rầm rộ và rõ nét nhất là những chuyển động trong doanh nghiệp bất động sản với hàng loạt dự án mới được lên phương án khởi động; bên cạnh đó thì chiến lược M&A trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành hàng tiêu dùng cũng được nhiều đơn vị đẩy mạnh.

BĐS ấm lên, rầm rộ dự án mới

Với xu hướng thị trường bất động sản (BĐS) đang ấm dần lên, nhiều doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh triển khai đầu tư các dự án dở dang hay tận dụng quỹ đất tích trữ các năm trước làm dự án mới.

Đơn cử như Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), Ban lãnh đạo cho biết năm 2015 là cơ hội để hiện thực hóa các giá trị quỹ đất. Theo đó, NLG sẽ tập trung vào 2 dự án mới là Waterpoint tại Long An và khu Long Sơn; định hướng là tìm kiếm nhà đầu tư quốc tế để cùng hợp tác.

Đình đám không kém, Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) lên phương án phát hành gần 223 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 3,300 tỷ đồng đầu tư hàng ngàn tỷ vào các dự án bất động sản. Tập trung vào 3 khu đô thị, bệnh viện quốc tế Sao Mai và đường giải thoát giao thông khu dân cư Nam Trà Ôn.

Hay Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) cũng xúc tiến thành lập CII Land chuyên môn hóa đầu tư các dự án bất động sản ngay trong năm nay. Hiện, CII đã khởi công hai dự án hạ tầng bất động sản là Diamond Riverside và cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ.

Ngay cả những đơn vị ngoài ngành nhưng có quỹ đất sạch cũng đang chuẩn bị công tác cơ bản nhất để triển khai dự án bất động sản. Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) là một ví dụ, bên cạnh tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư mới nhà máy đan – nhuộm – may thì công ty cũng góp vốn cùng E.Land Asia Holding Pte-Ltd đầu tư dự án TC Tower – dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Trong đó, TCM góp 135.8 tỷ đồng, chiếm 85.33% vốn cho dự án. Đối với dự án này, Đại diện TCM cho biết khâu xin giấy phép đã hoàn thành và chờ khi thị trường khởi sắc hơn sẽ triển khai xây dựng.

Ở một khía cạnh “ăn theo”, đánh giá thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, không chỉ phân khúc nhà ở mà cả phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Everpia (HOSE: EVE) cũng mở thêm ngành mới là xuất nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ nhà bếp, văn phòng… bên cạnh mảng cung cấp chăn, ga, gối đệm và nội thất trang trí cho khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện nay. Trong năm 2014, EVE đã tung ra thị trường sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ tự nhiên mang thương hiệu Everon Furniture.

Nhăm nhe M&A bành trướng quy mô

Năm 2015 cũng được dự đoán rằng hoạt động M&A sẽ càng rầm rộ hơn, thể hiện qua những kế hoạch, phương án huy động vốn để thực hiện ý đồ M&A trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và hàng tiêu dùng.

Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (HOSE: GTN) dự kiến sẽ phát hành thêm 75.2 triệu cổ phần, qua đó thu về khoảng 752 tỷ đồng thì dành đến 76% để đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và M&A các doanh nghiệp cùng ngành. Tại Đại hội, Ban lãnh đạo GTN chia sẻ hiện đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp Nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng để M&A.

Sau một năm thành công với hoạt động thâu tóm và tái cơ cấu Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC), Đầu tư F.I.T (HNX: FIT) lại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong năm 2015 và đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm. Một đơn vị mà FIT đã và đang gom cổ phiếu là Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL), dự kiến tăng sở hữu lên 60% nếu mua thành công hơn 4.3 triệu cp trong đợt đăng ký gần đây.

Hay Vinamilk (HOSE: VNM) lên phương án dành 4,000 tỷ để M&A trong năm 2015. Mục đích của hoạt động này là để tăng cường và giữ vững thị phần sữa. Đồng thời, VNM cũng có kế hoạch tăng trưởng bằng cách M&A, xuất khẩu, sản xuất tại thị trường nước ngoài… và hiện đang đàm phán với 2 đối tác để triển khai nhà máy sữa bột tại châu Âu.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch mua lại những dự án dở dang về triển khai tiếp để tiết kiệm thời gian thi công. Đó cũng là hướng đi mà Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) đang hướng tới, Ban lãnh đạo TDH tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên 2015.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết trong năm 2015 có chiến lược M&A, mua lại các dự án tại Hà Nội và hiện đang trong quá trình đàm phán, một vài dự án đã mua thành công nhưng chưa công bố do chưa đủ cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, với đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước thì nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng cũng đang được xúc tiến. Đối với lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán phái sinh ra đời cùng với Thông tư 36, Thông tư 210 khiến nhiều công ty phải tìm đến nhau hợp nhất để tăng quy mô và sức cạnh tranh như CK Hải Phòng (HNX: HPC) tìm đến với CK Á Âu (AAS), CK Phương Đông và CK Sacombank (SBS) đang cố tìm ý chung nhân.

Mỹ Hà

Các tin tức khác

>   PPG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (19/05/2015)

>   PV2: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 (19/05/2015)

>   PVI: Lãi ròng quý 1 tăng 50% cùng kỳ (21/05/2015)

>   TTR: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (19/05/2015)

>   NBB: Lãi hợp nhất quý 1 hơn 615 triệu đồng, giảm 97% so cùng kỳ (19/05/2015)

>   NBB: BCTC quý 1 năm 2015 (19/05/2015)

>   LCG: BCTC quý 1 năm 2015 (19/05/2015)

>   LCG: Lãi ròng quý 1 tăng đột biến lên 13 tỷ đồng (21/05/2015)

>   HAI: BCTC quý 2 năm 2015 (19/05/2015)

>   HAI: Lãi ròng 2 quý đầu niên độ gấp đôi cùng kỳ (20/05/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật