Chứng khoán châu Á sẽ ra sao trong tuần đầy bận rộn sau gói kích thích của Trung Quốc?
Động thái nới lỏng tiền tệ mới nhất vào cuối tuần qua của Trung Quốc, cùng với loạt số liệu kinh tế và các chính sách sắp được công bố, có thể khiến các thị trường tài chính châu Á khá bấp bênh trong tuần này.
* Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ thấp nhất 7 năm, Fed sẽ sớm nâng lãi suất?
* Báo cáo việc làm Mỹ xoa dịu nỗi lo nâng lãi suất, Dow Jones bay cao 270 điểm
* Quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ chứng kiến tuần rút vốn mạnh nhất 2015
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai trong sắc xanh sau khi NHTW Trung Quốc hạ lãi suất lần thứ 3 trong 6 tháng vào cuối tuần qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Diễn biến các TTCK châu Á trong phiên giao dịch sáng 11/05
Nguồn: YahooFinance
|
Theo đó, vào ngày Chủ Nhật (10/05), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cơ bản bớt 0.25% xuống 5.1% sau khi GDP quý 1 giảm tốc còn 7%, tốc độ tăng trưởng chậm nhất từ năm 2009. Trước đó vào tháng 2 và tháng 4, PBoC cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.
Động thái nới lỏng tiền tệ mới nhất vào cuối tuần qua của Trung Quốc, cùng với loạt số liệu kinh tế và các chính sách sắp được công bố, có thể khiến các thị trường tài chính châu Á khá bấp bênh trong tuần này.
Gói kích thích của Trung Quốc có đủ?
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm sau động thái của PBoC và loạt số liệu kinh tế được công bố trong tuần này. Tuần trước, chỉ số Shanghai Composite sụt mạnh 5.3%, đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất từ tháng 5/2010 sau 3 ngày bán tháo ồ ạt do nỗi lo hạn chế giao dịch margin và chào bán cổ phiếu mới sắp tới.
Các số liệu kinh tế sẽ được Trung Quốc công bố trong tuần này bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định. Theo dự báo từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, sản lượng công nghiệp có thể tăng tốc lên 6% trong tháng 4, cao hơn so mức 5.6% trong tháng 3. Doanh số bán lẻ cùng tháng có thể tăng 10.50%, mạnh hơn mức tăng 10.20% trong tháng trước và đầu tư tài sản cố định từ đầu năm đến nay có thể duy trì tại mức 13.50%.
Dù vậy, các nhà phân tích cho biết PBoC vẫn còn dư địa để áp dụng thêm các chính sách hỗ trợ.
Thâm hụt ngân sách Australia sẽ tiếp tục phình to?
Tại Australia, số liệu cán cân ngân sách liên bang hàng năm sẽ được công bố vào ngày thứ Ba. Dự báo cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này có thể phình to lên 41 tỷ AUD (tương đương 32.46 tỷ USD) trong 12 tháng tính đến tháng 6, cao hơn so mức dự báo 40.4 tỷ AUD trong báo cáo triển vọng kinh tế giữa năm công bố tháng 12/2014.
Dù bước vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2018 hầu như không có nợ nần, nhưng kể từ đó đến nay Australia đã chứng kiến nợ ròng gia tăng do các trở ngại như đồng nội tệ mạnh, đà tăng trưởng chậm của các đối tác thương mại lớn nhất của nước này và gần đây nhất là đà lao dốc của giá hàng hóa. Điều này đã khiến Chính phủ Australia áp dụng gói ngân sách gây nhiều tranh cãi với các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt trong năm ngoái.
Ấn Độ giảm phát 6 tháng liên tiếp?
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, cũng sẽ công bố số liệu thương mại và sản lượng công nghiệp vào đầu tuần này, nhưng tâm điểm của thị trường có thể đổ dồn về số liệu lạm phát bán buôn dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm.
Theo các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, giảm phát tại Ấn Độ có thể kéo dài sang tháng thứ 6 liên tiếp do chi phí sản xuất và giá dầu hạ nhiệt. Dự báo cho thấy chỉ số giá bán buôn (WPI) của nước này có thể giảm 2.3% trong tháng 4 sau khi giảm 2.33% trong tháng 3, mức sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay.
Nhận định trong báo cáo công bố tuần trước, Moody's Analytics cho biết áp lực lạm phát thấp có thể dọn đường cho Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất trước thời điểm tháng 6 năm nay.
Hàn Quốc: Hạ hay không hạ lãi suất?
Sau một số nhận định gần đây của các quan chức Hàn Quốc về các tín hiệu tích cực của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) có thể giữ nguyên lãi suất ở mức 1.75% tại cuộc họp ngày thứ Sáu.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan cho biết tốc độ tăng trưởng trong quý 2 có thể đạt hơn 1%, cao hơn so với mức tăng trưởng tốt hơn dự báo 0.8% trong quý 1.
Tuần trước, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol phát biểu với giới truyền thông trong nước rằng ngân hàng này cần phải đánh giá lại tác động của việc hạ lãi suất đối với chi tiêu tiêu dùng do nợ hộ gia đình đang gia tăng.
Theo đó, nhà kinh tế Ronald Man của HSBC dự báo BoK sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất bớt 0.25% cho đến quý 3.
Ngoài cuộc họp của ngân hàng trung ương, Seoul cũng sẽ công bố số liệu việc làm và thương mại.
Dõi theo số liệu GDP của Malaysia và Hồng Kông
Malaysia và Hồng Kông sẽ công số số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tuần này. Theo dự báo của Moody's Analytics, GDP quý 1 của Malaysia có thể giảm tốc xuống 5.2%, thấp hơn so mức 5.8% trong quý cuối cùng của năm 2014.
Trong khi đó, nền kinh tế Hồng Kông được Moody's Analytics dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong quý 1 sau các cuộc biểu tình trong năm ngoái và có thể tăng trưởng 2.3% so cùng kỳ 2014, mạnh hơn so đà tăng trưởng 2.2% trong quý 4.
Phước Phạm (Theo CNBC, BBC)
|